Có khung giá, nhưng vẫn chưa dễ bán điện

0:00 / 0:00
0:00
Khung giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp được ban hành khiến một số nhà máy đã từng được huy động và đang tạm dừng chờ mong, với hy vọng thoát được bế tắc. Nhưng trên thực tế, việc này không dễ thực hiện.
Pháp lý là một trong những vấn đề lớn nhất của các dự án điện mặt trời. Pháp lý là một trong những vấn đề lớn nhất của các dự án điện mặt trời.

Tìm lối

Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 50/VPCP-CN ngày 3/1/2023, gửi Bộ trưởng Bộ Công thương liên quan đến việc dừng huy động một phần công suất của Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (công suất 450 MW, tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận).

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, Bộ Công thương chịu trách nhiệm xử lý dứt điểm kiến nghị của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, không để doanh nghiệp gửi đơn khiếu nại nhiều nơi, nhiều lần, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước.

Về phía tỉnh Ninh Thuận, địa phương này cũng đã có Văn bản số 128/UBND-KTTH (ngày 12/1/2023) gửi Bộ Công thương, kiến nghị huy động phần công suất chưa có giá điện của Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam theo khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp.

Theo tỉnh Ninh Thuận, Dự án đã hoàn thành, đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công thương và cam kết theo hồ sơ thông báo mời quan tâm thực hiện dự án do tỉnh phát hành, gồm hoàn thành đưa vào vận hành đồng bộ Dự án trong năm 2020, truyền tải, giải phóng công suất cho các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực.

Bên cạnh đó, trong thời gian chờ bàn giao Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam tiếp tục chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và chi phí quản lý vận hành Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam. Việc này làm cho nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện việc trả nợ vay cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng theo phương án tài chính của dự án.

Khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã được ban hành vào ngày 7/1/2023, với mức giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,9 đồng/kWh.

Vì vậy, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Bộ Công thương xem xét chỉ đạo EVN tiếp tục huy động phần công suất 172 MW của Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam dựa trên khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời mặt đất theo Quyết định số 21/QĐ- BCT.

Sản lượng điện của phần công suất được huy động nêu trên sẽ được ghi nhận giá trị và việc thanh toán chỉ được thực hiện sau khi đàm phán và xác nhận giá với EVN.

Trước đó, vào ngày 9/1/2023, Bộ Công thương cũng đã nhắc nhở EVN và các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp khẩn trương phối hợp, thoả thuận, thống nhất giá phát điện, đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành để sớm đưa các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vào vận hành, tránh lãng phí tài nguyên.

Được biết, phía nhà đầu tư và Công ty Mua bán điện của EVN cũng đã có trao đổi sau khi có khung giá mới, nhưng mọi chuyện vẫn chưa có tiến triển.

Vẫn chưa dễ bán điện

Câu chuyện huy động phần công suất 172 MW này cũng cho thấy, để triển khai được dự án điện, sau đó bán được điện và thu tiền, các bên liên quan không thể vội vàng mà bỏ qua vấn đề pháp lý, để tránh rơi vào cảnh dở dang.

Tại tỉnh Ninh Thuận, đã có một số dự án điện mặt trời vượt quá mốc 2.000 MW mặt trời cộng dồn, nhưng vẫn hoàn tất đầu tư trong năm 2020 và được hưởng mức giá điện 7,09 UScent/kWh bởi đáp ứng được các điều kiện mà cơ quan chức năng đưa ra với mốc ngày 23/11/2019.

Trong khi đó, phần 172 MW của Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam và Nhà máy Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3 của Tập đoàn T&T dù hoàn thành trong năm 2020, nhưng lại không đáp ứng các điều kiện ở thời điểm ngày 23/11/2019, nên gặp khó.

Tỉnh Ninh Thuận tại Văn bản số 4071/UBND-KTTH (tháng 12/2020) đã đề nghị các cơ quan hữu trách cho được hưởng chính sách đặc thù áp dụng giá điện 7,09 UScent/kWh cho các dự án được bổ sung quy hoạch điện sau ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trước thời điểm 1/1/2021.

Sau đó, vào tháng 3/2021, Bộ Công thương cũng đề nghị Chính phủ cho các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư sau ngày 23/11/2019, nhưng vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 vẫn được hưởng mức giá 7,09 UScent/kWh như các dự án điện mặt trời khác được đưa vào vận hành trong năm 2020.

Tuy nhiên, không có quyết định nào về giá cụ thể cho các dự án này được chốt, dù lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều cuộc họp kể từ năm 2021 và 2022, cho tới ngày 7/1/2023, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT về khung giá điện cho các dự án chuyển tiếp.

Trước đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng chỉ đạo, đối với việc vận hành phát điện phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn Ninh Thuận mà hiện chưa có giá điện, giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN có phương án vận hành hợp lý theo quy định chung của ngành điện; đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xác định giá điện với phần công suất này theo chỉ đạo nêu trên.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nguồn tin từ Bộ Công thương cho hay, để được huy động, doanh nghiệp phải hoàn thiện thủ tục đầu tư, nghiệm thu và đàm phán với EVN theo khung giá vừa được ban hành. Đây là việc đòi hỏi sự nỗ lực của nhà đầu tư và địa phương bởi tính pháp lý của một phần diện tích đất làm dự án chưa đầy đủ.

Được biết, Tổ Công tác liên quan tới việc xác định danh sách các nhà máy nằm trong 2.000 MW điện mặt trời tại Ninh Thuận do Bộ Công thương chủ trì với thành phần có cả EVN lẫn UBND tỉnh Ninh Thuận cùng các đại diện của lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường - đất đai, phòng cháy chữa cháy của địa phương vẫn chưa đưa ra các báo cáo cuối cùng về vấn đề này.

“Các dự án ngay cả khi đã đi vào vận hành, đang bán điện và được trả tiền, nếu không đủ điều kiện pháp lý, thì rất khó để được công nhận”, nguồn tin từ Công thương cho biết.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục