"Nhặt nhạnh" cơ hội đầu tư trong downtrend

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến cổ phiếu một số ngành thiết yếu như điện, nước tuần qua phần nào cho thấy sự lựa chọn của dòng tiền trong bối cảnh thị trường giảm sâu và lo ngại lạm phát gia tăng. Nhưng dư địa ở nhóm này liệu còn hấp dẫn nhà đầu tư?
"Nhặt nhạnh" cơ hội đầu tư trong downtrend

Nhiều cổ phiếu phòng thủ tốt

GEG tăng mạnh, trần liên tục vài phiên, NT2 được khuyến nghị mua mạnh ở khắp các room tư vấn và cả từ khuyến nghị của công ty chứng khoán, hay lương thực, thực phẩm với hưởng lợi giá bán tăng như TAR và LTG cũng mang lại cảm xúc tích cực khi giá cổ phiếu hồi khá tốt sau mỗi lần chỉnh… đan xen nhiều cổ phiếu thủy sản như ANV bứt phá, MPC, FMC giữ sắc xanh phiên thị trường đỏ lửa, tương tự với vài cổ phiếu dệt may như MSH, TNG… giữ sắc xanh phiên cuối tuần. Trong đó, nhóm ngành điện (gồm cả điện khí, thủy điện…) hồi phục từ đáy thị trường khá tốt trước đó so với thị trường chung.

Vậy, những cổ phiếu này liệu có là cổ phiếu phòng thủ tốt trong thực trạng thị trường hiện nay, hay chỉ là những cơn sóng nhỏ nổi bật - là bến đỗ tạm của dòng tiền đang bối rối không biết nên chảy vào đâu, khi mà các ngành chính yếu thường nhắc đến như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép … giảm rất sâu?

Nói về diễn biến này, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, nhiều nhóm cổ phiếu tăng trong giai đoạn qua đến từ yếu tố tâm lý là chính, chẳng hạn cổ phiếu ngành điện, năng lượng là nhóm cổ phiếu tốt thì không sai, nhưng nếu chỉ nói về tăng trưởng thì các ngành nghề khác đều có tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ. Thậm chí cả ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bất động sản khu công nghiệp đều tốt…

Theo ông Phương, điện xưa giờ là cổ phiếu phòng vệ, có đặc điểm là doanh nghiệp điện chịu giám sát về giá đầu ra, không phải muốn bán bao nhiêu thì bán, nên biên lợi nhuận không cao. Trong lúc hoang mang, bấn loạn và cổ phiếu ngành nào cũng giảm rất sâu, thì có những nhóm ngành “cứu cánh” chỉ với thông tin tích cực một chút thì nhà đầu tư mua vào.

“Thậm chí, các nhà tạo lập cũng có phần quay sang dẫn dắt cổ phiếu ít thanh khoản, như ngành điện thì hầu hết các doanh nghiệp trong ngành có tỷ lệ tự do chuyển nhượng không cao, nên chỉ cần cầu tăng chút là tăng. Cứ có những con sóng nhỏ lên xuống, dễ thu hút dòng tiền đoạn này và họ phân phối dần. Vì vậy, để nói đây là nhóm vượt trội để hút dòng tiền thì chưa phải”, ông Phương nói.

Tại talkshow "Chọn danh mục" số 8 do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Rồng Việt nhận xét, nhóm cổ phiếu ngành điện là nhóm không chịu ảnh hưởng lạm phát và tăng trưởng điện sẽ tốt hơn sau đại dịch và nhiều ngành nghề sản xuất phục hồi trở lại. Tuy nhiên, giá cổ phiếu điện thời gian gần đây tăng khá nhanh do phụ thuộc vào quy hoạch điện VIII và giá FIT mới cho nhóm năng lượng tái tạo. Hiện vẫn đang chờ và chưa thấy phê duyệt cho quy hoạch điện VIII và việc phê duyệt cũng không dẫn đến những thay đổi quá lớn về cơ cấu kinh doanh của doanh nghiệp.

“Một số doanh nghiệp điện có thể có tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý II như NT2 nhờ sản lượng tăng và lợi nhuận từ tỷ giá cũng đã đạt đến mức giá mục tiêu của Rồng Việt”, bà Lam cho biết.

Tương tự, nhóm cổ phiếu thủy sản ngược dòng thị trường trong giai đoạn điều chỉnh vừa qua, mang đến cơ hội “về bờ” cho nhiều tài khoản của nhà đầu tư.

Theo quan điểm của ông Phương, thủy sản vẫn đang tốt, xuất khẩu tăng trưởng - vẫn là nhóm tạo sức hấp dẫn mới, nhưng cần lưu ý rủi ro là nuôi trồng và dựa nguồn thức ăn gia súc - đang tăng giá nhiều, thời tiết thiên nhiên… có thể ảnh hưởng sản lượng của nhóm thủy sản. Các thị trường lớn cũng có thể vận dụng hàng rào thuế quan sẽ ảnh hưởng tới ngành.

Nói về thị giá cổ phiếu, ông Phương đánh giá nhóm này đã tăng tốt, nên khó còn dư địa tăng nhiều, nhiều cổ phiếu trong ngành đã vượt qua giá trị sổ sách nhiều, nằm vùng giá cao trong khi chiết khấu thị trường đang rất mạnh.

