Lợi ích thiết thực về kinh tế và khí hậu
Hydro xanh và những dẫn xuất của hydro xanh đang được thế giới quan tâm và kỳ vọng có thể là giải pháp có vị trí ngày càng quan trọng trong lộ trình chuyển dịch năng lượng giảm phát thải các khí ô nhiễm và CO2.
Báo cáo "Hydro xanh: Tiếp sức cho lộ trình đạt phát thải ròng bằng không" do Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững Deloitte cho biết, với việc hỗ trợ chuyển hydro sạch trở thành nguồn năng lượng bền vững và đáng tin cậy, thị trường này dự kiến sẽ dẫn đầu về giá trị trong việc trao đổi mua bán khí thiên nhiên hóa lỏng vào năm 2030, quy mô thị trường sẽ đạt mức 1.400 tỷ USD vào năm 2050.
Đáng chú ý, thị trường hydro xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng với các nền kinh tế công nghiệp hóa, mà với các nước đang phát triển, hydro sạch còn mang đến cơ hội tăng trưởng bền vững, có thể chiếm gần 70% thị trường trị giá 1.400 tỷ USD vào năm 2050, nếu khoản đầu tư vào lĩnh vực này thực sự đáng kể và đúng mục tiêu.
Nghiên cứu chỉ ra rằng hydro sạch có thể giúp giảm tới 85 gigaton lượng khí thải CO2 tích lũy vào năm 2050, gấp đôi lượng phát thải CO2 toàn cầu vào năm 2021. Deloitte phân tích triển vọng tương lai chi tiết trên các phương diện: chi phí, sản xuất và thị trường của hydro, đưa ra những thách thức kinh doanh của việc triển khai thành công hydro sạch, cũng như những phân tích chuyên sâu về các động lực thị trường khác nhau như quy mô cơ sở hạ tầng tối ưu, nhu cầu đầu tư và các lựa chọn công nghệ.
Hơn nữa, khác với hydro xanh lam (blue hydro), giá hydro xanh không có mối tương quan trực tiếp với giá khí đốt tự nhiên – đây sẽ là giải pháp bảo vệ trước những biến động gần đây ở châu Âu và châu Á.
Quy mô thị trường hydro sạch |
Ông David Hill, Tổng giám đốc Deloitte khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Hydro sạch có tiềm năng mang đến cơ hội độc nhất cho các quốc gia đang phát triển nhằm đẩy nhanh tiến trình đến một tương lai phát thải thấp, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Mặc dù các loại năng lượng tái tạo khác cũng cần thiết cho một tương lai phát thải ròng bằng không, nghiên cứu của Deloitte chỉ ra rằng nắm bắt thời cơ phát triển hydro sạch và đầu tư phát triển lĩnh vực này, các quốc gia có thể giảm thiểu lượng phát thải carbon một cách đáng kể, tạo ra các ngành nghề và việc làm mới, đồng thời cải thiện an ninh năng lượng, đóng góp vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.”
Đặc biệt, đến năm 2050, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ nắm giữ hơn 65% thị trường sản xuất hydro sạch và 15% doanh thu sẽ tích lũy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Will Symons, Lãnh đạo Phát triển Bền vững và Quản trị Biến đổi Khí hậu, Deloitte châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm gần 55% thị trường vào năm 2030, do nhu cầu tăng vọt tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Khoảng 40% mức đầu tư cần thiết để mở rộng quy mô ngành công nghiệp hydro sạch cần được triển khai ở châu Á - Thái Bình Dương. Việc chuyển đổi hydro sạch có thể hỗ trợ tới 1,5 triệu việc làm mỗi năm ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trong giai đoạn từ năm 2030 đến năm 2050, phần lớn những việc làm này sẽ ở châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh những lợi ích rõ ràng về kinh tế và khí hậu, thị trường hydro sạch châu Á - Thái Bình Dương sẽ giúp tăng cường sự tự chủ và an ninh năng lượng".
Yêu cầu đầu tư lớn
Tuy nhiên, cần các khoản đầu tư vào chuỗi cung ứng để tối ưu hóa giá trị toàn cầu của hydro sạch. Báo cáo ước tính cần hơn 9.000 tỷ USD đầu tư tích lũy trong chuỗi cung ứng hydro sạch toàn cầu để giúp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050, bao gồm 3.100 tỷ USD ở các nền kinh tế đang phát triển.
Châu Á - Thái Bình Dương cần đầu tư 150 tỷ USD trung bình mỗi năm để đáp ứng nhu cầu đầu tư trung bình toàn cầu là 375 tỷ USD. Doanh thu từ xuất khẩu hydro sạch giúp các nhà xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch ngày nay bù đắp doanh thu giảm từ dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá.
Để giúp nền kinh tế hydro sạch mở rộng quy mô, phát triển mạnh và công bằng để đáp ứng nhu cầu dự kiến, báo cáo khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách tập trung vào ba yếu tố chính:
Thứ nhất, đặt nền tảng thị trường. Đưa ra các chiến lược quốc gia và khu vực để xây dựng uy tín cho thị trường, phát triển quy trình chứng nhận vững mạnh và công bằng cho hydro sạch để giúp đảm bảo tính minh bạch và phối hợp quốc tế nhằm hỗ trợ giảm thiểu xung đột chính trị và thúc đẩy một sân chơi bình đẳng.
Thứ hai, thúc đẩy hành động. Thiết lập các mục tiêu và/hoặc thị trường rõ ràng cho các sản phẩm có nguồn gốc hydro sạch và đưa ra các công cụ cụ thể, chẳng hạn như ưu đãi và trợ cấp tài chính, nhằm giúp giảm chênh lệch chi phí giữa các công nghệ sạch và công nghệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hỗ trợ các doanh nghiệp tích hợp hydro sạch vào chuỗi giá trị của họ.
Thứ ba, bảo đảm khả năng duy trì lâu dài. Đa dạng hóa chuỗi giá trị - từ các đối tác thương mại đến các nhà cung cấp nguyên liệu thô - để giúp ngăn chặn các điểm tắc nghẽn tốn kém trong quá trình chuyển sang sử dụng hydro sạch, đặc biệt tập trung cải thiện thiết kế cơ sở hạ tầng để vận chuyển hiệu quả hơn (đường ống và đường biển) và lưu kho (dự trữ chiến lược) hàng hóa hydro sạch