Rủi ro Nhà nước bị “móc túi” hàng nghìn tỷ đồng qua cổ phần hóa

(ĐTCK) Những vi phạm trong xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước để cổ phần hóa được chỉ ra cho thấy, Nhà nước đối mặt với rủi ro bị “móc túi” tới hàng nghìn tỷ đồng.
Rủi ro Nhà nước bị “móc túi” hàng nghìn tỷ đồng qua cổ phần hóa

Hàng nghìn tỷ đồng trước nguy cơ bị... “hô biến”

Lâu nay, không ít điều tiếng liên quan đến mối ngờ các doanh nghiệp cổ phần hóa nắm trong tay nhiều khu đất vàng và tài sản có giá trị lớn, nhưng được định giá rẻ đến khó tin. Mối ngờ này phần nào được làm sáng tỏ qua kết quả thanh tra, kiểm toán.

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán tại cuộc họp báo về Đại hội tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 vừa diễn ra, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa đã thuê kiểm toán độc lập vào kiểm toán.

Tuy nhiên, sau khi Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán đã phát hiện ra nhiều sai phạm. Trong đó, đáng nói là tình trạng làm giảm giá trị doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến lợi ích của Nhà nước.

“Trong năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa tăng 9.638,7 tỷ đồng, riêng qua kiểm toán toàn diện kết quả tư vấn định giá, xử lý các vấn đề tài chính tại 7 doanh nghiệp đã xác định tăng thêm 9.140,1 tỷ đồng...”, ông Phớc cho hay.

Tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, giá trị thực tế vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp đã tăng lên sau khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc là: Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ với số tiền tăng thêm là 72,8 tỷ đồng;

Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: 1.801,5 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam: 449,5 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2: 514,1 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Sản xuất xuất nhập khẩu Bình Dương: 211 tỷ đồng...

Đánh giá của Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán cho thấy, cơ bản các doanh nghiệp được cổ phần hóa và đơn vị tư vấn đã thực hiện kiểm kê tài sản, nguồn vốn, xử lý các vấn đề tài chính và định giá doanh nghiệp theo quy định, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, quyền sử dụng đất...

Liên quan đến những sai phạm của đơn vị kiểm toán, thẩm định giá, mới đây, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty Cảng Quy Nhơn.

Cụ thể, theo Thông báo 1569/TB-TTCP ngày 17/9/2018 của Thanh tra Chính phủ về kết luận thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn thuế ATC (ATC) áp dụng phương pháp thống kê kinh nghiệm để xác định chất lượng còn lại của 3 cầu cảng;

Không thu thập tài liệu có liên quan để phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng kỹ thuật thực tế của cầu cảng so với các cầu cảng đầu tư xây dựng mới trong thời gian thực hiện định giá là không đúng quy định tại Điều 18, Thông tư 202/2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP...

ATC khi  thẩm định giá để chuyển nhượng 26,01% cổ phần của Công ty Cảng Quy Nhơn và Công ty Hợp danh kiểm toán Việt Nam (CPA) khi thẩm định giá để chuyển nhượng 49% cổ phần của công ty này đã đưa ra các công thức tính chưa được quy định cụ thể trong các tiêu chuẩn thẩm định giá;

Không thực hiện đầy đủ các nội dung khảo sát thực tế tại Cảng Quy Nhơn... Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm chính đối với những vi phạm này thuộc về ATC, CPA và các thẩm định viên. 

Cần chế tài mạnh

Nhằm chấn chỉnh vi phạm trong thẩm định giá doanh nghiệp cổ phần hóa, ông Hồ Đức Phớc cho biết, trong quá trình kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã trao đổi với các công ty kiểm toán độc lập, đồng thời lưu ý họ cần khách quan, chuẩn mực trong xác định giá trị doanh nghiệp vì lợi ích của đất nước, chứ không thể đơn thuần chạy theo lợi ích của công ty kiểm toán là thực hiện thẩm định giá theo hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp.

Để nâng cao chất lượng kiểm toán nói chung, kiểm toán doanh nghiệp cổ phần hóa nói riêng, ông Phớc cho hay, Kiểm toán Nhà nước đang xây dựng phần mềm kiểm toán doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, đồng thời kết nối dữ liệu với các bộ, ngành...

Ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng, với tư cách là đơn vị cấp phép, quản lý nhà nước về hoạt động của các công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá, Bộ Tài chính cần quyết liệt vào cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị thẩm định giá, cũng như thẩm định viên khi sai phạm về định giá doanh nghiệp để cổ phần hóa bị phanh phui, chẳng hạn như vụ việc tại Cảng Quy Nhơn nêu trên.

Cùng với đó, cần bổ sung chế tài theo hướng tăng nặng đối với các vi phạm về xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, thậm chí cấm các đơn vị cung cấp dịch vụ định giá, thẩm định viên vi phạm hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định, bên cạnh phạt tiền.

Nhiệm vụ kiểm toán kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa được quy định tại Điều 27, Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp 100 vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Theo đó, trên cơ sở kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đã được các tổ chức tư vấn thực hiện và ý kiến đề nghị của cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi quyết định công bố giá trị đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù (bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác); các công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục