Ngày 13/10/2017, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Theo Quyết định số 2526/QĐ-TTCP ngày 9/10/2017 của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Thời kỳ thanh tra từ khi bắt đầu cổ phần hóa (năm 2014) Hãng phim truyện Việt Nam đến khi thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam( tháng 6/2017).
Thời gian thanh tra 30 ngày làm việc thực tế.
Đoàn thanh tra gồm 7 thành viên do ông Nguyễn Hữu Nhường, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ III, Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn.
Về giám sát, thanh tra Chính phủ cũng thành lập tổ giám sát gồm 2 thành viên do ông Đặng Trường Giang, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ III- Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra của Thanh tra Chính phủ làm tổ trưởng để tiến hành giám sát đối với hoạt động thanh tra.
Tại buổi công bố quyết định, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đề nghị doanh nghiệp phải thực hiện các yêu cầu về cung cấp tài liệu, hồ sơ kịp thời, đầy đủ cho đoàn thanh tra. Đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các đơn vị có liên quan phân công đầu mối bố trí thời gian, sắp xếp lịch làm việc với đoàn, tạo mọi điều kiện để đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao nhất.
Đối với đoàn thanh tra, Phó Tổng Thanh tra yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc quy chế của đoàn thanh tra cũng như các quy định khác của pháp luật về thanh tra, thực hiện đảm bảo theo kế hoạch được duyệt.
Nhà đầu tư chiến lược, sở hữu đa số cổ phần của VFS là tên tuổi “ngoại đạo” trong giới nghệ thuật: Công ty Vận tải thuỷ (VIVASO)
Được biết, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã tiến hành IPO vào năm 2016, chào bán 525.000 cổ phần (10,5% vốn điều lệ). Kết quả IPO được HNX công bố cho thấy Hãng phim chỉ bán được 115.000 cổ phần, với giá bình quân 10.200 đồng/cổ phần, thu về gần 1,2 tỷ đồng.
Dù vậy, VFS quản lý nhiều lô “đất vàng” bao gồm trụ sở hãng phim đặt tại số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) có diện tích sử dụng gần 5.500 m2; khu đất 905 m2 ở phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) đang được sử dụng làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe; và khu đất rộng 6.382 m2 tại Đông Anh (Hà Nội); hơn 1.200m2 tại Khu đất số 6, Thái Văn Lung (Bến Nghé, TP HCM) làm trường quay phim…
Các khu đất này đều không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa vì là đất thuê hoặc đất đã hết hạn hợp đồng.
Đáng chú ý, nhà đầu tư chiến lược, sở hữu đa số cổ phần của VFS là tên tuổi “ngoại đạo” trong giới nghệ thuật: Công ty Vận tải thuỷ (VIVASO).
Sau cổ phần hóa, nhiều nghệ sỹ điện ảnh kỳ cựu bức xúc bởi thương hiệu của VFS chỉ được định giá bằng 0 và đặt dấu hỏi về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, một doanh nghiệp chuyên vận tải thủy.
Gần đây nhất, giữa “đại gia” tàu thủy VIVASO và các nghệ sỹ lại bùng lên mâu thuẫn. Nhiều nghệ sỹ đã cùng viết đơn kiến nghị gửi lên các cơ quan Đảng, Chính phủ. Các nghệ sỹ cho rằng, cổ đông chiến lược chỉ quan tâm tới đất chứ không quan tâm tới làm phim.