Có nhà đầu tư kỳ vọng đây là cơ hội để “hốt hàng” cổ phiếu giá rẻ, nhưng tâm lý chung trên thị trường là chưa đặt niềm tin vào mặt bằng giá mới, bởi quan ngại về việc giá hàng hóa cơ bản giảm, trong đó có giá dầu thô. Đặc biệt, động thái bán ròng nhẹ của khối khoại trong những phiên vừa qua tiếp tục tác động đến tâm lý thị trường.
Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục diễn biến tiêu cực, trong đó, PVS đang chịu áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại. Giá cổ phiếu PVS đã xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây, về mức 25.500 đồng/cổ phiếu, với gần 3 triệu đơn vị được khớp lệnh. Cổ phiếu cùng nhóm cũng giảm mạnh như GAS (-2,8%), PVD (-3,2%), PVS (-3,4%)… Trong nhóm cổ phiếu dầu khí, cổ phiếu DPM có diễn biến khá tích cực, cả về giá và thanh khoản, do được hưởng lợi của việc giá khí đầu vào giảm theo đà giảm của giá dầu thô.
Khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng từ cuối tuần trước, nhưng cường độ bán đã giảm. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2 triệu cổ phiếu với giá trị đạt 58,7 tỷ đồng (giảm 20% so với phiên cuối tuần trước). Các mã bị bán ròng mạnh nhất là KDC, PVS và PPC. Thanh khoản thị trường trong phiên giao dịch đầu tuần này duy trì ở mức thấp, khoảng 2.546 tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình 2.800 tỷ đồng của tuần trước.
Bước sang phiên giao dịch ngày thứ Ba, (16/12), VN-Index giảm 12,79 điểm, còn 535,14 điểm, tương ứng mức giảm 2,33%, HNX-Index giảm 1,6%, về 82,64 điểm. GAS và PVD giảm mạnh về sát mức giá sàn.
Liệu đây có phải là cơ hội để nhà đầu tư “hốt hàng” giá rẻ?
Giám đốc phân tích một CTCK khuyến cáo, NĐT hiện nay chưa nên gom cổ phiếu dầu khí, vì rủi ro giảm của giá dầu vẫn chưa lượng hóa được. Giá dầu thô trên thị trường thế giới cuối tuần qua tiếp tục giảm dưới mốc 60 USD/thùng, nếu giảm tiếp thì cổ phiếu năng lượng toàn thế giới sẽ tiếp tục bị bán tháo. TTCK Mỹ tuần qua cũng giảm mạnh, các chỉ số chính đều giảm trên 3% do ảnh hưởng của diễn biến giá dầu. Ngoài ra, chỉ số sản xuất của Trung Quốc cũng đang yếu hơn kỳ vọng.
Theo vị giám đốc phân tích trên, trong 2 tuần qua, NĐT nước ngoài đã giảm lượng bán đáng kể tại các cổ phiếu dầu khí GAS, PVD, PVS, PVC…, nhưng lực cung trong nước các cổ phiếu này (có thể bao gồm cả lực cung margin) vẫn còn khá nhiều. Mặt khác, tính từ đầu năm 2013 đến nay, cổ phiếu dầu khí đã tăng giá mạnh, nhất là thời điểm đầu năm 2014.
So với mức giá GAS đầu năm 2013 (dao động quanh 67.000-68.000 đồng/CP), đầu năm 2014 (là 60.000 - 65.000 đồng/CP), nhưng với bình quân cả năm 2013 là 45.000-50.000 đồng/CP thì mức sụt giảm vừa qua đáng kể, nhưng vẫn còn khá cao.
Cũng theo nhận định của vị giám đốc trên, bản thân giá dầu không tác động ngay vào kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, mà trước mắt là tác động vào kỳ vọng.
Một số CTCK khác đưa quan điểm, thời điểm này, vẫn có thể chọn lọc cổ phiếu dầu khí để gom mua. Cụ thể, về mặt kỹ thuật, giá đã giảm sâu cộng thêm tâm lý NĐT đã bớt bất ổn hơn sau 1 tuần bị tác động mạnh bởi thông tin giá dầu thô giảm mạnh, do đó, có thể sẽ điều chỉnh tăng. Thứ hai, giá cổ phiếu dầu khí rớt mạnh khiến một lượng lớn đã bị bán giải chấp và nay khối lượng giải chấp đã giảm, vì vậy, cơ hội phục hồi là có. Ngoài ra, trước việc giá dầu thô giảm mạnh, một số nước xuất khẩu dầu mỏ đã có động thái cắt giảm sản lượng cung, ít nhiều đã tạo kỳ vọng cho thị trường về đà hồi phục. Giữa kịch bản rớt giá và tăng giá thì kịch bản rớt giá ít hơn.
Trước xu hướng thị trường hiện nay, đa phần các CTCK đều có khuyến nghị hạ tỷ lệ cổ phiếu và tăng tỷ lệ tiền mặt trong tài khoản. Nhà đầu tư ưa mạo hiểm nên chốt lời dần ở những phiên tăng điểm và canh mua ở những mức giá thấp. Đồng thời, NĐT nên tranh thủ các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cho danh mục trung, dài hạn đối với các mã cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt và hưởng lợi từ diễn biến giảm của giá dầu cũng như các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.