Nâng hạng thị trường, câu chuyện được chờ đợi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần như là chắc chắn thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng trong kỳ xem xét của MSCI vào cuối tháng 6 này.
Nâng hạng thị trường, câu chuyện được chờ đợi

Anh Nguyễn Hưng, một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại TP.HCM chia sẻ, nâng hạng là một câu chuyện hay vì mang đến kỳ vọng lớn lao cho nhà đầu tư.

Khoảng 5 năm trở lại đây, dù hy vọng thị trường chứng khoán được nâng hạng chưa cao nhưng cứ đến tháng 6 hàng năm, nhà đầu tư vẫn chờ đợi kết quả xếp hạng thị trường chứng khoán từ Morgan Stanley Capital International (MSCI).

Để rồi, dù có thất vọng một chút nhưng lại tiếp tục kỳ vọng vào năm sau. Điều này khiến cho nhiều cổ phiếu trụ có tỷ trọng cao trong các bộ chỉ số MSCI thường diễn biến tốt trước mỗi kỳ xem xét thường niên của tổ chức này.

Dự kiến vào rạng sáng ngày 25/6/2021 theo giờ Việt Nam, MSCI sẽ công bố về khả năng nâng hạng của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán của tổ chức này dựa trên 3 nhóm tiêu chí: Thứ nhất, phát triển kinh tế; thứ hai, vốn hóa và thanh khoản; thứ ba, khả năng tiếp cận thị trường. Trong ba nhóm tiêu chí này, nhóm thứ nhất không yêu cầu với các thị trường mới nổi, còn tiêu chí vốn hóa và thanh khoản từ lâu Việt Nam đã thỏa mãn.

Đặc biệt, nhờ sự tăng trưởng mạnh thời gian qua, thị trường Việt Nam đã vượt trội so với một số thị trường mới nổi trên nhóm tiêu chí này.

Tuy nhiên, với nhóm tiêu chí khả năng tiếp cận thị trường, vốn không có nhiều cải thiện trong 2 kỳ đánh giá gần nhất là 2019 và 2020, được giới chuyên gia đánh giá, chưa có nhiều đổi mới.

Theo Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), để có thể được chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phải trải qua một quá trình mà MSCI gọi là “tham khảo ý kiến thành viên thị trường”.

Quá trình này thường diễn ra trước khi một thị trường được tuyên bố nâng hạng khoảng 1 - 2 năm. Tính đến giờ phút này, MSCI vẫn chưa khởi động quá trình xin ý kiến tham khảo những người tham gia thị trường về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.

Do vậy, mặc dù vẫn giữ nguyên quan điểm nâng hạng lên thị trường mới nổi là một xu hướng tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập chung của đất nước, song nhóm chuyên gia phân tích của BVSC cho rằng, khó có khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong lần đánh giá này.

Thêm nữa, để một thị trường có thể được chính thức nâng hạng, MSCI cần phải quan sát được sự thay đổi thực tế trên thị trường, như chúng ta thấy ở trường hợp của Kuwait, Iceland và Ả Rập Xê Út.

Mặc dù, các bộ luật mang tính tạo hành lang pháp lý cho việc nâng hạng như Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020, đã bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2021, nhưng do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nên các thay đổi mang tính chất thực tế vẫn chưa rõ rệt.

Ông Phan Như Bách, chuyên gia phân tích, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, MSCI vẫn sẽ giữ nguyên đánh giá với thị trường Việt Nam trong đợt đánh giá tháng 6 này do các tiêu chí cần cải thiện vẫn hiện hữu.

MSCI sẽ cần thời gian đánh giá về nỗ lực tháo gỡ giới hạn sở hữu nước ngoài sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực và chờ đợi các giải pháp giải quyết nút thắt về đáp ứng tiêu chí về thanh toán bù trừ (đặc biệt là giải quyết được vấn đề yêu cầu phải có đủ tiền trước khi giao dịch).

Cũng theo VNDIRECT, nếu Việt Nam hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới trong năm 2021 thì có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI trong kỳ đánh giá thường niên 2022.

Sau đó, thị trường Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ xem xét vào tháng 6/2023, và việc nâng hạng sẽ chính thức có hiệu lực một năm sau đó.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã nằm trong danh sách theo dõi của tổ chức này từ tháng 9/2018 với 7 trên 9 tiêu chí tiên quyết để nâng hạng đã được thoả mãn.

Với thông tư mới quy định về việc giao dịch chứng khoán đang được hoàn thiện và Trung tâm Lưu ký chứng khoán đang được tái cấu trúc, BVSC kỳ vọng, nếu không có thêm bất cứ diễn biến tiêu cực nào, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được FTSE nâng hạng trong kỳ đánh giá của năm 2022.

Theo ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV, Việt Nam hiện đang là ngôi sao trong nhóm thị trường cận biên (Frontier Market) và tỷ trọng cổ phiếu của chúng ta đang dẫn đầu tại các chỉ số dành cho thị trường cận biên. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn còn một số điểm mà MSCI vẫn chưa thay đổi đánh giá trong những năm gần đây. Cụ thể là về các tiêu chí liên quan tới mức độ mở cửa của thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, giới hạn về room ngoại, mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, thông tin công bố bằng tiếng Anh...

Theo ông Long, nhìn chung, khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021 ở mức độ thấp. Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cần thời gian để trưởng thành sánh ngang với thị trường chứng khoán các quốc gia có lịch sử tài chính lâu đời hơn.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang được dẫn dắt chủ yếu nhờ dòng vốn của nhà đầu tư trong nước. Quy mô thanh khoản Việt Nam đang tiệm cận ngưỡng 1 tỷ USD, tốt hơn khá nhiều thị trường trong nhóm dưới của thị trường mới nổi.

Việc cần làm, theo ông Long, là tiếp tục hoàn thiện các thể chế, chính sách phục vụ công tác phát triển thị trường chứng khoán; tăng quy mô, độ sâu và tính thanh khoản của thị trường; tăng tính hiệu quả của thị trường trên cơ sở tái cấu trúc mô hình tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán; nâng cao sức cạnh tranh của các định chế trung gian; tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra và hội nhập quốc tế, từ đó tạo tiền đề nâng tầm cho thị trường chứng khoán, lúc đó việc nâng hạng sẽ là hệ quả của nỗ lực của toàn ngành và cộng đồng nhà đầu tư trong nước.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