“Cỗ máy” logistics còn phân tán và rời rạc

Dù được đánh giá là một trong những quốc gia có ngành logistics phát triển nhanh nhất thế giới khi đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm 14 - 16% trong những năm gần đây, nhưng với nhiều nhà đầu tư và chuyên gia quốc tế, logistics Việt Nam vẫn còn phân tán và rời rạc.
“Cỗ máy” logistics còn phân tán và rời rạc

Nếu ví ngành logistics tại Việt Nam như một “cỗ máy”, thì những cấu phần gồm hạ tầng, chính sách, quy hoạch, công nghệ và con người vận hành… là những linh kiện không thể thiếu để cỗ máy ấy có thể vận hành thông suốt. Nhưng những gì diễn ra trên thực tế lại chưa như mong đợi.

Trước hết là nghẽn về hạ tầng. Đơn cử, Cát Lái (TP.HCM) là cảng container quốc tế lớn nhất Việt Nam, là đầu mối trọng điểm trong hệ thống cảng biển vùng Đông Nam Bộ, song suốt nhiều năm qua bị bủa vây bởi tình trạng ùn tắc giao thông. Điều này đã tác động không nhỏ, làm suy giảm hoạt động kinh tế toàn khu vực.

Thống kê của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, bình quân mỗi ngày có 19.000 - 20.000 lượt ô tô ra vào khu cảng Cát Lái thông qua các tuyến đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống.

Thậm chí, ngày cao điểm có thể lên đến 26.000 lượt xe. Do hạ tầng giao thông chưa hợp lý, nên vào giờ cao điểm, các xe container ở khu vực này thường bị ùn tắc hàng giờ đồng hồ trước khi vào được cảng. Bởi vậy, lượng nhiên liệu tiêu tốn nhiều hơn, thời gian vận chuyển hàng hóa bị chậm, khiến chi phí tăng lên.

Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) - cụm cảng quốc tế nước sâu duy nhất ở Việt Nam, được đầu tư xây dựng với chi phí 2 tỷ USD, từng đón siêu tàu container lớn nhất thế giới có tải trọng 232.000 DWT vào tháng 3 năm nay lại là thí dụ khác. Do các hoạt động cảng biển, kho bãi, kho vận… ở đó tương đối độc lập, nên thiếu liên kết với nhau. Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Công thương trong Báo cáo Logistics Việt Nam 2022, thì trình độ phát triển của các dịch vụ logistics ở cụm cảng này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một trung tâm quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ về vận tải biển đa phương thức.

Cần phải nói thêm, sự thiếu liên kết giữa các cấu phần của ngành logistics xuất phát một phần từ quy hoạch thiếu đồng bộ. Đúng như nhận xét của bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group: “Địa phương thấy chỗ nào đất trống thì quy hoạch thành trung tâm logistics. Có nghĩa, chỗ doanh nghiệp cần trung tâm logistics thì không có, chỗ không cần thì địa phương lại quy hoạch”.

Một điểm đáng quan tâm nữa là các trung tâm logistics thường được quy hoạch với diện tích quá lớn, nên một doanh nghiệp khó có đủ tiềm lực thực hiện. Thực tế, một trung tâm logistics đúng chuẩn đòi hỏi phải có diện tích đủ rộng, được đầu tư đầy đủ chức năng vận tải, phân phối hàng hóa, có khu vực quản lý nhà nước về hải quan, thuế, trung tâm kiểm định chuyên ngành để cung cấp chuỗi dịch vụ tích hợp hoàn chỉnh. Do đó, để triển khai dự án, nhà đầu tư cần có nguồn vốn lớn, có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Thiếu vốn, nguồn lực hạn chế tất yếu dẫn đến tình trạng doanh nghiệp logistics Việt Nam “đông nhưng không mạnh”. Cụ thể, cả nước hiện có hơn 5.000 doanh nghiệp tham gia thị trường logistics, nhưng 89% trong số này là doanh nghiệp nội với quy mô vừa và nhỏ. Còn lại là các liên doanh, công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đông nhưng doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 30% thị phần, yếu cả về vốn, nhân lực lẫn kinh nghiệm hoạt động quốc tế. Đặc biệt là chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics, giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Sự lên ngôi của các xu hướng vận tải, của chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số, của nhiều ngành sản xuất… hiện được xem là cơ hội tốt, có thể đưa Việt Nam trở thành thị trường logistics mới nổi đầy tiềm năng. Nhưng để “cỗ máy” logistics vận hành trơn tru, thì việc đưa ra những giải pháp cấp bách nhằm khắc phục các bất cập trong kết cấu hạ tầng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước phát triển là yêu cầu rất cấp thiết. Bên cạnh đó, việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý mang tính hệ thống, thông suốt, trực tiếp điều chỉnh các hoạt động dịch vụ logistics cũng cần được chú trọng.

“Cỗ máy” logistics Việt Nam sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi có thêm các quy định hợp lý hóa các chi phí về cầu đường, loại bỏ tối đa chi phí tuân thủ, chi phí chờ. Đây là những việc có thể làm ngay để vừa góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, vừa thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics tại Việt Nam.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục