Cổ phần hóa chậm, doanh nghiệp kêu “tắc” về đất đai

(ĐTCK) Các vướng mắc liên quan đến đất đai vẫn là vấn đề lấn cấn nhất được nhiều tập đoàn, tổng công ty bức xúc nêu lên tại Hội nghị đổi mới doanh nghiệp nhà nước diễn ra hôm thứ Tư (16/10) tuần này. 

Đại diện Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) nêu thực trạng đất đai VNPT biến động hàng năm, do có hàng nghìn mảnh đất nằm rải trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, phần lớn là đất đặt các trạm thu phát sóng BTS, có mảnh thì địa phương giao, có miếng thì thuê nên phương án sử dụng đất mỗi năm luôn biến động chứ không cố định.

Với hiện trạng này, khi doanh nghiệp cổ phần hóa rơi vào thời điểm phương án đánh giá đất biến động thì rất khó có thể có phương án thống nhất để xác định giá trị đất đai nhằm hoàn thành đánh giá giá trị doanh nghiệp.

Đây cũng là nguyên nhân khiến tiến trình cổ phần hóa của VNPT đang vướng mắc chưa có giải pháp tháo gỡ, do vẫn chưa xong được việc rà soát đánh giá sử dụng đất để trình phê duyệt quyết định cổ phần hóa.

Trước tình trạng này, đại diện VNPT đề xuất, cần có cơ chế đánh giá có tính yếu tố biến động để giúp doanh nghiệp gỡ vướng mắc đất đai khi cổ phần hóa.

“Chúng tôi cũng mong Chính phủ xem xét cho phép tiến hành song song việc định giá đất và thuê tư vấn đánh giá thì mới đảm bảo tiến độ. Còn nếu phải đợi xong rà soát, định giá đất đai để có quyết định phương án cổ phần hóa thì sẽ rất lâu, vì riêng việc đánh giá sử dụng đất cũng phải mất tới 2 năm, thuê tư vấn quốc tế mất 1 năm nữa.

Nếu đến thời điểm cuối năm không kịp ban hành quyết định thì sang năm mới lại phải lặp lại đúng quy trình đó do đất đai biến động và không biết bao giờ mới xong được cổ phần hóa”, đại diện VNPT kiến nghị.

Vị này cũng cho biết thêm, đó là còn chưa kể đến những bất cập liên quan đến các quy định thiếu đồng bộ trong các văn bản pháp luật khiến doanh nghiệp không biết đằng nào mà lần.

“Chỉ riêng thuật ngữ ‘cơ quan có thẩm quyền pháp luật’, chúng tôi hỏi mất hơn 6 tháng mới ra được chính xác là cơ quan nào, nên doanh nghiệp vô cùng khó khăn trong việc áp dụng các văn bản luật pháp trong việc triển khai cổ phần hóa”, đại diện VNPT nhấn mạnh.

Trên thực tế, những khó khăn, vướng mắc trong xác định giá trị đất đai của VNPT đã được ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn này đưa ra từ lâu.

Trong đó, vướng mắc lớn nhất chính là việc sắp xếp nhà đất chưa xong, chưa thể hoàn tất việc xác định giá trị doanh nghiệp đáng ra phải hoàn thành vào năm 2018, do đó chưa có cơ sở để xác định chi phí cổ phần hóa và thuê tư vấn cổ phần hóa.

Người đứng đầu VNPT đã từng ước tính, nếu với tiến độ này thì nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2020 mới xác định được giá trị doanh nghiệp, có nghĩa là phải sang năm 2021 mới có thể tiến hành cổ phần hóa được.

Tương tự, theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), doanh nghiệp này cũng đang rất khó khăn trong việc triển khai cổ phần hóa do ách tắc trong phương án sắp xếp đất đai.

Nguyên nhân xuất phát từ văn bản 4544 của Bộ Tài chính yêu cầu toàn bộ doanh nghiệp có vốn sở hữu nhà nước 51% trở lên do Tổng công ty quản lý phải rà soát đất đai.

Theo đại diện Vinafood1, với thực trạng có những mảnh đất đã giao cho cán bộ công nhân viên ở từ vài ba chục năm nay, không thể một sớm một chiều “đuổi ra” để lấy lại đất, làm sạch đất theo quy định của Nhà nước.

Với những mảnh đất này, bà Tâm cho biết, thậm chí doanh nghiệp đã làm việc với địa phương đề nghị trả về cho địa phương, nhưng cũng không được.

“Trong 8 loại hình đất sắp xếp theo Nghị định 167, chúng tôi có nhiều lô đất không nằm trong cả 8 loại hình này, có những khu đất vẫn còn tranh chấp do giao thành đất ở từ những năm 50 đến nay vẫn không đòi lại được. Tuần nào chúng tôi cũng họp lên họp xuống để tìm cách tháo gỡ. Nhưng chỉ cần một miếng đất còn tranh chấp thì cả tiến trình cổ phần hóa ách lại hết”, bà Tâm cho hay.

Vị nữ lãnh đạo này cũng thẳng thắn đặt vấn đề về tính pháp lý của văn bản của Bộ Tài chính khiến quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp đang suôn sẻ bỗng nhiên ách lại gần như toàn bộ.

Doanh nghiệp vẫn đang tuần tự triển khai nhiều công việc liên quan và hầu như đã xong nếu không có văn bản của Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu rà soát.

“Theo yêu cầu của văn bản này thì hơn 300 miếng đất rải rác tại các địa phương không thuộc 8 loại hình quy định, trong đó còn nhiều mảnh đang có tranh chấp không thể làm sạch nên không biết đến bao giờ mới xong”, bà Tâm nói và yêu cầu cần xem lại tính pháp lý của văn bản này, nếu bắt buộc phải thực hiện thì cần đưa vào văn bản cấp Nghị định hoặc ít nhất cũng phải ban hành Thông tư để đồng bộ với văn bản pháp luật hiện hành.

Lãnh đạo Vinafood 1 cho rằng, với quy trình sắp xếp đất đai phức tạp, thiếu đồng bộ về mặt pháp lý như hiện nay, rất khó có thể hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa, cũng như thoái vốn tại 19 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty đến năm 2020.

Thừa nhận thực trạng vướng mắc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình thủ tục mất nhiều thời gian do lịch sử pháp lý đất đai phức tạp, địa phương phê duyệt chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định.

Trong khi đó, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai, hoặc là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích…

“Vậy trách nhiệm đặt ra cho các Bộ ngành, cơ quan quản lý đến đâu trong vấn đề này, trong đó riêng Bộ Tài nguyên - Môi trường mặc dù Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp đã giao nhiệm vụ từ cách đây 2 năm, mà đến gần đây mới báo cáo là không ban hành được Thông tư, vậy trách nhiệm đặt ra của Bộ này là như thế thế nào”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu vấn đề.

Đối với Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát lại căn cứ pháp lý của việc  ban hành văn bản 4544.

“Một công văn chưa biết căn cứ pháp lý là gì, lại do Thứ trưởng ký thì liệu có đủ hiệu lực để thay thế các văn bản cấp Nghị định, Thông tư?”, Phó Thủ tướng thẳng thắn đặt câu hỏi và yêu cầu Bộ Tài chính cần khẩn trương xem xét, rà soát nếu có cơ sở pháp lý thì cần đưa vào Thông tư để đồng bộ hóa cơ sở pháp lý, tránh gây ách tắc cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai việc định giá đất đai. Nhanh chóng gỡ vướng cho các doanh nghiệp để sớm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, đảm bảo hoàn thành tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục