Cổ phần hóa, thoái vốn sẽ sớm trở lại đường ray

0:00 / 0:00
0:00
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp hy vọng, cổ phần hóa, thoái vốn sẽ sớm quay trở lại đường ray nhằm hỗ trợ tích cực Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội.

Cổ phần hóa, thoái vốn gần như đóng băng kể từ năm 2021, ngoài nguyên nhân cố hữu, bệnh dịch Covid-19, thì còn nguyên nhân nào khác nữa, thưa ông?

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Đó là việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chậm, như đến ngày 15/8/2019 mới có Quyết định 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa đến hết năm 2020; cuối tháng 6/2020 mới có Quyết định 908/QĐ-TTg phê duyệt doanh nghiệp thoái vốn đến hết năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp nằm trong 2 danh mục này do các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn hình thức, thiếu khả thi, chưa sát thực tế, nên không thể triển khai được.

Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga-Ukraine đã và đang tác động rất xấu đến sự phục hồi của kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn, nhất là lạm phát, khiến nhà đầu tư có tâm lý e dè khi “xuống tiền”...

Thế còn vấn đề đất đai?

Nguyên nhân không mới, nhưng vẫn rất thời sự là việc có tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp hay không. Đất đai là nguyên nhân cản trở cổ phần hóa, thoái vốn không hề mới, nhưng lại luôn thời sự vì chính sách này thường xuyên thay đổi: khi thì xác định giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp, lúc lại không tính, rồi lại tính...

Nghị định 140/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Nghị định 91/2015/NĐ-CP) yêu cầu cổ phần hóa phải gắn với phương án sắp xếp, xử lý nhà đất, tức là tách quá trình xử lý đất đai ra khỏi quá trình cổ phần hóa.

Theo đó, tất cả doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với UBND cấp tỉnh và các bộ, ngành liên quan trong việc lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất chưa tốt, khiến tiến độ phê duyệt phương án sử dụng đất chậm.

Nguyên nhân khiến chậm trễ và phối hợp chưa tốt một phần là do Nghị định 140/2020 được ban hành vào cuối năm 2020, thì ngay sau đó, cả nước bước vào thời kỳ chống Covid-19 vô cùng quyết liệt.

Để xử lý dứt điểm vấn đề đất đai, nhiều ý kiến cho rằng, phải tách hẳn giá trị đất đai trong giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn. Quan điểm của ông thế nào?

Hiện tại, đất đai doanh nghiệp thuê của Nhà nước trả tiền một lần thì xác định vào giá trị doanh nghiệp; trả tiền thuê hàng năm không xác định vào giá trị doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn được sử dụng sau khi chuyển thành công ty cổ phần nếu sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch, kế hoạch. Xác định giá trị đất đai rất vướng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt được một phần kế hoạch và nếu không xử lý dứt điểm thì có nguy cơ kìm hãm tiến trình này trong giai đoạn 2021-2026.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ hẳn đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp. Bộ Tài chính tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp; còn có tách hay không, tách cái gì, tách như thế nào thì phải căn cứ vào hệ thống pháp luật hiện hành như Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước...

Trong khi các luật liên quan đến đất đai, vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp chưa sửa được, thì phải thực hiện theo các quy định của pháp luật, nhưng vấn đề là phải bảo đảm đất đai không còn là điểm nghẽn, tránh thất thoát, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, sử dụng đất đai đúng quy hoạch, kế hoạch, quản lý đất đai chặt chẽ đối với doanh nghiệp sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Luật Đất đai dự kiến năm 2023 mới trình Quốc hội cho ý kiến, còn Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước phải đến năm 2024. Trong khi chưa sửa được luật thì phải làm gì để tái khởi động tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn?

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025, trong đó khẳng định kết thúc giai đoạn 2021-2025 phải cơ bản hoàn thành sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu tập trung trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Thủ tướng yêu cầu cơ quan đại diện chủ sở hữu phải xây dựng kế hoạch 5 năm, hằng năm đối với các hình thức sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu trên cơ sở bám sát các tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

Ngày 12/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.

Mới đây, ngày 27/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, giao việc cho từng bộ, ngành, địa phương, trong đó xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và coi kết quả đạt được là một tiêu chí đánh giá các cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân hàng năm.

Với những động thái quyết liệt này, tôi tin rằng, hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn sẽ sớm trở lại khi thị trường chứng khoán phục hồi.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục