Sáng hôm nay (1/10), trong phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu mất gần 1h để trình bày báo cáo tóm tắt. Bản đầy đủ gửi tới các đại biểu dài 37 trang, kèm 8 phụ lục. Cũng theo ông Nguyễn Văn Giàu kèm theo báo cáo này là tập hợp báo cáo dài tới 6.000 trang bao gồm nhiều báo cáo của các bộ ngành, tỉnh thành phố.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết báo cáo chi tiết, đầy đủ nhất là báo cáo của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Nhìn chung, báo cáo đánh giá 3 trụ cột tái cơ cấu kinh tế đã có những kết quả bước đầu nhưng còn bộc lộ hạn chế, trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 không đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội (6,5-7%) mà ước khả năng thực hiện chỉ 5,8%.
Những yếu kém của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để, mô hình tăng trưởng mới chưa định hình một cách rõ nét. Vấn đề lớn đặt ra là việc kiểm soát lạm phát đạt ở mức thấp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nếu quá thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự duy trì, phát triển của doanh nghiệp, việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Lạm phát thấp có thể gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế
Lãnh đạo các tập đoàn ngại khó
Tại cuộc họp, đại diện 3 bộ: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng hàng Nhà nước đã giải trình thêm về những vấn đề, kiến nghị mà báo cáo giám sát đã nêu.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng chuyển đổi cơ cấu cả nền kinh tế với mọi nội dung cần có thời gian, không thể một quý, một năm là xong. Thậm chí, trong một đơn vị, một doanh nghiệp cũng cần có thời gian.
Theo Thứ trưởng Hiếu, thời gian vừa rồi chưa nhiều, với tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước cũng vậy, thực tế chúng ta bắt tay vào làm từ sau khi có Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Đến nay mới có 2 năm, thời gian đầu có bị chậm bởi còn phải nghiên cứu, làm báo cáo, lập đề án. Đây là giai đoạn dò đường.
Ngay cả kết quả thoái vốn, năm ngoái, thoái vốn được 900 tỷ đồng nhưng năm nay có thể thoái được 7.000 tỷ đồng. Nếu chỉ nhìn ở số lượng chỉ có 36 doanh nghiệp đã sắp xếp lại thì có thể lo lắng nhưng đó là giai đoạn chuẩn bị.
Việc sắp xếp lại doanh nghiệ Nhà nước thì hệ thống pháp luật cơ bản hoàn thiện, các văn bản cấp bộ khá đồng bộ. Riêng khó khăn thiếu kinh phí khi sắp xếp lao động như báo cáo giám sát nêu, theo Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, thực chất quy định cũng rất rõ ràng, có quỹ cổ phần hóa, có kinh phí để giải quyết lao động dôi dư.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nhấn mạnh kiến nghị của Bộ Tài chính về trách nhiệm của Tổng giám đốc các công ty, tập đoàn Nhà nước.
“Thực chất là người ta ngại làm, biết là việc phải làm, phải sắp xếp lại nhưng đây là việc rất mệt mỏi nên có chuyện né tránh” – Thứ trưởng nói.
Tái cơ cấu doanh nghiệp phải làm cả thị trường chứng khoán, bảo hiểm, tất cả các tập đoàn, tổng công ty sau cổ phần hóa đều phải lên sàn, để thu hút vốn, để không phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng, để công khai minh bạch.
Đầu tư công: Đề án riêng không cần thiết
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng giải trình lý do vì sao đến nay chưa có số liệu cập nhật về nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo quy định của Nhà nước thì 30/9 là hạn cuối cùng mà các địa phương phải nộp báo cáo về Bộ do đó phải đến cuối tháng 10 mới có số liệu cuối cùng.
Về lý do vì sao tái cơ cấu đầu tư công không có đề án riêng, Thứ trưởng cho biết, sau kết luận của Hội nghị trung ương lần 3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng đề án. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1792 trong đó đã bao gồm toàn bộ giải pháp khắc phục yếu kém trong đầu tư. Các văn bản pháp luật kèm theo Chỉ thị đó cũng đã hoàn thiện nên Chính phủ có quyết định không xây dựng đề án riêng cho đầu tư công.
Về đánh giá tăng trưởng kinh tế, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết quan điểm của Bộ với Đoàn giám sát không có gì mâu thuẫn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng trưởng kinh tế ngày càng ổn định và tăng dần, thể hiện dấu hiệu hồi phục tốt của nền kinh tế. Trong khi đó, Đoàn giám sát cho rằng cho rằng GDP có tăng nhưng so với kế hoạch 5 năm thì sẽ không hoàn thành. Bộ Kế hoạch Đầu tư nhất trí, đúng là 5 năm thì sẽ không hoàn thành mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5 – 7%.
Về chỉ số lạm phát, theo Nghị quyết của Quốc hội, điều hành lạm phát cố gắng ở mức dưới 7%. Hiện chỉ số này ở quanh mức 5%, giúp ổn định vĩ mỗ, tất nhiên mặt trái thì doanh nghiệp hoạt động khó khăn. Điều này phản ánh đúng thực trạng hiện nay.
Ngân hàng: Đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ hệ thống
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá các kiến nghị trong báo cáo giám sát rất sát thực. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng giải trình thêm tái cơ cấu là một quá trình thường xuyên, liên tục chứ không phải là nhiệm vụ trong giai đoạn nào đó.
“Quan trọng là phải đảm bảo an toàn hệ thống trong tầm kiểm soát. Vụ việc ở ACB năm 2002 khi đó quy mô ngân hàng còn nhỏ, quy mô rút tiền chỉ hơn chục nghìn tỷ đồng. Nhưng giai đoạn hiện nay, ngân hàng quy mô lớn, hàng 70 – 80.000 nghìn tỷ đồng, thậm chí cả 100 nghìn tỷ đồng. Do đó nguy cơ rủi ro rút vốn nghiêm trọng hơn”, Phó Thống đốc nói.
Do đó, giai đoạn đầu của tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo phải đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ. Cuối năm 2011, nhiều Ngân hàng thương mại Nhà nước gặp khó khăn thanh khoản, các ngân hàng cạnh tranh chạy đua lãi suất. Nhưng trong 3 năm qua, bằng nhiều giải pháp, hệ thống ngân hàng đã ổn định lãi suất, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Đồng thời tích cực triển khai gp tái cơ cấu tổ chức tín dụng, có giải pháp xử lý với ngân hàng yếu kém.
Phó Thống đốc cũng bày tỏ sự đồng tình cao với một nội dung của báo cáo giám sát, ngân hàng là trung gian tài chính, hoạt động của ngân hàng gắn liền với doanh nghiệp và đầu tư công. Do đó, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng gắn liền với 2 trụ cột tái cơ cấu còn lại.
Về kiến nghị dỡ bỏ trần lãi suất và tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc cho rằng đây là kiến nghị hợp lý và Ngân hàng Nhà nước đã và đang theo hướng này. Năm 2008 chúng ta áp dụng trần huy động. Trong 3 năm vừa qua, trần lãi suất đã được dỡ bỏ dần, chỉ còn áp dụng với lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng. Nhưng hiện nay các ngân hàng cũng hạ lãi suất dưới trần, còn lãi suất không bị áp trần cũng rất ổn định.