Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và Cảng Quy Nhơn: Nhiều sai phạm

(ĐTCK) Theo Thanh tra Chính phủ, công tác cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam và Cảng Quy Nhơn đều có những sai phạm liên quan đến sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và Cảng Quy Nhơn: Nhiều sai phạm

Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa phù hợp

Tuần qua, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo về 2 cuộc thanh tra liên quan đến công tác cổ phần hóa tại Cảng Quy Nhơn và Hãng phim truyện Việt Nam.

Tại Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đánh giá, có một số sai sót, trong đó có việc xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mà không nêu cụ thể các điều kiện, làm hạn chế việc lựa chọn các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực sản xuất phim và văn hóa điện ảnh.

Những tiêu chí và cam kết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đối với một ngành nghề kinh doanh đặc thù như lĩnh vực điện ảnh nghệ thuật.

Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn được cổ phần hóa từ năm 2013, vốn điều lệ 404 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nắm giữ hơn 75% vốn. Sau cổ phần hóa, Vinalines đã bán hết vốn nhà nước cho nhà đầu tư trong nước.

Đối với việc lựa chọn CTCP Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành làm nhà đầu tư chiến lược, theo Thanh tra Chính phủ, do việc xây dựng, phê duyệt tiêu chí lựa chọn không cụ thể các điều kiện, tính chất ngành nghề kinh doanh cảng biển, nên nhà đầu tư chiến lược được chọn không phù hợp.

Công ty Hợp Thành không cam kết cụ thể nội dung hỗ trợ, mà chỉ nêu chung chung "hỗ trợ trong hoạt động sản xuất kinh doanh" của Cảng Quy Nhơn.

Khi IPO, Cảng Quy Nhơn đã tiến hành bán đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán, bán ưu đãi cho người lao động và nhà đầu tư chiến lược (tổng cộng 24,99% vốn). Ngày 20/9/2013, Cảng Quy Nhơn và nhà đầu tư chiến lược - Công ty Hợp Thành đã ký hợp đồng mua bán cổ phần phát hành lần đầu, số lượng hơn 4 triệu cổ phần, giá trị hơn 51,6 tỷ đồng.

Thỏa thuận thanh toán toàn bộ giá mua trong vòng 5 ngày và trước ngày 30/9/2013, nếu không bên bán sẽ hiểu rằng bên mua từ chối mua cổ phần và bên mua mất toàn bộ tiền cọc.

Tuy nhiên, sau đó, Công ty Hợp Thành đã thanh toán chậm số tiền mua cổ phần, nhưng không bị xử lý theo quy định hợp đồng và theo Thông tư 196/2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Sau IPO, Vinales đã bán bớt 26,01% cổ phần theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Theo quy định, trường hợp Cảng Quy Nhơn chưa niêm yết thì việc chuyển nhượng (theo mệnh giá là 105 tỷ đồng) phải thực hiện theo hình thức đấu giá.

Nếu khi đấu giá chỉ có 1 người mua thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép mới được chuyển sang bán thỏa thuận trực tiếp.

Khi chuyển nhượng 49% vốn điều lệ còn lại, Vinalines tiếp tục bán theo phương thức thỏa thuận cho Công ty Hợp Thành. Thanh tra Chính phủ xác định, Vinalines chỉ đạo người đại diện vốn tổ chức Đại hội đồng cổ đông, sửa Điều lệ Công ty với nội dung xóa cổ đông sáng lập và làm thủ tục đăng ký kinh doanh, song không được chấp nhận vì trái với quy định hiện hành.

Sau đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản cho phép Vinalines chuyển nhượng 49% cổ phần cho Công ty Hợp Thành khi chưa báo cáo và được chấp thuận từ Thủ tướng Chính phủ. 

Vi phạm về đất đai

Cảng Quy Nhơn được sử dụng 281.834 m2 đất theo hình thức thuê đất. Khi hết thời hạn 5 năm, Cục thuế Bình Định chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất đối với đơn vị này. Qua thanh tra, Cục thuế Bình Định mới ra văn bản thông báo đơn giá thuê đất và sau đó, Cảng Quy Nhơn đã nộp bổ sung 5,4 tỷ đồng.

Sau cổ phần hóa, Cảng Quy Nhơn tiếp tục được giao quản lý hơn 813,2 m2 đất tại Trạm cấp nước ngọt cho tàu biển với lý do dùng cho mục đích công cộng, không kinh doanh nên không thu tiền đất.

Thanh tra Chính phủ cho rằng Cảng Quy Nhơn là đơn vị kinh tế, không được giao chức năng cung cấp dịch vụ công ích, cho nên việc giao đất không thu tiền là không đúng chức năng quy định.

Tai Hãng phim truyện Việt Nam, đơn vị này quản lý và sử dụng 4 cơ sở nhà đất, nhưng đem cho thuê hoặc góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất, rồi để cho đối tác cho thuê lại. Đây là việc sử dụng sai mục đích, trái thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai.

Trong quá trình sử dụng đất được giao, Hãng phim truyện Việt Nam chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai, chưa làm các thủ tục để ký tiếp hợp đồng cho thuê đất đối với cơ sở nhà đất tại số 4 Thụy Khê (Hà Nội) và số 6 Thái Văn Lung (TP. HCM).

Đến tháng 9/2017, hãng chậm nộp tiền thuê đất số tiền 21,7 tỷ đồng. Trước khi Thanh tra Chính phủ vào kiểm tra (ngày 30/10/2017), hãng mới nộp 14,6 tỷ đồng tiền thuê đất.

Phương án sử dụng đất tại số 4 Thụy Khê và số 6 Thái Văn Lung chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, nhưng Hãng phim truyện Việt Nam vẫn đưa vào phương án cổ phần hóa và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt phương án cổ phần hóa khi chưa phê duyệt phương án sử dụng đất.  

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục