Năm 2020, thị trường chứng khoán phát triển vượt kỳ vọng, trong đó có sự trưởng thành của các thành viên thị trường. Ông có nhận xét gì về những chuyển động này?
Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán cũng đã trưởng thành hơn, đặc biệt kể từ khi có sự gia nhập của các công ty chứng khoán nước ngoài, tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt và thúc đẩy quá trình phát triển diễn ra nhanh hơn. Có thể thấy sự chuyển động này thể hiện qua các yếu tố sau.
Đầu tiên, quy mô vốn của các công ty chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ, tổng vốn góp hiện gần 3 tỷ USD. Có 24/74 công ty chứng khoán đạt quy mô vốn từ 1.000 tỷ đồng trở lên, đủ năng lực đáp ứng hầu hết các nghiệp vụ. Qua đó, quy mô cho vay giao dịch ký quỹ (margin) gia tăng đáng kể, dư nợ toàn thị trường đạt hơn 3 tỷ USD. Dư nợ margin tăng mạnh ở khối công ty chứng khoán nước ngoài, với nhiều gói sản phẩm đa dạng và lợi suất thấp, đem lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư trong nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Thứ hai, cơ cấu thị phần có sự dịch chuyển với tỷ lệ ngày càng lớn hơn từ các công ty chứng khoán nước ngoài. Hiện các công ty chứng khoán ngoại chiếm thị phần hơn 11% và nhóm các công ty chứng khoán có quy mô ngàn tỷ chiếm đến 90% thị phần môi giới trên toàn thị trường.
Chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, được nhiều nhà đầu tư cá nhân lựa chọn, thay vì gửi tiết kiệm như trước đây.
Thứ ba, các công ty chứng khoán đã đa dạng hóa các nguồn thu thông qua việc tham gia thị trường phái sinh, phát hành chứng quyền, bảo lãnh phát hành trái phiếu…, chứ không phụ thuộc vào các mảng kinh doanh truyền thống như môi giới, cho vay margin và tự doanh như trước. Mỗi mảng nghiệp vụ (bao gồm môi giới, cho vay margin, tự doanh, tư vấn và bảo lãnh phát hành) hiện có tỷ trọng đóng góp tương đối đồng đều trong tổng nguồn thu của các công ty chứng khoán, với tỷ lệ khoảng 25%.
Cuối cùng, các công ty chứng khoán đã đầu tư cho công nghệ nhiều hơn. Hầu hết công ty trong tốp đầu đều đã phát triển dịch vụ Internet trading, mobile-app trading, mở tài khoản online… trên các nền tảng công nghệ. Chúng tôi cho rằng, khả năng tiếp cận và thực hiện đổi mới công nghệ sẽ tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ trên thị trường và là chìa khóa cho sự thành công của các công ty chứng khoán trong kỷ nguyên tới.
Có gì đáng lưu ý về các chính sách kinh tế vĩ mô, bao gồm chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, cũng như hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết, theo ông?
Sau cú sốc trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi Covid-19, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ với tổng quy mô ước tính lên tới hơn 500.000 tỷ đồng, 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng đã khiến lãi suất liên ngân hàng thấp chưa từng thấy, với kỳ hạn qua đêm chỉ ở mức 0,1%/năm.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào đã giúp đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường xuống mức thấp, đây không chỉ là động lực cho sự thăng hoa của thị trường chứng khoán, mà còn hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp niêm yết, vượt qua khó khăn và phục hồi theo mô hình chữ “V”.
Chúng tôi kỳ vọng, các chính sách tiền tệ và tài khoá nới lỏng sẽ tiếp diễn trong năm 2021 để hỗ trợ phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh lạm được kiểm soát tốt như hiện nay. Qua đó, chúng tôi ước tính, quy mô lợi nhuận quý IV/2020 của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE có thể trở lại ngang mức trước dịch và tăng trưởng 10 - 15% trong năm 2021.
Sự thành công của Chính phủ với mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, đã giúp Việt Nam trở thành điểm sáng trên thị trường quốc tế. Điều này hết sức quan trọng khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, các quốc gia mở cửa nền kinh tế trở lại, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn hơn trong vấn đề thương mại quốc tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Từ sự vận động của dòng tiền, sự gia nhập của các nhà đầu tư mới trong năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam cần làm gì để phát huy và lan tỏa được sức hấp dẫn, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp?
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục lập kỷ lục trong năm 2020 đã phần nào cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Dù vậy, tính đến thời điểm cuối năm 2020, tổng số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước mới đạt 2,73 triệu, tương đương 2,8% dân số. Do đó, tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Hiện chúng ta đang có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường khi thu nhập bình quân đầu người gia tăng, trong khi lãi suất đang có xu hướng giảm dần. Chứng khoán sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn, được nhiều nhà đầu tư cá nhân lựa chọn, thay vì gửi tiết kiệm như trước. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2020, số dư tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng là 5,1 triệu tỷ đồng. Đây sẽ là động lực không nhỏ cho sự phát triển của thị trường chứng khoán nếu thu hút được dòng vốn này.
Để thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn, bản thân thị trường chứng khoán cần có những cải tiến, trước hết là đảm bảo được quản lý chặt chẽ và minh bạch, tạo dựng niềm tin của công chúng đầu tư đối với thị trường chứng khoán; phát triển nhiều sản phẩm đầu tư hơn nữa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu cá nhân; cải tiến công nghệ để tạo sự thuận tiện trong giao dịch và quản lý danh mục.
Với PHS, đâu sẽ là chiến lược của Công ty trong một thị trường đang có rất nhiều thay đổi?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá trong vài năm gần đây. Chúng tôi cho rằng, đó là kết quả từ những cải cách mạnh mẽ trong chính sách điều hành và sự phát triển vượt bậc của công nghệ. Xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới và PSH cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng chung này.
Theo đó, chiến lược của chúng tôi tiếp tục tập trung vào 3 trụ cột chính, bao gồm phát triển đội ngũ, phát triển sản phẩm và phát triển công nghệ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Nhìn lại năm 2020, đâu là những việc ông và Công ty tâm đắc nhất và những định hướng tập trung cho năm 2021 sẽ là gì?
Như đã nói, chiến lược xuyên suốt của PHS là tập trung phát triển nhân sự, sản phẩm và nền tảng công nghệ. Trong năm 2020, dù dịch Covid-19 gây khó khăn cho quá trình vận hành, nhưng chúng tôi cũng đã mở rộng mạng lưới hoạt động, thành lập chi nhánh mới và gia tăng đội ngũ môi giới cũng như các bộ phận hỗ trợ phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, Công ty liên tục phát triển các chương trình đào tạo nội bộ, gửi nhân sự ra nước ngoài đào tạo để nâng tầm chất lượng đội ngũ là nhiệm vụ luôn được đặt lên hàng đầu trong nhiều năm qua. Chúng tôi coi đây là giải pháp lâu dài giúp Công ty có thể phát triển bền vững.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đầu tư nền tảng công nghệ, thực hiện các bước chuẩn bị cho việc triển khai sản phẩm mới, môi giới chứng khoán phái sinh và sắp tới là phát hành chứng quyền.
Trong năm 2021, PHS sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư cho công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số để tạo ra các bước đột phá và hướng tới mục tiêu trở thành nhà môi giới số (Digital Broker) hàng đầu trong lĩnh vực chứng khoán phái sinh. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thu hút vốn đầu tư từ thị trường Đài Loan vì chúng tôi nhìn thấy cơ hội lớn khi thị trường Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc, đứng trước kỷ nguyên mới với triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi MSCI.