Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/2 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/2

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu DPM

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi sử dụng kết hợp phương pháp chiết khấu dòng tiền DCF (tỷ trọng 50%) và P/E (tỷ trọng 50%) để xác định giá mục tiêu cho DPM của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí.

Phương pháp DCF xác định giá mục tiêu của DPM là 17.807 VND/cổ phiếu, phương pháp P/E với P/E mục tiêu 8x xác định giá mục tiêu của DPM cho năm 2021 là 13.625 VND/cổ phiếu. BVSC khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu DPM với giá mục tiêu là 15.716 VND/cổ phiếu.

>> Tải báo cáo

Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể cân nhắc mở vị thế đối KBC trong vùng giá 38-40

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP đang hình thành mô hình 2 đấy với ngưỡng đáy sau cao hơn ngưỡng đáy trước. Thanh khoản cổ phiếu vẫn đang nằm dưới ngưỡng trung bình 20 phiên.

Chỉ báo RSI đang ủng hộ xu hướng hồi phục tích cực trong khi chỉ báo MACD vẫn đang cho thấy nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Đường giá cổ phiếu vẫn đang nằm trên dải mây Ichimoku báo hiệu xu hướng tăng giá trung hạn vẫn đang khá vững chắc.

Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể cân nhắc mở vị thế trong vùng giá 38-40 và chốt lãi ngắn hạn tại vùng giá 46-47 hoặc trung hạn tại vùng giá 54-55. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 35.0.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BWE với giá mục tiêu 33.700 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (BWE) và tăng giá mục tiêu thêm 7% lên 33.700 đồng/CP. Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ việc chúng tôi chuyển sang áp dụng 100% mô hình định giá theo phương thức chiết khấu dòng tiền (DCF), so với áp dụng mô hình định giá theo 2 phương thức DCF và P/E như trước đây.

BWE có khả năng hưởng lợi từ nhu cầu nước sạch tăng mạnh tại tỉnh Bình Dương, một trong 3 điểm thu hút nhiều vốn FDI nhất Việt Nam.

Chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 thêm 1% do chi phí lãi vay giảm trong khi duy trì dự báo lợi nhuận giai đoạn 2022-2025. Chúng tôi kỳ vọng BWE sẽ ghi nhận tăng trưởng sản lượng nước thương phẩm năm 2021 đạt 16% so với năm trước so với mức cơ sở thấp là 7% trong năm 2020, giai đoạn chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.

Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2020-2024 đạt 12% đối với doanh thu và 26% đối với EPS, đến từ mức tăng dự phóng 60% trong sản lượng cấp nước, từ 470.000 m3/ngày vào cuối năm 2019 lên 750.000 m3/ngày vào cuối năm 2020, cùng với công suất xử lý chất thải gia tăng của BWE.

Định giá của BWE tỏ ra hấp dẫn tại P/E và EV/EBITDA dự phóng năm 2021 lần lượt là 10,5 lần và 5,8 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi. Các giá trị này lần lượt cao hơn 25% và 37% trung vị P/E (14,0 lần) và EV/EBITDA (9,2 lần) 4 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực. Chúng tôi dự báo DPS tăng 60% từ 1.000 đồng trong năm 2019 lên 1.600 đồng trong năm 2024.

Rủi ro: cổ tức tiền mặt thấp hơn dự kiến; hiệu suất hoạt động của các nhà máy mới giảm.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DXG

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với CTCP Tập đoàn Địa ốc Đất Xanh (DXG). Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 69% lên 25.300 đồng/cổ phiếu chủ yếu do (1) tăng định giá cho mảng dịch vụ môi giới sau khi cập nhật về tỷ lệ sở hữu và kỳ vọng cao hơn vào sự phục hồi lợi nhuận trong năm 2021; (2) tổng định giá dự án tăng tương ứng với đà tăng của giá bán lẻ tại các dự án trọng điểm gồm Gem Sky World (GSW) và Gem Riverside; và (3) giảm mức chiết khấu trực tiếp cho phương pháp định giá tài sản ròng (từ 25% trước đây còn 10%).

Kết quả kinh doanh năm 2020 thấp hơn đáng kể so với dự báo của chúng tôi chủ yếu do thời gian ghi nhận dự án GSW chậm hơn dự kiến trong quý 4/2020. Chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 thêm 23% lên 1,3 nghìn tỷ đồng chủ yếu do tăng số lượng căn tại GSW sẽ được bàn giao vào năm 2021.

Chúng tôi dự báo tổng giá trị hợp đồng bán hàng năm 2021 đạt 6,3 nghìn tỷ đồng (+4% YoY và +7% so với dự báo trước đây của chúng tôi), chủ yếu đến từ dự án hiện tại GSW và kỳ vọng các đợt mở bán dự án mới như Opal Cityview (khoảng 1.500 căn hộ trung cấp tại Bình Dương) và Lux Star (khoảng 600 căn hộ trung cấp tại TP.HCM).

Yếu tố hỗ trợ: hoàn thành thủ tục pháp lý sớm hơn dự kiến cho dự án Gem Riverside (Quận 2, TP.HCM).

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 43.500 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng khuyến nghị cho Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) từ phù hợp thị trường lên khả quan và điều chỉnh tăng đáng kể giá mục tiêu theo mô hình RNAV, từ 14.600 đồng/CP trước đây lên 43.500 đồng/CP.

Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ thay đổi trong mô hình định giá sang phương thức chiết khấu dòng tiền cho khu đô thị (KĐT) Tràng Cát tại Hải Phòng, so với trước đây định giá theo giá trị sổ sách khi dự án này bị trì hoãn kéo dài nhưng gần đây cho thấy tiến độ tích cực trong quá trình phê duyệt.

Tương ứng với các điều chỉnh của chúng tôi trong giả định cho các dự án lớn, bao gồm KĐT Tràng Cát và KĐT Phúc Ninh, chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021/2022/2023 lên 1,4/2,6/2,8 nghìn tỷ đồng từ dự báo trước đây là 860 tỷ đồng/1,1 nghìn tỷ đồng/1,3 nghìn tỷ đồng.

Dự báo năm 2021 gia tăng của chúng tôi chủ yếu phản ánh dự báo doanh số bán đất cao hơn cho KĐT Phúc Ninh khi dự án này đã nhận được phê duyệt vào cuối năm 2020. Trong khi đó, dự báo của chúng tôi tăng trong năm 2022/2023 chủ yếu do dự báo mới cho KĐT Tráng Cát mà chúng tôi kỳ vọng sẽ mở bán trong năm 2022.

Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2021 đạt 4,9 nghìn tỷ đồng (tăng 126% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (tăng 5,7 lần), chủ yếu được dẫn dắt bởi 135 ha doanh số bán đất khu công nghiệp (tăng 128%) và 8,4 ha doanh số bán đất KĐT (tăng 258%). KĐT Phúc Ninh và KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh dẫn dắt lợi nhuận năm 2021, đóng góp lần lượt 23% và 20% dự báo doanh thu cả năm của chúng tôi.

KBC là một trong những công ty hưởng lợi chính từ chuyển đổi cơ cấu của các cơ sở sản xuất toàn cầu đến Việt Nam và công ty có năng lực đã được chứng minh khi thu hút các khách thuê lớn như LG, Foxconn, Luxshare, Canon và GoerTek. Ngoài ra, KBC đang tăng dần sự hiện diện với mảng phát triển khu đô thị, nhắm đến sự phát triển nhanh công nghiệp hóa và đô thị hóa xung quanh các khu vực công nghiệp phía Bắc.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: Trì hoãn mở bán các dự án mới và/hoặc khách hàng tiềm năng trì hoãn các khoản đầu tư; biến động vốn lưu động liên quan đến các mảng kinh doanh ngoài cốt lõi.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu STB với giá mục tiêu 21.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 12,3% lên 21.000 đồng/CP nhưng điều chỉnh khuyến nghị từ mua thành khả quan khi giá cổ phiếu STB đã tăng 32,5% trong 3 tháng qua.

Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu được dẫn dắt bởi định giá cao hơn từ phương pháp thu nhập thặng dư cũng như giá trị vốn hóa/khoản vay và huy động. Mức tăng trong định giá từ phương pháp thu nhập thặng dư chủ yếu đến từ mức tăng trung bình 6,3% trong lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2021-2025, trong khi mức tăng trong định giá từ phương pháp giá trị vốn hóa/khoản vay và huy động đến từ giá trị vốn hóa cho STB (giả định không có nợ tồn đọng) cao hơn sau đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán trong quý 4/2020 và mức thất thoát thấp hơn khi chúng tôi ước tính tiến độ xử lý nợ xấu thực tế vượt dự báo của năm 2020.

Chúng tôi nâng lợi nhuận sau thuế dự báo giai đoạn 2021/2022/2023 thêm lần lượt 3,0%/19,4%/0,9% chủ yếu do (1) mức tăng trung bình 3 năm 0,2% trong thu nhập lãi thuần (NII), (2) mức giảm trung bình 3 năm 10,1% trong chi phí dự phòng và (3) mức giảm trung bình 3 năm 3,2% trong chi phí HĐKD.

Chúng tôi duy trì giả định rằng khoản nợ gốc còn lại từ bán quỹ đất Cần Đước sẽ được nhận trong năm 2023, quỹ đất Phong Phú sẽ được xử lý trong năm 2021, tất cả số dư VAMC ròng còn lại sẽ được xử lý và dự phòng toàn bộ vào cuối năm 2022, và lãi dự thu tồn đọng sẽ được xử lý hết vào năm 2024.

ROE và ROA dự báo 2021 của chúng tôi lần lượt là 10,3% và 0,6% so với trung vị ngành là 18.7% và 17,3%.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TCB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 51% và duy trì khuyến nghị mua dành cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) khi chúng tôi (1) nâng tổng dự báo thu nhập ròng giai đoạn 2021-2025 thêm 19% so với dự báo trước đó và (2) nâng P/B dự phóng lên 2,0 lần so với 1,2 lần trước đây.

Chúng tôi nâng dự báo thu nhập ròng 2021 thêm 20% so với dự báo trước đó của chúng tôi, đạt 15 nghìn tỷ đồng (tăng 19,1% so với năm trước) do (1) tăng dự báo LN trước dự phòng thêm 14% và (2) giảm 11% giả định chi phí dự phòng của chúng tôi.

Chúng tôi dự phóng tăng trưởng cho vay sẽ tiếp tục trong năm 2021 đạt 20% YoY – với cho vay mua nhà là yếu tố dẫn dắt chính. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng NIM tại TCB trong năm 2021 sẽ vượt ngưỡng 5% từ sự hỗ trợ của chi phí huy động thấp và lợi suất IEA tăng.

Chúng tôi nâng dự phóng giả định phần trăm khoản vay tái cơ cấu theo TT01 sẽ giữ nhóm nợ từ 75% so với 60% trước đây.

Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng bancasurrance sẽ quay trở lại dẫn dắt thu nhập phí ròng 2021.

Do triển vọng tích cực của TCB, chúng tôi tìn rằng ngân hàng sẽ có vị thế mạnh mẽ để điều chỉnh tăng định giá P/B với định giá cao hơn so với các ngân hàng TMCP khác. Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng với P/B 1,75 lần.

Rủi ro: Gặp khó khăn trong kiểm soát chi phí tín dụng và/hoặc duy trì tỷ lệ CASA; dịch COVID19 kéo dài dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TDM

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM) khi chúng tôi tin rằng TDM sẽ ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 năm tới, được dẫn dắt bởi nhu cầu nước mạnh mẽ tại tỉnh Bình Dương (vốn nằm trong top 3 tỉnh thành thu hút vốn FDI cao nhất Việt Nam).

Chúng tôi điều chỉnh giảm 2% giá mục tiêu còn 30.900 đồng/CP khi chúng tôi điều chỉnh giảm 9% dự báo lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn 2021/2022, chủ yếu được do giả định tăng trưởng sản lượng thấp hơn. Dự báo lợi nhuận sau thuế của chúng tôi giai đoạn 2023/2024 duy trì không đổi.

Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sau thuế 2021 sẽ tăng 58% YoY từ mức cơ sở thấp trong năm 2020 do tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 cũng như không ghi nhận thu nhập cổ tức từ công ty liên kết BWE.

Định giá của TDM tỏ ra hấp dẫn với ước tính của chúng tôi cho P/E hợp nhất và EV/EBITDA 2021 đạt lần lượt 7,6 lần và 7,9 lần. Các tỷ lệ này thấp hơn lần lượt 45% và 15% trung vị 4 năm các công ty cùng ngành với P/E và EV/EBITDA lần lượt là 14 lần và 9,2 lần.

Chúng tôi nâng dự phóng DPS (cổ tức/cổ phiếu) năm 2020 từ 1.100 đồng/CP lên 1.200 đồng/CP (dựa theo nghị quyết mới nhất của HĐQT của TDM) và dự phóng DPS đạt 1.200/1.300/1.400 đồng cho các năm 2021/2022/2023.

Rủi ro: Hiệu suất hoạt động thấp hơn của công suất mới; rủi ro pha loãn từ mở rộng công suất.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục