Một kết quả chấp nhận được trong bối cảnh nhiều áp lực
Tối 2/7/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đăng trên mạng xã hội Truth Social thông báo rằng, Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận thương mại sơ bộ. Theo đó, hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ sẽ chịu mức thuế 20%; những mặt hàng bị coi là “trung chuyển” - tức có nguồn gốc từ nước thứ ba - sẽ bị áp thuế 40%. Với thỏa thuận này, Việt Nam trở thành quốc gia thứ ba đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ trong đợt đàm phán lần này, sau Vương quốc Anh và Trung Quốc.
Tuyên bố của Tổng thống Trump khép lại hơn 3 tháng đàm phán căng thẳng, trong đó Washington từng xem xét mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam. Theo TS. Chu Thanh Tuấn - Phó chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân kinh doanh tại Đại học RMIT Việt Nam, Việt Nam đã đạt được một bước đi tích cực để ổn định thương mại. Dù vẫn còn nhiều chi tiết kỹ thuật cần làm rõ, thỏa thuận sơ bộ này tạo ra một khoảng đệm quan trọng để doanh nghiệp chuẩn bị và thích ứng với môi trường thương mại đang thay đổi.
“Việt Nam đã giảm thiểu được rủi ro thương mại, điều mà nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ khiến chuỗi cung ứng đứt gãy và hàng loạt hợp đồng xuất khẩu bị hủy bỏ. Dù mức thuế 20% cao hơn thông lệ, nhưng là một kết quả thỏa hiệp tích cực trong bối cảnh áp lực chính trị và thương mại leo thang”, ông Tuấn nhận định.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý rằng, đây mới chỉ là tuyên bố chính trị, chưa có bất kỳ văn bản pháp lý song phương chính thức nào được công bố. Điều này đồng nghĩa với việc các chi tiết kỹ thuật như quy tắc xuất xứ, cơ chế kiểm tra và tiêu chí phân biệt giữa hàng Việt Nam thực thụ và hàng “trung chuyển” vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Một trong những điểm mấu chốt là mức thuế 40% đối với hàng bị coi là “trung chuyển” - khái niệm được phía Mỹ nhấn mạnh. Theo các hiệp định USMCA hay CAFTA, Mỹ thường yêu cầu sản phẩm phải có tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa từ 35-45% mới được công nhận có xuất xứ hợp lệ.
Trước thực tế đó, ông Tuấn khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần rà soát lại toàn bộ chuỗi cung ứng, đầu tư mạnh hơn vào khâu nội địa hóa, minh bạch hóa quy trình sản xuất và đặc biệt là lưu trữ đầy đủ hồ sơ, từ giấy chứng nhận xuất xứ (CO), hợp đồng, hóa đơn đến vận đơn. Ông cũng lưu ý rằng, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) có quyền thực hiện hậu kiểm bất kỳ lúc nào, kể cả tại nhà máy sản xuất, do đó số hóa hồ sơ và quản trị minh bạch là yêu cầu bắt buộc.
Ngành nào dễ bị tổn thương nhất?
“Không phải tất cả các ngành đều bị ảnh hưởng như nhau”, ông Tuấn nói. Một số lĩnh vực như dệt may và giày dép - vốn đã quen với mức thuế MFN 10-20%, có thể hấp thụ thêm chi phí. Các doanh nghiệp lớn như Vinatex, TNG hay An Phước với mạng lưới khách hàng đa dạng và khả năng đàm phán tốt có thể thương lượng lại giá để chia sẻ chi phí thuế với đối tác Mỹ. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn hoạt động với biên lợi nhuận mỏng và phụ thuộc vào thị trường Mỹ, sẽ đối mặt với thách thức lớn trong việc duy trì đơn hàng và lợi nhuận.
Ngành điện tử, đặc biệt là các nhà máy linh kiện và lắp ráp cho những tập đoàn lớn như Samsung, Apple hay LG, hiện vẫn duy trì được sự ổn định. Mặc dù thuế suất 20% có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngắn hạn, nhưng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc vẫn giúp Việt Nam giữ được vị thế hấp dẫn với dòng vốn FDI công nghệ cao. Nhiều tập đoàn đã thiết lập hệ sinh thái sản xuất ổn định tại Việt Nam và khó có khả năng rút đi chỉ vì biến động thuế ngắn hạn.
