Trù trừ trong sắp xếp nhà đất đang “hãm” tiến độ cổ phần hóa

0:00 / 0:00
0:00
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp muốn cổ phần hóa phải có phương án sắp xếp nhà đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Với quy định này, để tiến độ cổ phần hóa không bị “níu” bởi tiến độ sắp xếp nhà đất, theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cần thay đổi lại cách tiếp cận phương án sắp xếp nhà đất khi cổ phần hóa.

Việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được thực hiện hơn 15 năm, sao đến bây giờ vẫn chưa xong, thưa ông?

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)

Sắp xếp lại, xử lý nhà đất được thực hiện trên cả nước từ năm 2007. Như vậy, việc sắp xếp lại nhà đất đã diễn ra hơn 15 năm với 8 hình thức khác nhau như giữ lại tiếp tục sử dụng; thu hồi; điều chuyển; bán, chuyển nhượng; chuyển mục đích sử dụng đất; chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý... Đến nay, về cơ bản, Nhà nước nắm được số lượng, diện tích, hiện trạng sử dụng và tình trạng hồ sơ pháp lý của nhà đất do các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp nhà nước đang quản lý sử dụng, nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Chỉ tính riêng khối doanh nghiệp Trung ương đang quản lý, sử dụng khoảng 17.560 cơ sở nhà đất với diện tích 130 triệu mét vuông đất, đến nay cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại đối với 15.970 cơ sở với khoảng 124 triệu m2 đất. Như vậy, sau hơn 15 năm, vẫn còn hàng ngàn cơ sở nhà đất với hàng triệu m2 đất của doanh nghiệp ở Trung ương chưa được phê duyệt phương án sắp xếp. Nguyên nhân chậm trễ thì có nhiều, song chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện, cũng như tính chất phức tạp của việc sắp xếp.

Ông có thể khái quát về mức độ phức tạp trong quá trình xử lý, sắp xếp lại nhà đất?

Thứ nhất, do lịch sử để lại, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến nhiều trường hợp sử dụng đất chưa đúng quy định, như bị lấn chiếm, tranh chấp, không phù hợp quy hoạch; bố trí làm nhà ở, cho thuê, liên doanh, liên kết..., nên rất khó xử lý, nếu xử lý được cũng mất rất nhiều thời gian và cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cấp, nhiều ngành.

Thứ hai, các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm trong việc sắp xếp nhà đất, sắp đến khi cổ phần hóa mới kê khai, báo cáo. Lý do cũng xuất phát từ việc một số bộ, ngành, địa phương, công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến việc sắp xếp nhà đất.

Thứ ba, việc sắp xếp nhà đất phải phù hợp với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhưng việc chậm công bố quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch không rõ còn diễn ra khiến việc sắp xếp lại nhà đất thiếu cơ sở để thực hiện.

Thứ tư, cơ chế, chính sách về đất đai cổ phần hóa còn có những bất cập.

Theo quy định, trước khi cổ phần hóa phải có phương án sắp xếp nhà đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thưa ông, với những tập đoàn, tổng công ty đang quản lý, sử dụng hàng trăm, hàng ngàn mảnh đất trên khắp cả nước, chỉ cần vài ba mảnh đất chưa sắp xếp được do phức tạp, như ông nói, là khiến tiến trình cổ phần hóa bị dừng lại?

Nếu vẫn yêu cầu bắt buộc phải có phương án sắp xếp đối với tất cả các cơ sở nhà đất thuộc phạm vi sắp xếp mới đủ điều kiện cổ phần hóa, không phân biệt là doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sử dụng nhà đất đó sau cổ phần hóa hay không, thì tiến trình này vẫn tiếp tục khó khăn, đặc biệt đối với các tập đoàn, tổng công ty đang quản lý, sử dụng nhiều nhà đất trên khắp cả nước.

Vì vậy, nên sửa chính sách theo hướng, những cơ sở nhà đất nào doanh nghiệp sau cổ phần hóa có nhu cầu tiếp tục sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình và việc giữ lại đó đáp ứng các yêu cầu quy định thì mới bắt buộc phải có phương án sắp xếp được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi cổ phần hóa. Đối với các cơ sở nhà đất còn lại thì không bắt buộc phải có điều kiện này; trường hợp chưa có phương án sắp xếp hoặc đã có phương án sắp xếp, nhưng chưa thực hiện xong thì có thể chuyển giao lại cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý cấp trên hoặc đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước để các cơ quan này xử lý tiếp.

Cũng cần lưu ý rằng, diện tích đất mà doanh nghiệp “giữ lại tiếp tục sử dụng” phải phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp. Tránh tình trạng doanh nghiệp nào cũng muốn “giữ lại tiếp tục sử dụng” để chờ cơ hội chuyển mục đích sử dụng đất hoặc chuyển nhượng. Muốn vậy, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai theo hướng, các doanh nghiệp (không phân biệt thành phần kinh tế) khi sử dụng đất vào mục đích kinh doanh (trừ kinh doanh nhà ở) được áp dụng thống nhất hình thức thuê đất trả tiền hàng năm; không cho phép các doanh nghiệp này tự chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng đất theo mục đích được thuê thì trả lại cho Nhà nước, Nhà nước thu hồi có bồi thường và tổ chức đấu giá công khai.

Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh, điều quan trọng nhất để việc sắp xếp nhà đất không ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp, đó là khâu tổ chức thực hiện. Nếu cứ trù trừ, để đến khi đưa vào danh sách cổ phần hóa mới đi sắp xếp nhà đất thì không thể kịp. Do đó, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải xây dựng kế hoạch cụ thể, đôn đốc doanh nghiệp khẩn trương kê khai, báo cáo, lập phương án sắp xếp nhà đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu chậm kê khai, báo cáo đề xuất phương án.

Vấn đề phát sinh là doanh nghiệp đã trả tiền một lần đối với đất đi thuê của Nhà nước. Thưa ông, đây là đất của doanh nghiệp trong thời gian thuê thì làm sao yêu cầu doanh nghiệp trả lại, cho dù không thuộc đối tượng “giữ lại để sử dụng”?

Theo quy định hiện hành, UBND cấp tỉnh (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) chịu trách nhiệm có ý kiến về diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng khi cổ phần hóa và giá đất cụ thể đối với diện tích đất giao theo quy định của pháp luật về đất đai để làm cơ sở cho việc xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định.

Việc xác định giá đất cụ thể sẽ cần nhiều thời gian và nguồn lực. Vì vậy, cùng với các đề xuất nêu trên về hình thức thuê đất và hạn chế việc chuyển mục đích sử dụng đất thì cần có sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa doanh nghiệp cổ phần hóa và các doanh nghiệp khác. Theo đó, doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa chỉ được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hàng năm (không tính vào giá trị doanh nghiệp) và không tự chuyển mục đích sử dụng đất sau khi trở thành công ty cổ phần.

Còn trường hợp trả lại đất cho Nhà nước, pháp luật đất đai hiện hành đã có quy định cụ thể, không phân biệt hình thức sử dụng đất đang áp dụng cho doanh nghiệp đó. Vấn đề khác nhau chỉ là ở việc bồi thường, hỗ trợ doanh nghiệp.

Mạnh Bôn thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục