GDP tăng 5,54%, xuất siêu 2,47 tỷ USD
Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 9 tháng đầu năm, GDP tăng 5,54% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,17%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,12%; dịch vụ tăng 6,02%. Chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng liên tục qua từng tháng, tính chung 9 tháng tăng 6,7%.
Nổi bật là tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 109,6 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài đạt 67,2 tỷ USD, tăng 14,6% và chiếm 61,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao gồm: dầu thô, điện thoại và linh kiện điện thoại các loại, dệt may, da giày, cà phê, đồ gỗ… Cả nước đạt mức xuất siêu 2,47 tỷ USD, bằng 2,25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đại diện Bộ Công thương cho biết thêm, công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 9 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu tăng trưởng ở những ngành chiếm tỷ trọng cao như dệt may tăng 18,8%, các sản phẩm da tăng 20,7%, sản phẩm điện tử và quang học tăng 35,9%. Một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như sản xuất thuốc lá giảm 12,3%, giấy nhăn, bao bì, sản phẩm sơn, mực in cũng có dấu hiệu giảm.
Trong hoạt động xuất khẩu, theo đại diện Bộ Công thương, điểm đáng lưu ý là kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 12,4 tỷ USD, giảm so với tháng 8, trong đó xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI giảm 6,6%.
Tại cuộc họp, Tổng cục Thống kê cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng đầu năm 2014 tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,3%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,41%, cao nhất là giáo dục tăng 10,81%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,8%.
11.872 doanh nghiệp “hồi sinh”
Ông Bùi Hà cho biết, ước tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng đầu năm 2014 đạt 833.900 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, thu hút thêm 11,18 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bằng 74,5% cùng kỳ. Hàn Quốc nổi lên là quốc gia đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,55 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong tháng 9, cả nước có 5.742 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 13,7% về số doanh nghiệp và 11,7% về số vốn so với tháng 8. Tính chung, 9 tháng đầu năm 2014, cả nước có 53.192 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký là 302.349 tỷ đồng, giảm 8,7% về số doanh nghiệp và tăng 13,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Số lao động dự kiến được tạo công ăn việc làm là 795.200 người, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 9, cả nước có 4.549 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động, giảm 31,9% so với tháng 8. Tính chung 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động là 48.330, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng cũng có 11.872 doanh nghiệp ngừng hoạt động nay đã quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế 9 tháng qua có nhiều chuyển biến tích cực, với chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau tăng cao hơn quý trước, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội ổn định…
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, chủ yếu do sức cầu còn yếu, dẫn đến tình trạng tồn đọng sản phẩm của doanh nghiệp chậm được cải thiện. Mức huy động vốn từ các nguồn trong và ngoài nước còn hạn chế, cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.