JVC: PE rất cao, hơn 41 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Tình hình kinh doanh vẫn tiếp tục khó khăn khiến doanh thu quý II/2015 giảm mạnh 62% so với cùng kỳ, còn 114,8 tỷ đồng. Doanh thu các mảng hoạt động đều giảm, trong đó, mảng bán hàng giảm mạnh nhất, tới 69% so với cùng kỳ, so với mức giảm lần lượt 25% và 22% so với cùng kỳ của hoạt động liên kết thiết bị y tế và hoạt động khác. Theo đó, tỷ trọng đóng góp doanh thu từ hoạt động bán hàng trong quý II/2015 giảm xuống còn 70%, so với mức 85% của cùng kỳ năm trước.
Biên lợi nhuận gộp quý II/2015 giảm 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ, xuống còn 29%, chủ yếu do giá bán giảm. Thêm vào đó, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doan h thu cũng tăng mạnh từ mức 2,8% trong quý II/2014 lên 11,2% trong quý II/2015. Do chi phí tăng cao, JVC chỉ đạt được 3,7 tỷ đồng lãi ròng trong quý II/2015, giảm 95,1% so với cùng kỳ, mạnh hơn mức giảm của doanh thu.
Sau 2 lần đại hội bất thành trước đó do không đủ số lượng cổ đông tối thiểu tham dự, ĐHCĐ thường niên 2015 của JVC cũng đã được tổ chức vào ngày 19/11/2015 vừa qua. Theo đó, Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2015 với 501 tỷ đồng doanh thu (-48% so với năm ngoái) và 17,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (-91% so với năm ngoái). Trong 2 quý đầu năm 2015, JVC đạt 203,6 tỷ đồng doanh thu (-58,6% so với cùng kỳ) và 7,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (-92,2% so với cùng kỳ). Với kết quả này, JVC đã hoàn thành 40,6% và 43,4% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Theo nghị quyết HĐQT ngày 12/10/2015, JVC dự kiến mua lại 5.625.035 cổ phiếu (tương đương khoảng 5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) làm cổ phiếu quỹ, theo phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh trên sàn. Công ty cho biết đang chờ chấp thuận từ phía UBCKNN. Với mức giá hiện tại là 6.300 đồng/cp, ước JVC phải chi hơn gần 36 tỷ đồng để mua lại lượng cp quỹ trên. Tuy nhiên, số dư tiền mặt tại ngày 30/09/2015 của công ty chỉ ở mức 21,3 tỷ đồng.
Với kế hoạch lợi nhuận 2015 trên, EPS 2015 ước tính cho JVC chỉ vào khoảng 153 đồng/cp, tương đương với mức PE rất cao, hơn 41 lần.
LSS: Lợi nhuận dự phóng 40 tỷ đồng
CTCK MB (MBS)
CTCP Mía đường Lam Sơn (mã LSS) công bố kết quả kinh doanh quý III/2015. Theo đó, doanh thu đạt mức 348 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 13.6 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ.
Chi phí lãi vay giảm mạnh so với cùng kỳ là nhân tố chính khiến lợi nhuận của LSS khả quan hơn so với cùng kỳ. Trong kỳ, công ty đã giảm mạnh hàng tồn kho, qua đó giảm mạnh dư nợ vay qua đó làm giảm chi phí lãi vay. Ngoài ra, Công ty cũng chủ động tăng sản xuất và tiêu thụ đường tinh luyện để cải thiện biên lợi nhuận khi sản phẩm này có giá bán cao hơn.
LSS là một trong các công ty mía đường có năng lực sản xuất tốt tại miền Bắc, sở hữu hai nhà máy đường có tổng công suất ép khoảng trên 10,000 tấn mía/ngày. Khả năng sản xuất của Công ty dao động quanh mức 100 nghìn tấn đường/năm. Công ty có khả năng sản xuất đường tinh luyện RE từ đường thô. Hiện tại, vùng nguyên liệu của Công ty tập trung tại Thanh Hóa với diện tích khoảng 13,000 ha với 4 nông trường lớn. Việc mở rộng vùng nguyên liệu của LSS gặp khó khăn do cây mía phải cạnh tranh với các cây trồng khác.
Trong các năm gần đây, hoạt động kinh doanh của LSS duy trì ở mức thấp do diễn biến giá đường không thuận lợi. Chúng tôi đánh giá LSS sẽ gặp cạnh tranh mạnh mẽ từ đường nhập khẩu (đặc biệt là từ Thái Lan) khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do.
Chúng tôi dự phóng, lợi nhuận sau thuế của LSS là 40 tỷ đồng trong 2015, tương đương mức EPS là 570 đồng.