SJD: Khuyến nghị mua vào
CTCK Bảo Việt (BVSC)
CTCP Thủy điện Cần Đơn (mã SJD) cho biết, nguyên nhân khiến suất đầu tư thấp (khoảng 15,5 tỷ đồng/kWh) là do nhà máy Cần Đơn có vị trí đặt ngay sau nhà máy Thủy điện Thác Mơ trên thượng nguồn sông Bé. Do vậy, SJD chỉ cần phải xây dựng hồ chứa điều tiết theo tuần, giúp tiết kiệm chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng. Các nhà máy nằm tại đầu nguồn do vậy sẽ có suất đầu tư cao hơn. Trên sàn niêm yết hiện nay chỉ có SJD, DRL và nhà máy Khe Diên của SBA có được vị trí thuận lợi kể trên.
Trong khi đó, vị trí thuận lợi của SJD không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu mà còn tận dụng được nguồn nước từ hồ chứa điều tiết năm của Thủy điện Thác Mơ, do đó mùa khô SJD vẫn có thể phát điện nhờ lượng nước tích trữ từ mùa mưa của Thác Mơ.
Một điểm đáng chú ý khác của SJD là trong số 4 nhà máy của SJD, chỉ có duy nhất nhà máy Hà Tây mới đi vào vận hành và chi phí lãi vay còn tương đối cao. Tuy nhiên, quy mô công suất của Hà Tây khá nhỏ, không làm ảnh hưởng tới hiệu quả chung của SJD. 3 nhà máy còn lại là Cần Đơn, Ry Ninh II, Nà Lơi đều đã trả hết lãi vay hoặc còn lại không đáng kể nên đang vận hành rất tốt. Trong khi giá điện được ký cố định tới năm 2025 và 2028 nên xu hướng biên lợi nhuận sẽ càng ngày càng tăng do lãi vay và khấu hao giảm.
Nhờ 3 nhà máy đang tạo ra dòng tiền tương đối ổn định nên SJD thực hiện chi trả cổ tức gần như tốt nhất trong số các doanh nghiệp thủy điện niêm yết, trong khi định giá lại thấp hơn tất cả với mức P/E forward 2016 vào khoảng 7,09x
Mặt khác, 2 rủi ro lớn nhất đối với cổ phiếu SJD là việc nhà máy Cần Đơn khi hết thời hạn BOT vào năm 2028 sẽ phải bàn giao lại cho nhà nước và việc SJD có thể sẽ phải nhận sáp nhập các doanh nghiệp thủy điện kém hiệu quả hơn từ Tổng công ty Sông Đà.
Với kết quả định giá 36.653 đồng/cổ phần, chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu SJD.
DPM: Sẽ tiếp tục phải trích lập dự phòng khoản trả thay cho PVTEX
CTCK BIDV (BSC)
Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (mã DPM) cho biết, tổng sản lượng tiêu thụ ure sản xuất đạt 462.692 tấn, tăng trưởng 6% nhờ sản lượng sản xuất ổn định trong khi các nhà máy đạm Ninh Bình và đạm Hà Bắc tạm dừng hoạt động. Sản lượng phân bón tự doanh đạt 176.652 tấn trong 6 tháng đầu năm 2016, giảm 9%.
Giá bán đầu ra của công ty trong quý II giảm 3,6% so với quý 1/2016 và giảm đến 16% so với cùng kỳ 2015. Do (1) giá bán ure thế giới giảm; (2) cầu trong nước giảm dưới tác động của tình trạng hạn hán tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại khu vực Tây Nam Bộ. Kinh doanh NH3 đạt 15.467 tấn, tăng 52% so với cùng kỳ. Kinh doanh UFC 85 đạt 587 tấn, tương đương 17% kế hoạch 6 tháng đầu năm do 2 nhà máy đạm Ninh Bình và Hà Bắc tạm dừng hoạt động.
Tổng doanh thu thuần 6 tháng đạt 4.424 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 786 tỷ đồng, tăng 2% nhờ cải thiện biên lợi nhuận gộp khi giá khí đầu vào giảm mạnh đến 36% so với cùng kỳ 2015 còn 3,39 USD/MMBTU.
Chúng tôi dự báo doanh thu thuần 2016 đạt lần lượt là 9.016 tỷ đồng, giảm 8% so với năm trước với giả định giá bán trung bình năm 2016 giảm trung bình 17% so với năm 2015. Tháng 8/2016, giá ure tiếp tục giảm 400 đ/kg, (giảm 10% so với cuối năm 2015). Với giả định giá khí đầu vào trung bình năm 2016 giảm khoảng 20% so với năm 2015, lợi nhuận sau thuế dự báo đạt 1.633 tỷ đồng, tăng trưởng 10%.
Trái lại, DPM chịu rủi ro như giá khí đầu vào tăng trong khi giá bán đầu ra có xu hướng giảm. Khí là nguyên liệu chính trong sản xuất ure, chi phí nguyên liệu đầu vào chiếm đến 53% tổng chi phí sản xuất kinh doanh của donah nghiệp năm 2015. Giá khí tăng trong khi giá bán đầu ra khó tăng do dư cung sẽ tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận của DPM.
Bên cạnh đó, Công ty có nghĩa vụ thanh toán 25% trong số toàn bộ gốc, lãi và các chi phí, tổn thất liên quan cho nghĩa vụ bảo lãnh thay cho PVTEX của PVN, thực hiện từ 2017-2029. Với khoản lỗ lũy kế lên tới 1.307 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 519 tỷ đồng vào cuối năm 2015 của PVTEX, chúng tôi cho rằng, công ty sẽ tiếp tục phải trích lập dự phòng đối với khoản trả thay này.
LCG: PE dự phóng ở mức 6,7
CTCK BIDV (BSC)
Quý II/2016, CTCP LICOGI 16 (LCG – sàn HSX) đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt 202,3 tỷ và 10,3 tỷ, giảm 42% và 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hoạt động thanh lý tài sản đem lại khoản lãi tầm 20 tỷ đồng.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, LCG đạt 336 tỷ đồng doanh thu thuần và 20,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 46,8% và 28% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 31% kế hoạch về doanh thu và 40% kế hoạch về lợi nhuận cho năm nay.
Ngày 11/8/2016, LCG giao dịch với giá 4.400 đồng/cổ phiếu, EPS 2016 dự kiến đạt 655 đồng / cổ phiếu, P/E forward = 6,7.