GMC: PE dự phóng ở mức 8,25 lần
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, GMC đạt 656 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11% so với cùng kỳ, nhờ số lượng đơn hàng xuất khẩu tăng. Biên lợi nhuận gộp sụt giảm đáng kể từ mức 16,5% trong 6 tháng đầu năm 2014 xuống 15,3% do giá bán bình quân giảm.
Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 50,3% (do hoàn nhập quỹ lương) so với với cùng kỳ năm ngoái giúp bù đắp sự gia tăng của chi phí bán hàng và chi phí tài chính (lỗ tỷ giá).
Theo đó, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế ~61 tỷ đồng, tăng mạnh 79,1% so với cùng kỳ năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt 49 tỷ đồng, tăng mạnh 87,4% so với cùng kỳ. Với kết quả đã đạt được, nửa đầu năm 2015 GMC đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 81% kế hoạch lợi nhuận.
Dệt may vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2015 ~12,6 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục diễn ra trong năm 2015 nhờ lợi thế nhân công rẻ. Các hiệp định thương mại tự do đã và đang đàm phán sẽ là yếu tố hỗ trợ ngành dệt may. Do đó GMC sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng ngành tích cực.
Tính đến cuối quý 2, GMC đã nhận đủ đơn hàng sản xuất cho năm 2015 và đang đàm phán các đơn hàng trong năm 2016. Trong đó số lượng đơn hàng của khách hàng lớn như Columbia, Decathlon đều tăng so với năm 2014. Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, GMC đã đưa 4 chuyền may mới vào vận hành và dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư thêm 2 chuyền may, nâng tổng số chuyền may lên 66 chuyền.
Khoảng 80% nguyên phụ liệu của GMC được nhập khẩu từ Trung Quốc, thanh toán bằng đồng USD, được đối ứng bởi doanh thu xuất khẩu cũng bằng USD. Do đó đồng nhân dân tệ và VND giảm giá so với USD sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chi phí nguyên liệu của công ty. Tuy nhiên, chi phí nhân công đang ngày càng gia tăng và đối tác mua hàng có thể tạo áp lực giảm giá bán (do giá hàng dệt may Trung Quốc trở nên rẻ hơn) sẽ khiến biên lợi nhuận của GMC sụt giảm.
Là doanh nghiệp xuất khẩu, GMC được hưởng lợi tỷ giá khi VND giảm giá so với USD. Tuy nhiên tỷ giá tăng cũng làm tăng chi phí tài chính của công ty. Và theo chúng tôi ước tính, với doanh thu xuất khẩu khoảng 66 triệu USD/năm và nợ vay ngắn hạn khoảng 9,8 triệu USD, GMC không bị ảnh hưởng đáng kể do vấn đề tỷ giá.
Dựa trên các giả định thận trọng, chúng tôi ước tính GMC sẽ đạt 790 tỷ đồng doanh thu và ~21 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 2 quý cuối năm, giảm lần lượt 3% và 45% yoy. Như vậy, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 lần lượt ở mức 1.446 tỷ đồng (+2,6% so với năm ngoái) và 70,3 tỷ đồng (+23,5% so với năm ngoái). EPS và P/E dự phóng ở mức ~6.036 VND/CP và 8,25 lần.
PAC: PE thấp hơn trung bình ngành, ở mức 8 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
PAC tiếp tục ghi nhận quý thứ 2 liên tiếp có kết quả tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế ấn tượng. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 lần lượt đạt 1.127 tỷ và 47,3 tỷ, tăng 19% và 40% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng doanh thu chủ yếu nhờ tăng sản lượng ắc quy bán cho xe ôtô và xe tải tăng.
Xin nhắc lại, từ 2010 HĐKD của PAC liên tục sụt giảm do sản phẩm truyền thống (ắc quy nước) không cạnh tranh được về độ bền và tính hiệu quả của ắc quy khô ngoại nhập. Do đó, cuối năm 2012, hai sản phẩm ắc quy khô mới được tung ra thị trường. Nhờ thay đổi cơ cấu sản phẩm bằng cách tăng tỷ trọng ắc quy khô, PAC đang giành lại thị phần và cạnh tranh lại với những loại ắc quy ngoại nhập khác.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2015 tăng lên mức 20% so với mức 18% của cùng kỳ 2014 do giá nguyên liệu đầu vào (chì – chiếm khoảng 70% giá trị thành phẩm) giảm 10,6% so với cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận gộp tăng 26% so với cùng kỳ.
Mặc dù doanh thu tăng mạnh nhưng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng không đáng kể với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng nhẹ 1 điểm %. Cùng với lỗ ròng tài chính là 7 tỷ, tăng 22% so với cùng kỳ do doanh thu tài chính giảm, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 tăng 40% so với cùng kỳ.
Chúng tôi kì vọng lợi nhuận của PAC sẽ tiếp tục có những kết quả tốt hơn trong 2 quý cuối năm. Hiện giá chì vẫn đang ở mức thấp hơn so với cùng kỳ. Giá chì nguyên liệu trung bình 8 tháng đầu năm 2015 ở mức 1.840 USD/tấn, giảm khoảng 14% so với cùng kỳ so với mức giá 2.128 USD/tấn cùng kỳ 2014. Đây là cơ sở để PAC có thể giữ được biên lợi nhuận gộp ở mức 20%, tăng 2 điểm % so với cùng kỳ.
Doanh số bán ô tô của toàn thị trường đã tăng 57% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2015 và được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt, là động lực tăng nhu cầu pin ắc quy. Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 đạt 2.229 tỷ và 102 tỷ, tăng 10% và 38% so với cùng kỳ. EPS dự phóng đạt 3.345 đồng. P/E dự phóng đạt 8 lần, thấp hơn trung bình ngành 10 lần.
Ngày 14/09/2015 tới đây là ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức đợt 1/15 bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện là 8%/mệnh giá (800 đồng). Ngày thanh toán cổ tức là 29/9/2015. Tổng mức cổ tức bằng tiền mặt 2015 của PAC được ĐHCĐ thông qua là 15%, tương ứng lợi suất cổ tức là 5,6%.
OPC: PE ước khoảng 10 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Ngày 21/09/2015 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức tạm ứng đợt 1/2015 tỷ lệ 1.000 đồng/cp. Ngày thanh toán dự kiến là 12/10/2015. Năm 2015, OPC dự kiến duy trì mức cổ tức tiền mặt chi trả là 2.000 đồng/cp, tương đương tỷ suất cổ tức khoảng 6,1%.
OPC đã phát hành ESOP tỷ lệ 5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, tương đương hơn 964 ngàn cổ phiếu với mức giá 12.000 đồng/cp trong tháng 8/2015 vừa qua. Theo kế hoạch, công ty sẽ phát hành cho cổ đông riêng lẻ trong quý III-IV/2015, tỷ lệ 4:1, với mức giá 10.000 đồng/cp. Như vậy, nếu đợt chào bán này thành công, thì vốn điều lệ của OPC sẽ tăng hơn 31% so với cuối 2014, lên 253,1 tỷ đồng.
Dự kiến số tiền thu về từ đợt phát hành sẽ được đầu tư cơ sở vật chất cho chi nhánh Hà Nội, xây dựng xưởng chế biến và mở rộng mạng lưới phân phối thuốc phiến cũng như bổ sung vốn lưu động cho công ty.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, dù tình hình cạnh tranh trong phân khúc đông dược đang khá gay gắt, doanh thu của OPC vẫn tăng 6,6% so với cùng kỳ, đạt 258,1 tỷ đồng, hoàn thành 58,2% kế hoạch 2015. Do e ngại về vấn đề cạnh trạnh, OPC đặt kế hoạch gần như không tăng trưởng trong năm 2015.
Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh hơn doanh thu, đến 11,9% so với cùng kỳ, đạt 40,1 tỷ đồng, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ từ mức 46,6% trong 6 tháng đầu năm 2014 lên mức 48% trong 6 tháng đầu năm 2015. Với mức lợi nhuận này, OPC cũng đã đạt được 59,3% kế hoạch cả năm 2015.
EPS ước tính cho 2015 của OPC đang ở mức 3.279 đồng/cp (đã pha loãng khoảng 8% sau 2 đợt phát hành trên), tương đương với mức PE khoảng 10 lần, so với mức 11 lần bình quân ngành.