Khuyến nghị mua cổ phiếu SAS với mục tiêu trung và dài hạn
CTCK MB (MBS)
Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) là công ty con của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế và cung cấp dịch vụ tại sân bay. Hiện nay, SAS là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong quý IV/2016, SAS ghi nhận 548 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so cùng kỳ 2015 và lợi nhuận gộp 247 tỷ đồng, tăng tương ứng gần 11%. Hoạt động tài chính kỳ này mang về 82 tỷ đồng lãi, trong khi cùng kỳ âm 25 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí quản lý được cắt giảm mạnh từ mức 332 tỷ của cùng kỳ xuống còn gần 62 tỷ đồng. SAS cũng được hoàn nhập hơn 7 tỷ đồng tiền thuế.
Kết quả, SAS lãi ròng gần 94 tỷ đồng trong quý IV, trong khi cùng kỳ âm 114 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2016, SAS lãi ròng 234 tỷ đồng, gấp hơn 21 lần so mức 11 tỷ đồng của năm 2015. EPS năm 2016 đạt 1.583 đồng/cp.
Lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế và hoạt động thương mại tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được hỗ trợ nhờ ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh. Theo IATA, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 7 trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng hành khách quốc tế 6,9%/năm đến 2017.
SAS đã liên tục thực hiện cơ cấu lại các sản phẩm dịch vụ không mang lại hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và cung cấp những sản phẩm/ dịch vụ linh hoạt đáp tốt nhu cầu của khách hàng. Trong năm 2016, SAS thực hiện chiến lược tăng trưởng lợi nhuận thay vì tập trung tăng trưởng doanh thu như trước cùng với việc cải thiện lợi nhuận thông qua tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và kiểm soát chi phí đầu vào. Biên lợi nhuận gộp năm 2016 đạt 42,5%, trong khi cùng kỳ đạt 35%.
Trong dài hạn, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ yếu tố mang lại sự đột biến cho SAS. Cụ thể, năm 2018 sân bay Tân Sơn Nhất được mở rộng với công suất tăng lên khoảng 40 triệu hành khách/năm. Điều này sẽ kích thích các lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế, bán lẻ thực phẩm và đồ uống…
Bên cạnh đó, Công ty cũng đang xây dựng kế hoạch gia nhập kinh doanh tại Sân bay Long Thành. Dự kiến Sân bay Long Thành sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025 và sẽ có công suất 50 triệu hành khách/năm. Đây có thể là những yếu tố tích cực kích thích tăng trưởng trong dài hạn
Cơ cấu tài chính của Công ty được định hướng giữ ở mức hợp lý và ổn định, nợ vay đang có xu hướng giảm dần, các khoản tài sản dài hạn được tài trợ hoàn toàn từ nguồn vốn dài hạn nhờ vậy rủi ro tài chính được hạn chế tối đa. Ngoài ra, Công ty có khoản tiền và tương đương tiền gần 556 tỷ đồng chiếm 28% tổng tài sản, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 85 tỷ đồng.
Trong dài hạn, ngành hàng không Việt Nam tiếp tục giữ mức tăng trưởng tốt, đây sẽ là yếu tố giúp Công ty mở rộng lĩnh vực dịch vụ, Thương mại. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu SAS tại vùng giá 24.000-26.000 đồng/cp với mục tiêu trung và dài hạn.
Khuyến nghị mua vào FPT
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP FPT (mã FPT) công bố Nghị quyết Hội đồng Quản trị liên quan đến kế hoạch kinh doanh 2017 của công ty. Ban lãnh đạo hướng đến kết quả kinh doanh năm 2017 ở mức cao, với doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng tương ứng 15% và 13% so với 2016, so với dự báo của chúng tôi lần lượt là 12% và 22%.
Qua trao đổi với công ty, chúng tôi hiểu rằng sự khác biệt chính giữa dự báo hiện tại của chúng tôi và mục tiêu của FPT là ở phân khúc Dịch vụ Viễn thông. Theo mục tiêu của Công ty, lợi nhuận trước thuế Dịch vụ Viễn thông được đặt ra chỉ tăng 1% so với 2016 (so với dự báo tăng trưởng của chúng tôi là hơn 20%). Điều này là do FPT có dự phòng khoản đóng góp tương đương 1,5% doanh thu của phân khúc này, có khả năng phải đóng góp vào Quỹ Viễn thông Công ích Việt Nam (VTF).
Trong mục tiêu 2016 trước đây, FPT cũng tinh đến khoản dự phòng này, nhưng nó không thực sự xảy ra trong 2016, vì chưa có quyết định chính thứctừ chính phủ liên quan đến việc áp dụng VTF với các công ty băng thông rộng cố định. Trong khi đó, số lượng thuê bao của FPT Telecom vẫn được đặt mục tiêu tăng trưởng vững chắc ở mức 16% so với 2016.
Các mảng khác cũng dự kiến sẽ có kết quả tốt cho 2017. Dẫn đầu tăng trưởng sẽ là mảng Xuất khẩu Phần mềm với mức mục tiêu tăng trưởng doanh thu là 24% cùng với những cải thiện về biên lợi nhuận.
Ngoài ra, sự phục hồi của mảng phân phối từ mức thấp trong 2016 cũng sẽ là bước đệm cho tăng trưởng lợi nhuận năm 2017, bởi vì trong 2016, FPT Trading ghi nhận lỗ 121 tỷ đồng từ việc cắt giảm hàng tồn kho Lumia, tương đương với 43% lợi nhuận trước thuế năm 2016 của phân khúc này.
FPT cũng công bố việc phát hành ESOP kết quả kinh doanh 2016, đã được phê duyệt trong AGM năm 2014. Khoảng 2,3 triệu cổ phiếu (0,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) sẽ được phát hành trong vòng 6T2017 (thường là vào tháng Tư). Theo đó, sẽ có 1,1 triệu cổ phiếu có thể được giao dịch bởi nhà đầu tư nước ngoài.
Chúng tôi đang xem xét lại dự báo cho FPT nhưng đồng thời cũng sẽ không có những thay đổi đáng kể. Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị MUA đối với FPT với giá mục tiêu là 64.300 đồng/CP (tổng mức sinh lời 48% bao gồm 4,9% lợi suất cổ tức).
Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PVS
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số năm 2017 của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS) giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái do biên lợi nhuận giảm của mảng Cơ khí Dầu khí (M&C) cũng như khoản lỗ tiếp tục của mảng Khảo sát Địa chấn và ROV (SS & ROV); dù vậy, các dự án khởi động sớm hơn kỳ vọng có thể sẽ nâng lợi nhuận năm 2017 cao hơn dự báo.
Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận sau thuế 12,4% trong giai đoạn 2017-2021 do lượng lớn các dự án thượng nguồn đang trong kế hoạch triển khai; thông báo bắt đầu khởi động các dự án này dự kiến diễn ra vào cuối năm 2017 sẽ hỗ trợ cho giá cổ phiếu.
Định giá hấp dẫn với P/B 2017 đạt 0,8 lần, EV/EBITDA đạt 5,5 lần, dù tỷ lệ P/E khá hợplý đạt 12 lần. Vì vậy, chúng tôi nâng giá mục tiêu của PVS thêm 13% và duy trì khuyến nghị khả quan.