Ngược lại, các ngành như đồ gỗ nội thất, thủy sản (tôm, cá tra), nhựa gia dụng, xe đạp và thiết bị công nghiệp nhẹ sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn. Những ngành này trước đây được hưởng mức thuế rất thấp khi vào thị trường Mỹ, nhưng nay tăng lên 20% khiến lợi thế cạnh tranh giảm mạnh. Đặc biệt, khi so với các nước được hưởng ưu đãi thuế qua hiệp định như Mexico (USMCA) hoặc các đối thủ mạnh như Ấn Độ và Ecuador, doanh nghiệp Việt sẽ cần nỗ lực gấp nhiều lần để giữ chân khách hàng.
Thêm vào đó, nhiều ngành như nhựa và xe đạp vẫn đang phụ thuộc đáng kể vào linh kiện từ Trung Quốc. Nếu không tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa, các doanh nghiệp này có nguy cơ bị xếp vào diện “trung chuyển”, phải chịu thuế 40% và mất trắng thị phần tại Mỹ.
Chiến lược thương mại toàn diện và bài toán cho Việt Nam
Ông Tuấn cho rằng, thỏa thuận Việt - Mỹ lần này không chỉ là câu chuyện song phương, mà phản ánh sự chuyển dịch trong chiến lược đàm phán của chính quyền Trump với các nền kinh tế mới nổi. Mỹ ngày càng sử dụng thuế cao như một “cây gậy” để thúc ép đối tác mở cửa thị trường và siết chặt kiểm soát chuỗi cung ứng - tạo áp lực không chỉ cho Việt Nam, mà còn cho toàn khu vực châu Á.
Ông Tuấn chỉ ra rằng, Thái Lan và Malaysia - 2 quốc gia có chuỗi cung ứng gắn chặt với Trung Quốc, hiện đang đối mặt với mức thuế cao tương ứng là 36% và 24%. Trong khi đó, Ấn Độ nhờ quy mô thị trường lớn và vị thế địa chính trị có khả năng đạt được thỏa thuận thuận lợi hơn. Ngược lại, đàm phán với Hàn Quốc và Nhật Bản đang gặp khó: Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung thừa nhận khó đạt thỏa thuận trước thời hạn đặt ra trước đó, còn Nhật Bản vướng vào yêu cầu Mỹ muốn áp hạn ngạch xuất khẩu ô tô.
Trong bối cảnh đó, ASEAN đang áp dụng một chiến lược “lai”, vừa duy trì lập trường chung trong nội khối, vừa linh hoạt để từng quốc gia có thể đàm phán riêng với Mỹ, nhằm tránh bị cô lập trong quá trình thương thảo và giảm thiểu nguy cơ bị gây sức ép đơn phương.
Còn Liên minh Châu Âu (EU) đang đàm phán từ thế mạnh nhờ thặng dư thương mại lớn với Mỹ. EU không chấp nhận mức thuế cơ sở 10-20% nếu không có nhượng bộ tương ứng từ phía Mỹ, đặc biệt về thuế kỹ thuật số, tiêu chuẩn ESG và quyền tiếp cận thị trường công nghệ. Do đó, đàm phán Mỹ - EU dự kiến sẽ phức tạp và kéo dài hơn, nhưng có thể đạt được một thỏa thuận 2 chiều công bằng hơn so với các nước nhỏ và phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam.
Ông Tuấn đưa ra 4 khuyến nghị trọng tâm cho doanh nghiệp Việt Nam: Thứ nhất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Mỹ; thứ hai, đẩy mạnh nội địa hóa và kiểm soát chất lượng chuỗi cung ứng; thứ ba, số hóa toàn bộ hồ sơ, chứng từ để sẵn sàng cho hậu kiểm; thứ tư, chủ động thương lượng với khách hàng Mỹ về giá cả, thời gian giao hàng và chia sẻ chi phí thuế quan.
Ông Tuấn cũng lưu ý rằng, thỏa thuận lần này phần nào làm dịu lo ngại của giới đầu tư. Trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index phục hồi mạnh sau tuyên bố từ ông Trump và một số tập đoàn nước ngoài cho biết sẵn sàng nối lại kế hoạch mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, tâm lý tích cực này sẽ bj thách thức nếu các chi tiết của thỏa thuận không sớm được làm rõ.
“Dù còn nhiều điều chưa rõ, nhưng thỏa thuận lần này là ‘khoảng đệm’ quý giá, giúp Việt Nam tránh được cú sốc thuế quan trừng phạt và tạo cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng, kiểm soát rủi ro xuất xứ và nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn”, ông Tuấn nói và cho rằng, nếu tận dụng tốt khoảng thời gian này, Việt Nam có thể bước vào kỷ nguyên thương mại mới với vị thế vững vàng hơn.