Sàng lọc cơ hội, đừng mong lãi nhanh

Chỉ số VN-Index sau khi thất bại trong việc vượt qua ngưỡng 1.300 điểm đã về sát vùng 1.200 điểm, thậm chí có lúc xuyên thủng vùng này. Giá cổ phiếu vì vậy, sau giai đoạn giảm rất mạnh tháng 4 và 5, tiếp tục rơi thêm đoạn nữa trong tuần qua. Tâm lý nhà đầu tư trở nên hoang mang hơn, lựa chọn nhóm ngành cổ phiếu nào gây bối rối cho rất nhiều nhà đầu tư.

Theo ông Phương, nhà đầu tư vẫn có thể quan tâm nhóm phân đạm, dù đã tạo xu hướng tăng tốt trong vài tháng qua. Đây là nhóm có tỷ lệ tự do chuyển nhượng thấp và câu chuyện xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn cung ứng nên nguồn cung thiếu hụt, và hóa chất để sản xuất phân bón cũng bị gián đoạn…

Cụ thể, sản phẩm về phân đạm rất khan hiếm, đẩy giá lên cao, nên biên lợi nhuận ngành phân bón tăng cao. Các nhà đầu tư nước ngoài rất thích cổ phiếu phân đạm trong giai đoạn hiện nay bởi yếu tố này, cộng thêm lượng cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường không nhiều, nên giá cổ phiếu dễ bị tác động hơn.

Ông Phương cho rằng, sự tăng giá này có tính hợp lý, mới đây, DCM thông tin sẽ chia cổ tức 18% tiền mặt là khá hấp dẫn trong giai đoạn hiện nay, xu hướng giá cổ phiếu dự báo vẫn còn tăng nhưng không tăng ầm ầm. Chẳng hạn, DPM 6x, DCM 4x vẫn có thể tăng tiếp, rồi điều chỉnh đi ngang, tích lũy rồi lại tiếp tục tăng.

Nhóm cổ phiếu được ông Phương khuyến nghị tiếp theo là cổ phiếu dầu khí vì hiện cuộc chiến giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết, dẫn đến giá dầu mỏ duy trì mức cao, có thể trên 120 USD/thùng, mang lại lợi nhuận cho khai thác và cung cấp dịch vụ dầu khí. Thống kê cho thấy, giá dầu thô chỉ cần 70 USD/thùng thì các công ty khai thác đã đạt điểm hòa vốn. Theo đó, dù có lạm phát hay không thì nhu cầu về sản phẩm dầu mỏ rất lớn, nên cổ phiếu nhóm này sẽ hưởng lợi.

Một ngành hiện nay ông Phương đánh giá tiềm năng là ngành thép, dù thông tin có vẻ đang bất lợi như Trung Quốc dư thừa thép, tốc độ xây dựng chậm lại do dịch bệnh, giá thép trên thế giới giảm…

“Nhưng có một điều cần nhớ, đầu tư cổ phiếu là đầu tư tương lai. Đặt ngược vấn đề, Trung Quốc khống chế dịch tốt thì ngành xây dựng họ trở lại, còn nền kinh tế Việt Nam cũng bình thường trở lại thì các hoạt động xây dựng dân dụng cũng sôi động. Bên cạnh đó, làn sóng dịch chuyển nhà máy của tập đoàn lớn, nhu cầu sắt thép xây dựng cũng sẽ tăng”, ông Phương phân tích.

Có phần thận trọng hơn, bà Lam cho rằng, thực tế nhu cầu thép toàn cầu đang yếu do lạm phát và giá hàng hóa tăng rất mạnh.

Theo bà Lam, những ngành có triển vọng tích cực là hàng tiêu dùng thiết yếu, đầu tư công, nhóm liên quan đến lạm phát sẽ có sự phân hóa.

Trong nhóm đầu tư công, bên cạnh nhóm về hạ tầng, nhóm về giao thông thông minh cũng có thể xem xét ELC.

Bà Lam nhìn nhận, nhóm bất động sản khu công nghiệp sẽ có phục hồi tốt hơn, có kết quả kinh doanh tốt hơn so nhóm bất động sản dân dụng. Khi mở cửa lại nền kinh tế, dòng vốn FDI kỳ vọng sẽ vào Việt Nam và đây là nhóm có thể hưởng lợi trong nửa cuối năm. Đối với nhóm khu công nghiệp, Rồng Việt đánh giá cao những doanh nghiệp có quỹ đất lớn để phát triển các dự án cũng như có dự án phát triển nhà xưởng xây sẵn nên sẽ hưởng lợi.

Đối với ngành hàng không, mở cửa có thể sẽ giúp sản lượng hành khách tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, vì giá chi phí nhiên liệu ở mức cao trong ngắn hạn nên nhóm này cần quan sát.

Liên quan đến nhóm có thể ảnh hưởng bởi lạm phát cũng như yếu tố tiền tệ, Rồng Việt cho rằng nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng tốt so với khu vực, nên nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là cổ phiếu tốt cho trung và dài hạn.

Ở các nhóm liên quan đến hàng hóa, bà Lam kỳ vọng giá hàng hóa nguyên vật liệu có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm có nghĩa khả năng mở rộng lợi nhuận của nhóm này không còn nhiều nữa.

“Với xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương thì xu hướng tiền rẻ đã chấm dứt. Hiện tại, thị trường ở giai đoạn nhà đầu tư nên sàng lọc cổ phiếu, ngành nghề để mua và nắm giữ dài hạn, thay vì cổ phiếu có khả năng lãi nhanh, lời nhanh như giai đoạn 2021”, bà Lam nhận định.

Phan Hằng - Kiều Trang - Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục