Cơ hội tăng chế tài với sai phạm chứng khoán

(ĐTCK) Có 38 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành trong quý I vừa qua; trong đó có 23 tổ chức và 15 cá nhân. Tổng số tiền xử phạt là trên 3 tỷ đồng.
Cơ hội tăng chế tài với sai phạm chứng khoán

Một trong những hành vi vi phạm tiếp tục bị Uỷ ban Chứng khoán trong quý I là thao túng giá chứng khoán.

Thực tế này đang đặt ra yêu cầu về hoàn thiện cơ chế giám sát cũng như chế tài xử lý vi phạm nhằm ngăn chặn hành vi gây tổn hại cho nhà đầu tư, đi ngược lại với bản chất của thị trường chứng khoán – thị trường được xây dựng trên cơ sở sự minh bạch thông tin và niềm tin của nhà đầu tư.

Trong số 38 tổ chức và cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán 3 tháng đầu năm nay, bà Lương Thị Thu (trú tại 14D Tòa Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Hà Ðông, Hà Nội) là trường hợp bị xử phạt nặng nhất, với mức phạt tiền 550 triệu đồng cho hành vi thao túng giá chứng khoán.

Cụ thể, từ ngày 23/12/2015 đến 10/10/2016, bà này đã sử dụng 29 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của CTCP Tài Nguyên (TNT).

Mức phạt tiền như trên cao hơn nhiều so với nhiều hành vi vi phạm khác trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia pháp lý, nếu so sánh với những thiệt hại mà hành vi thao túng giá chứng khoán gây ra với nhà đầu tư, với thị trường, cũng như so với chế tài xử phạt mà các nước phát triển đang áp dụng, mức phạt này còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe (Trên thế giới, hành vi thao túng giá chứng khoán có thể bị xử phạt tới hàng trăm triệu, hay hàng tỷ USD).     

Trong khi chế tài xử lý vi phạm hành chính được đánh giá còn nhẹ, việc xử lý hình sự với hành vi thao túng giá chứng khoán hầu như mới chỉ có hiệu lực “trên giấy”.

Ðiều này đang tác động tiêu cực đến nỗ lực đấu tranh với các hành vi vi phạm. Bằng chứng là dù cơ quan quản lý đã ra nhiều quyết định xử phạt các cá nhân có hành vi thao túng giá cổ phiếu trong thời gian qua, nhưng hành vi vi phạm này vẫn liên tục tái diễn.

Ðể khắc phục tình trạng trên, ngoài tăng cường áp dụng chế tài hình sự, việc sửa đổi chế tài xử lý vi phạm hành chính cần được thúc đẩy theo hướng tăng nặng, nhất là “điểm rơi” sửa đổi cơ chế đang thuận lợi.

Theo đó, cùng với Luật Chứng khoán đang được khẩn trương sửa đổi theo hướng, như Bộ Tài chính cho biết, nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý, tăng cường giám sát và xử lý vi phạm, việc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đang được thúc đẩy.

Vướng mắc chính trong tăng chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán là Luật Xử lý vi phạm hành chính khống chế mức trần phạt tiền 2 tỷ đồng với tổ chức vi phạm, còn với cá nhân là 1 tỷ đồng không phù hợp với đặc thù vi phạm trên thị trường chứng khoán, nên không đảm bảo tính răn đe.

Bởi vậy, lần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính này là cơ hội để Bộ Tài chính, UBCK, các thành viên thị trường kiến nghị Bộ Tư pháp, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi mức trần xử phạt đối với lĩnh vực chứng khoán theo hướng nâng lên tối đa lên hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đối với các hành vi đặc biệt nghiêm trọng, có tác động tiêu cực lớn đến thị trường như thao túng giá chứng khoán, công bố thông tin sai lệch nhằm trục lợi…

Cơ chế xử phạt nghiêm khắc nếu được thiết lập sẽ giúp gia tăng kỷ cương trên thị trường chứng khoán, qua đó giúp thị trường phát triển lành mạnh và hấp dẫn hơn. 

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục