Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 10/6 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/6

Khuyến nghị mua cổ phiếu FCN với giá mục tiêu 14.600 đồng/CP

CTCK Dầu khí (PSI)

Quý I/2021, CTCP FECON (FCN) ghi nhận kết quả tích cực với doanh thu thuần đạt 580,2 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, mặc dù chi phí giá vốn tăng cao hơn so với doanh thu nhưng lợi nhuận gộp vẫn đạt 104 tỷ đồng, tăng 29,6%.

Trước khó khắn từ những ảnh hưởng của dịch Covid-19, FCN vẫn ghi nhận những kết quả tích cực nhờ (1) doanh thu từ hoạt động xây dựng tăng mạnh, và cùng với mảng nền móng chiếm gần 80% tổng doanh thu; (2) nguồn việc thực hiện dồi dào từ các dự án điện gió chuyển tiếp từ 2020 đã bắt đầu có sản lượng đáng kể.

Tổng giá trị hợp đồng ký mới của FCN trong 2020 tính đến hết tháng 10 đạt trên 5.169 tỷ. Chúng tôi cho rằng doanh nghiệp có khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Kế hoạch kinh doanh năm 2021 của FCN dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 3.900 tỷ đồng (tăng 23,9% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 175 tỷ đồng (tăng trưởng 31,5%).

Theo chúng tôi đánh giá, FCN có khả năng hoàn thành kế hoạch đặt ra do (1) Backlog dự án chuyển tiếp từ 2020 đạt 1.900 tỷ (2) Năm 2021, chính phủ sẽ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các dự án dự án cơ sở hạ tầng (3) Nguồn công việc vẫn tiếp tục dồi dào khi FCN dự kiến ký tiếp các hợp đồng thi công mới trong quý II với tổng giá trị khoảng 1,000 tỷ đồng

Chúng tôi thực hiện định giá cổ phiếu FCN dựa theo các phương pháp phương pháp so sánh P/E, P/B và EV/EBITDA, đưa ra mức giá mục tiêu là 14.600 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu DCM với giá mục tiêu 22.900 đồng/CP

CTCK Dầu khí (PSI)

Giá khí nguyên liệu, giá phân bón tăng cao trong năm 2021: Giá dầu dự báo tăng ở mức trung bình 60 USD/thùng khiến giá khí nguyên liệu tăng cao. Đồng thời, nguồn cung phân bón đang hạn chế do thiếu hụt từ lượng nhập khẩu, nhất là từ thị trường Trung Quốc. Nông sản được giá cũng là yếu tố hỗ trợ gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón.

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh thận trọng trong năm 2021, khi các chỉ tiêu đều thấp hơn tương đối so với số thực hiện năm 2020. Ngay quý đầu năm nay, DCM ghi nhận 1,873 tỷ đồng doanh thu thuần, 152 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (trong khi kế hoạch 2021 cho chỉ tiêu này là 197.4 tỷ đồng).

Giá phân bón trung bình tăng 18%, bù đắp chi phí giá khí: Giá phân bón thành phẩm Ure trung bình theo công bố từ DCM là 7.067 đồng/kg trong quý I, tương ứng tăng 18% so với mức giá 6.000 đồng/kg so với quý I cùng kỳ năm 2020.

Chúng tôi nâng triển vọng giá mục tiêu từ 20.450 đồng/CP trong báo cáo gần nhất, lên thành 22.900 đồng/CP theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, tương ứng với giả định mảng kinh doanh NPK đóng góp vào tăng trưởng 5% doanh thu mỗi năm trong ba năm tiếp theo (upside 29% so với giá hiện tại), đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 32.800 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Mảng Xây lắp điện được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư điện gió và nhu cầu đầu tư hệ thống truyền tải điện.

Bên cạnh đó, mảng Thủy điện tăng trưởng mạnh trong năm 2021 nhờ tình hình thủy văn thuận lợi và công suất tăng thêm từ các nhà máy mới.

Do đó, BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (PC1) lần lượt đạt 7.928 tỷ đồng (tăng 19% so với năm ngoái) và 590 tỷ đồng (tăng trưởng 9%), EPS FW 2021 = 2.934 đồng/CP với giả định: (1) Giá trị hợp đồng EPC điện gió ký mới trong năm 2021 tăng 40% so với năm ngoái; (2) Mảng thủy điện tiếp tục hưởng lợi từ tình hình thủy văn thuận lợi và (3) Các dự án điện gió bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2021, đem lại cho PC1 doanh thu = 142 tỷ đồng.

BSC đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 32.800 đồng/CP cho năm 2021 (tương đương với upside 22.4% so với giá ngày 07/06/2021) dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP).

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu LCG nằm tại mức 14.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu LCG của Công ty cổ phần LICOGI 16 đang ở trong trạng thái hồi phục trở lại sau khi có quãng thời gian giảm giá trong 3 tháng trước đó. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 đồng thời đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 nên cổ phiếu tiềm năng sẽ duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của LCG nằm tại khu vực xung quanh 13. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 14.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 12.25 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị khả quan cho NLG với giá mục tiêu 44.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) công bố Nghị quyết HĐQT ngày 7/6/2021 liên quan đến chi tiết giá phát hành và đối tượng tham gia kế hoạch phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu đã được cổ đông thông qua tại ĐHCĐ diễn ra vào tháng 4/2021. Cổ phiếu mới dự kiến sẽ được phát hành trong năm 2021, sau khi được UBCKNN phê duyệt và sẽ bị hạn chế giao dịch trong 1 năm.

Giá phát hành dự kiến trong khoảng từ 30.800 đồng/CP đến 37.600 đồng/CP, dựa theo thỏa thuận giữa ban lãnh đạo và nhà đầu tư. Ban lãnh đạo có kế hoạch sử dụng tổng số tiền thu được dự kiến để đầu tư vào các dự án trọng điểm, bao gồm Akari City và một dự án tại Hải Phòng.

Dựa theo danh sách dự kiến gồm 9 nhà đầu tư tổ chức đăng ký tham gia vào đợt phát hành riêng lẻ này, 3 cổ đông lớn - Quỹ PYN Elite, CTCP Đầu tư Thương mại Thái Bình (TBS Group) và Ibeworth Pte. Ltd (Keppel Land) - đăng ký mua 26,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 44% lượng cổ phiếu phát hành. Đáng chú ý, GELEX (HOSE: GEX) cũng đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu/25% trong đợt phát hành riêng lẻ này, dù trước đợt phát hành không nắm giữ cổ phiếu NLG nào.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho NLG, với giá mục tiêu 44.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 20,3% (bao gồm lợi suất cổ tức 3,0%), dựa theo giá đóng cửa phiên hôm nay.

Khuyến nghị khả quan cho TPB với giá mục tiêu 41.600 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Nghị quyết HĐQT của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB), ngày 7/6/2021, đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ mà ngân hàng đã được đề xuất tại ĐHCĐ diễn ra vào tháng 4/2021.

Ngân hàng dự kiến phát hành 100 triệu cổ phiếu thông qua phát hành riêng lẻ để tăng vốn. Sau giao dịch, vốn điều lệ của TPB sẽ tăng từ 10,7 nghìn tỷ đồng lên 11,7 nghìn tỷ đồng.

Nghị quyết cũng thông qua việc ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT quyết định các nội dung chi tiết của kế hoạch này. Nghị quyết này hỗ trợ giả định của chúng tôi về việc ghi nhận kế hoạch tăng vốn của TPB vào dự báo cũng như định giá của chúng tôi. Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho TPB với giá mục tiêu 41.600 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HDB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 38,5% và nâng khuyến nghị từ phù hợp thị trường lên mua. Giá cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDB) đã tăng 21% trong 3 tháng qua.

Chúng tôi tăng giá mục tiêu khi nâng (1) dự báo tổng thu nhập ròng cho giai đoạn 2021- 2025 lên 3,5% so với dự báo trước đó của chúng tôi, (2) P/B mục tiêu của chúng tôi lên 1,8 lần so với 1,5 lần trước đó và (3) giảm chi phí vốn chủ sở hữu còn 12,5% so với 13% trong giả định trước đây của chúng tôi.

Chúng tôi nâng thu nhập ròng dự phóng năm 2021 lên 12% so với dự báo trước đây lên 6,3 nghìn tỷ đồng do (1) lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng (PPOP) tăng 11% giúp bù đắp cho (2) mức tăng 4,2% trong giả định chi phí dự phòng. Dự báo thu nhập lãi ròng (NII) của chúng tôi gần như không thay đổi.

Với cơ sở vốn huy động mạnh mẽ (tỷ lệ cho vay/huy động - LDR quy định năm 2020 đạt 63%) và kỳ vọng của chúng tôi về bối cảnh kinh tế tích cực hơn vào năm 2021 so với năm 2020, chúng tôi nâng tăng trưởng cho vay dự báo năm 2021 lên 26% so với năm ngoái so với 23,2% trước đó.

Với ROE dự báo năm 2021 đạt 21% là khá phù hợp so với các ngân hàng khác, chúng tôi cho rằng HDB vẫn có tỷ lệ tăng tiềm năng khi đang giao dịch ở mức P/B dự phóng 2021 là 1,7 lần so với mức trung bình của các ngân hàng khác là 1,92 lần và ngân hàng có đủ khoản đệm vốn và vốn huy động đủ để tận dụng các cơ hội tăng trưởng. Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/B năm 2021 là 2,1 lần.

Yếu tố hỗ trợ: Tăng trưởng cho vay tại HDS cao hơn; diễn biến tốt hơn dự báo của các khoản cho vay tái cơ cấu lại.

Rủi ro giảm: Không thể kiểm soát chi phí tín dụng; rủi ro thực hiện từ mảng thẻ tín dụng mới tại HDS; dịch COVID-19 kéo dài dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục