Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/1

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 12/1 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/1

Khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu PNJ

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Thị trường trang sức Việt Nam phân mảnh cao với khoảng 80% thị phần thuộc các cửa hàng nhỏ lẻ, là cơ hội cho các chuỗi bán lẻ lớn như Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) (hiện chỉ mới chiếm thị phần ước tính 5,6%).

Bên cạnh đó, Thông tư 22/2013 siết chặt quy định về chất lượng sản phẩm trang sức, giúp tăng năng lực cạnh tranh của PNJ (doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chuỗi lớn nhất Việt Nam) so với các cửa hàng nhỏ.

Về phía PNJ, Công ty sẽ đẩy mạnh việc phát triển chuỗi bán lẻ trong các năm tới. Đến cuối năm 2016 thì PNJ có 219 cửa hàng, lớn gấp 4,6 lần doanh nghiệp thứ hai. Đồng thời, PNJ sẽ chú trọng phát triển kinh doanh trang sức trong các năm tới, mang lại lợi nhuận gộp cao hơn.

Trong dài hạn, văn hóa tích trữ vàng và sử dụng vàng trang sức của người dân Việt Nam đảm bảo thị trường ổn định cho PNJ.

Tuy nhiên, bất lợi đối với PNJ là kim cương, đá quý và vàng, có giá cả biến động lớn lại chiếm 90% chi phí sản xuất của Công ty.

Trong khi đó, việc không được nhập khẩu vàng để chế biến trang sức làm hạn chế khả năng kinh doanh của PNJ do không chủ động được nguồn nguyên liệu.

Một điểm bất lợi khác ở PNJ là nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại sau khi tăng trong 5 năm liên tục. Cụ thể, nhu cầu trang sức Việt Nam trong 9 tháng 2016 là khoảng 11.5 tấn, giảm 1,5% so với năm trước.

Vì vậy, chúng tôi đánh giá cổ phiếu PNJ tại mức 77.000 đồng/CP cuối năm 2017, dựa trên phương pháp so sánh định giá P/E, lợi nhuận kỳ vọng đạt 16% so với giá thị trường là 69.800 đồng/CP và khuyến nghị tăng tỷ trọng.

QNS tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh khả quan

CTCK MB (MBS)

Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS), tiền thân là Công ty Đường Quảng Ngãi, được cổ phần hóa vào năm 2005. Công ty chuyên chế biến đường, mật, thực phẩm, đồ uống; sản xuất và kinh doanh nước khoáng và kinh doanh thương mại, dịch vụ tổng hợp và hoạt động xuất nhập khẩu. Công ty là doanh nghiệp dẫn đầu trong phân khúc sữa đậu nành với thị phần là 82,7%.

Cuối năm 2016, Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy Bình Dương đã hoàn thành giai đoạn 1 và chính thức đi vào hoạt động với công suất 90 triệu lít/năm, nâng tổng công suất của Công ty lên 390 triệu lít/năm. Nếu tình hình thị trường thuận lợi, Vinasoy sẽ tiến hành tiếp giai đoạn 2 của nhà máy để đạt công suất thiết kế tối đa là 180 triệu lít/năm.

Công suất ép của Nhà máy Đường An Khê được nâng lên thành 18.000 tấn mía/ngày. Ngoài ra, dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện sinh khối An Khê sản xuất điện từ bã mía có công suất thiết kế 110 MW cũng sẽ đi vào hoạt động cùng với nhà máy mía An Khê. Dự án có giá trị đầu tư 1.700 – 1.800 tỷ đồng và dự kiến vào tháng 01/2017 sẽ chạy được theo CSTK, giá bán điện đang được xem xét.

Các nhóm sản phẩm như bia, nước giải khát và bánh kẹo được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sẽ không cao, do đó kết quả kinh doanh của 3 mảng này sẽ duy trì khả quan, ít biến động.

Sữa đậu nành và mía đường là 2 mảng kinh doanh trọng yếu quyết định đến hiệu quả kinh doanh của QNS ( khi chiếm đến khoảng 75% tổng doanh thu và 70% lợi nhuận trước thuế của Công ty).

Năm 2017, chúng tôi cho rằng 2 mảng kinh doanh này của QNS vẫn tiếp tục duy trì khả quan, tổng doanh thu dự kiến đạt 8.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 1.230 tỷ đồng tương đương biên lợi nhuận ròng 15%. EPS forward năm 2017 đạt khoảng 6.560 đồng/cp. Hiện tại, cổ phiếu QNS đang giao dịch mức giá 104.900 đồng/cp tương đương mức P/E là 16 lần và P/B là 6,62 lần.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục