Mở đường cho hành trình nâng hạng thị trường
Trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2014 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), HSBC đã lần đầu chia sẻ tầm nhìn của mình với UBCK và các thành viên thị trường về những lợi ích mà việc nâng hạng sẽ mang lại cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường tăng vọt từ những quỹ đầu tư chủ động và bị động, cơ sở nhà đầu tư lớn và đa dạng hơn, định giá cổ phiếu được cải thiện, thanh khoản thị trường tăng, quản trị công ty được nâng cao, đồng thời hỗ trợ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của Nhà nước.
UBCK có quan điểm cởi mở, đón nhận những đề xuất đột phá của HSBC và ngay lập tức bắt tay vào nghiên cứu chi tiết nhằm đưa đề xuất này vào kế hoạch phát triển thị trường dài hạn.
Trong quá trình cơ quan quản lý đánh giá cụ thể về những vấn đề cần giải quyết cho việc nâng hạng, HSBC cũng chủ động đề xuất những giải pháp để tháo gỡ nhiều vấn đề dựa trên việc phân tích chi tiết các điều kiện định lượng và định tính để được xếp hạng thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân loại thị trường của MSCI.
Chúng tôi đã có cơ hội hỗ trợ kết nối UBCK với nhóm công tác của MSCI nhằm tìm hiểu rõ hơn về phương thức đánh giá của họ, các khác biệt về quan điểm, các nhận xét chưa phản ánh đúng thực trạng thị trường và những quan ngại của nhà đầu tư nước ngoài, để có thể lên kế hoạch và mục tiêu hành động cụ thể.
Từ đó đến nay, cả MSCI và FTSE Russell - hai nhà cung cấp chỉ số uy tín nhất - đều đang theo dõi các bước phát triển của thị trường Việt Nam để thực hiện đánh giá và vào tháng 9/2018, Việt Nam đã được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên mức Thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market).
Động thái mạnh mẽ từ cơ quan quản lý
Ông James Estaugh, Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam. |
Điều kiện tiên quyết trong hành trình nâng hạng là những nỗ lực và hỗ trợ từ Chính phủ. Cho đến nay, Chính phủ và đặc biệt là UBCK đã có những nỗ lực lớn trong việc xử lý các vướng mắc và tìm giải pháp nâng hạng thị trường thông qua hàng loạt thay đổi chính sách tích cực, nhằm giải quyết những quan ngại của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đáng chú ý là các điểm mới trong Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới ban hành.
Tháng 2/2019, việc nâng hạng thị trường đã được đưa vào kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc đạt được mục tiêu này.
HSBC rất vinh dự đã tham gia vào hành trình này với vai trò của một đối tác tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng cho các văn bản pháp luật mới và các hội thảo chuyên đề với cơ quan quản lý. Trên nền tảng hoạt động lấy khách hàng làm trung tâm, chủ động tìm kiếm đề xuất từ cơ sở khách hàng rộng lớn của mình vốn là các định chế tài chính, và kinh nghiệm hoạt động từ mạng lưới toàn cầu của mình, các đề xuất của HSBC đều hướng tới sự hài hòa của toàn thị trường và các chuẩn mực quốc tế. Từ 2014 đến nay, rất nhiều thay đổi quan trọng đã được đưa vào trong các quy định của pháp luật:
Thủ tục gia nhập thị trường: Năm 2014, thời gian đăng ký thủ tục gia nhập thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài đã giảm từ 10 xuống còn 5 ngày làm việc.
Năm 2015, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đưa vào hoạt động một hệ thống đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trực tuyến mới, cho phép nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu giao dịch chỉ sau 1 ngày làm việc. Yêu cầu cấp mã số giao dịch chứng khoán gửi dưới dạng điện SWIFT cũng được chấp nhận thay cho yêu cầu gửi qua bản cứng.
Đảm bảo công bằng quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài: Năm 2014, lần đầu tiên Luật Doanh nghiệp công nhận việc tham dự họp và bỏ phiếu dưới hình thức điện tử trong các cuộc họp đại hội đồng cổ đông.
Năm 2015, quy định của pháp luật yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán và VSD công bố thông tin bằng tiếng Anh nhằm đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận tốt hơn với thông tin thị trường. Năm 2017, đã có quy định hướng dẫn các công ty đại chúng thực hiện bỏ phiếu trực tuyến.
Giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài: Năm 2021, đã có pháp luật quy định cơ chế cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các giao dịch mua bán ngoài sàn trong trường hợp tỷ lệ sở hữu nước ngoài của một chứng khoán niêm yết đã đạt mức tối đa.
Khả năng chuyển nhượng: Từ 2015 đến 2021, các quy định đã được nới lỏng nhằm cho phép nhiều trường hợp giao dịch ngoài sàn hơn mà không cần chấp thuận của UBCK.
Vay - cho vay chứng khoán và bán khống: Năm 2014, pháp luật cho phép vay - cho vay chứng khoán nhằm mục đích đảm bảo thanh toán giao dịch. Năm 2017, pháp luật cho phép vay trái phiếu chính phủ để bán.
Năm 2021, cơ sở pháp luật cho hoạt động bán khống có bảo đảm được ban hành, dù áp dụng thực tiễn vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý.
Thanh toán - bù trừ giao dịch: Năm 2021, Luật Chứng khoán mới và các văn bản hướng dẫn quy định thực hiện thanh toán - bù trừ giao dịch thông qua cơ chế Đối tác bù trừ trung tâm (Centre Clearing Counterparty - CCP), trong đó VSD đóng vai trò CCP. Yêu cầu ký quỹ 100% tiền trước giao dịch sẽ được thay thế bởi quy định về ký quỹ trước giao dịch theo tỷ lệ quy định bởi thành viên bù trừ cho từng nhà đầu tư.
Chặng đường phía trước
Mặc dù nhiều thay đổi quan trọng được thực hiện từ 2014 đã được ghi nhận trong các báo cáo đánh giá xếp hạng thị trường của MSCI và FTSE, gần đây nhất là báo cáo giữa kỳ của FTSE cuối tháng 3/2021, vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn mong đợi giải pháp cho nhiều vấn đề. Cụ thể:
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL): Tiếp tục nới lỏng quy định về FOL, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về FOL bằng tiếng Anh và cập nhật hàng ngày, đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể truy cập miễn phí. Hoặc đưa chứng chỉ không có quyền biểu quyết (Non-voting Depositary Receipt - NVDR) vào thực tiễn hoạt động như một giải pháp thay thế cho việc nới lỏng FOL.
Thanh toán - bù trừ giao dịch: Xây dựng cơ chế thanh toán - bù trừ thông qua CCP, đảm bảo chuyển giao tiền đồng thời với chuyển giao chứng khoán (Delivery versus Payment - DVP), hạn chế việc để tài sản của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty chứng khoán trong nước.
Xây dựng nền tảng và quy trình thống nhất cho phép công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký phối hợp dễ dàng trong chuyển giao, quản lý tài sản ký quỹ và thanh toán giao dịch. Nới lỏng quy định trong lĩnh vực ngân hàng cho phép ngân hàng cấp tín dụng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đảm bảo công bằng quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài: Bản tiếng Anh của tin tức pháp lý, quy định pháp luật, thông báo của tổ chức phát hành cần phải được cung cấp đầy đủ, kịp thời.
Đảm bảo quyền bỏ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua đơn giản hóa yêu cầu về hồ sơ chứng minh thẩm quyền ký ủy quyền dự họp, áp dụng mẫu ủy quyền dự họp chung cho cả thị trường và áp dụng đại trà bỏ phiếu điện tử cho tất cả các cuộc họp cổ đông.
Đăng ký tư cách nhà đầu tư nước ngoài và thủ tục gia nhập thị trường: Đơn giản hóa yêu cầu về hồ sơ đăng ký mã số giao dịch chứng khoán và mở tài khoản thanh toán, bỏ các yêu cầu về công chứng - hợp pháp hóa tài liệu nhận diện nhà đầu tư, chấp nhận các hồ sơ dưới dạng điện tử thay vì yêu cầu bản cứng.
Vay - cho vay chứng khoán và bán khống: Nới lỏng quy định và hướng dẫn áp dụng thực tiễn cho các hoạt động vay - cho vay chứng khoán với mục đích thương mại và bán khống.
Ngoài ra, cần có sự phối hợp liên ngành một cách hiệu quả giữa UBCK, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư... nhằm giải quyết triệt để các vấn đề đang còn tồn tại trong việc nâng hạng thị trường và xử lý tình trạng không thống nhất giữa các quy định pháp luật của các lĩnh vực khác nhau.
Cụ thể, cần có sự phối hợp mạnh mẽ hơn giữa các bộ, ngành dưới sự lãnh đạo của Chính phủ nhằm tiếp tục nới lỏng các quy định về FOL theo quy định tại Luật Đầu tư.
Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa NHNN và Bộ Tài chính nhằm xử lý tình trạng không thống nhất giữa các quy định pháp luật của lĩnh vực ngân hàng và lĩnh vực chứng khoán. Các quy định hiện nay về tài liệu mở tài khoản và cấu trúc tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài là một ví dụ.
Cuối cùng, việc thông tin tới cộng đồng đầu tư toàn cầu một cách hiệu quả về các thay đổi tích cực của thị trường Việt Nam là rất quan trọng.
Hiện nay, chúng ta có rất ít kênh thông tin ra công chúng trực tiếp hướng tới lợi ích và mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Cơ quan quản lý hữu quan có thể cân nhắc thành lập một chiến dịch truyền thông nhằm đảm bảo nguồn thông tin chính xác và kịp thời cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tin tưởng vào thành công
Thế giới đang chứng kiến nền kinh tế Việt Nam vươn lên sau đại dịch với rất ít thiệt hại. GDP thực tế 2020 tăng trưởng 2,91%, thuộc hàng đầu thế giới. Dù vẫn còn những khó khăn kéo dài bởi dịch bệnh Covid-19, các nhà kinh tế học của HSBC vẫn rất lạc quan về Việt Nam.
Nền kinh tế sẽ hưởng lợi từ rất nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTAs), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định và sự phục hồi nhờ công nghệ dẫn đường, dẫn đến dự báo tăng trưởng GDP 6,6% năm 2021.
Trong khi đó, áp lực lạm phát vẫn được kiểm soát, hiện nay dự báo ở mức trung bình 3,0% năm 2021 - vẫn cách xa mức mục tiêu 4% mà NHNN đưa ra. Đồng Việt Nam vẫn mạnh và được dự báo tiếp tục ổn định. Chỉ số VN-Index khởi sắc từ đầu năm 2021 là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cộng đồng đầu tư nước ngoài đang rất hứng khởi chờ đón những đổi mới về chính sách sẽ mở cửa thị trường và chứng kiến thị trường chứng khoán tăng trưởng khi được nâng hạng thành công.