Sai phạm như TSS, TAS vẫn còn “đất diễn”

(ĐTCK) Trước khi Thông tư 210/2012/TT/-BTC ra đời, hiện tượng các công ty chứng khoán trục lợi từ việc lạm dụng tài khoản của nhà đầu tư đã dẫn đến những vụ án lừa đảo “đình đám” như Công ty cổ phần Chứng khoán Trường Sơn (TSS), Công ty cổ phần Chứng khoán Tràng An (TAS). Theo chuyên gia pháp lý, cho đến nay, những rủi ro tương tự vẫn còn hiện hữu.
Sai phạm như TSS, TAS vẫn còn “đất diễn”

Trong các năm 2011, 2012, thông tin bắt giữ các lãnh đạo Công ty Chứng khoán Trường Sơn, Công ty Chứng khoán Tràng An bắt đầu phát lộ. Kỳ thực, trước đó, các nhà đầu tư đã có đơn thư tố cáo khi phát hiện tài khoản chứng khoán bị lạm dụng, thậm chí, có trường hợp bị “quàng cổ” khoản nợ của ngân hàng. Từ đây, sai phạm của một số công ty chứng khoán dần hé mở. 

Theo kết quả điều tra, năm 2011, TAS ký hợp đồng với BIDV hợp tác cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán. Các lãnh đạo của TAS gồm ông Lê Hồ Khôi (SN 1961, nguyên Tổng giám đốc). Trịnh Văn Toàn (SN 1969, nguyên Phó tổng giám đốc)… đã chỉ đạo nhân viên tạo dựng tài khoản, lập khống hồ sơ của 9 khách hàng vay 45 tỷ đồng.

Cùng thủ đoạn, các bị cáo vay số tiền 104,5 tỷ đồng của EVN-Finance. Hành vi của các bị cáo được xác định là Sử dụng trái phép tài sản thay vì tội danh truy tố trước đó là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tòa án nhân dân TP. Hà Nội hiện đang thụ lý vụ án của TSS. Trường hợp của TSS không khác TAS là bao nhưng quy mô có phần lớn hơn rất nhiều.

Theo đó, sau khi ký kết hợp đồng vay vốn của Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (nay là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB) thông qua hình thức vay ứng trước tiền bán chứng khoán, cựu lãnh đạo của TSS là Hồ Hoài Nam (Tổng giám đốc) và Nguyễn Trung Thành chỉ đạo nhân viên giả mạo chữ ký khách hàng, ký khống vào xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán.

Chỉ trong vòng hơn 1 năm (từ tháng 5/2010 - tháng 9/2011), lãnh đạo của TSS ký 1.628 xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán, lập 1.691 bộ hồ sơ mang tên các nhà đầu tư cá nhân. Ngân hàng giải ngân cho TSS tổng số tiền 2.714 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác minh, có 1.558 xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán là khống, còn lại 70 xác nhận là có thật để lập 48 bộ hồ sơ giao dịch với tổng trị giá khớp lệnh là 6,8 tỷ đồng. Dưới sự chỉ đạo của Hồ Hoài Nam và Nguyễn Trung Thành, TSS đã kê khai nâng khống giá trị vay của ngân hàng lên 76,5 tỷ đồng (gấp 11 lần so với giá trị thực tế đã khớp lệnh).

Số tiền vay được sử dụng đảo nợ ngân hàng, cho vay, chi phí hoạt động công ty. Cơ quan tố tụng truy tố ông Nam và Thành có hành vi lừa đảo chiếm đoạt ngân hàng số tiền 43,6 tỷ đồng.

Rõ ràng, việc trục lợi trên là hành vi có chủ đích. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhập nhằng tài khoản của nhà đầu tư. Để hạn chế hành vi lạm dụng trục lợi hoặc “lấy cắp” tiền nhà đầu tư, năm 2013, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ban hành Thông tư số 210/2012/TT/-BTC hướng dẫn thành lập và hoạt động công ty chứng khoán.

Theo Điều 50 Thông tư 210, các công ty buộc phải thực hiện quản lý tách bạch tài khoản tiền gửi của khách hàng theo 2 phương án. Đó là khách hàng sẽ mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn, để quản lý giao dịch chứng khoán. Hoặc công ty mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng. Tài khoản chuyên dụng phải mở riêng biệt và tách bạch với các tài khoản khác.

Theo luật sư Nguyễn Minh Đức, Công ty Luật DNAS, hiện nay, hệ thống quản lý của công ty chứng khoán, ngân hàng đã hoàn thiện nhưng những rủi ro tương tự như TSS, TAS vẫn còn tồn tại.

“Mặc dù trong tài khoản tổng của công ty chứng khoán có thể tách bạch số tiền đến từ tài khoản cá nhân A, cá nhân B… nhưng sẽ không tránh được rủi ro về kỹ thuật và con người, đặc biệt khi các nhân sự tại công ty chứng khoán cố tình vi phạm. Như vậy, điều cần thiết nhất là phải tăng cường giám sát của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và sự kết nối, kiểm soát của ngân hàng lưu ký”, ông Đức cho biết thêm.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục