Nguồn tin cho biết, theo đơn tố giác, căn cứ số liệu kiểm toán, xác định, ngày 1/1/2015, vốn chủ sở hữu Nhà nước tại Tổng công ty Vật tư nông nghiệp là hơn 226,6 tỷ đồng. Quá trình điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo Tổng công ty đã có nhiều sai phạm dẫn đến vốn chủ sở hữu giảm chỉ còn hơn 118,5 tỷ đồng (tính tại thời điểm 31/12/2015).
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành cổ phần hoá doanh nghiệp, Tổng công ty đã bán cổ phần cho các nhà đầu tư và thu về cho Nhà nước số tiền 220,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, qua quá trình xác minh, từ ngày 2/8/2016 đến ngày 23/1/2017, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nguồn nhân lực Vigecam đã thu hồi được về cho Nhà nước số tiền 57,4 tỷ đồng.
Ngày 30/8/2016, Công ty Vigecam trading đã thanh toán toàn bộ công nợ 29,2 tỷ đồng cho Tổng công ty Vật tư nông nghiệp.
Hai khoản tiền trên đều đang được gửi tại ngân hàng Agribank. Tổng cộng số dư tiền gửi nguồn vốn chủ sở hữu Nhà nước trong hai tài khoản của Tổng công ty Vật tư nông nghiệp hơn 248,8 tỷ đồng.
Để có cơ sở đánh giá hậu quả, thiệt hại, xem xét trách nhiệm hình sự của các cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát.
Đồng thời cho ý kiến về việc: Với số tiền thu hồi được nêu trên thì đến nay Nhà nước còn bị thiệt hại hay không? Nếu có thiệt hại thì trách nhiệm thuộc về các nhân nào tại Tổng công ty Vật tư nông nghiệp?
Được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quyết định cổ phần hoá Vigecam từ cuối năm 2014, nhưng phải tới gần đây việc cổ phần hoá mới được thực hiện xong.
Quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp này cũng gặp khá nhiều “lùm xùm” trong việc chọn cổ đông chiến lược.
Đáng lưu ý, dù kết quả kinh doanh khá ảm đạm nhưng Vigecam vẫn thu hút nhà đầu tư nhờ sở hữu một loạt các khu đất vàng trên cả nước, bao gồm 6 lô đất thuê của Nhà nước tại Hà Nội, Hải phòng, TPHCM với tổng diện tích 114.793,94 m2.
Trong đó đáng chú ý là các thửa đất tại số 120 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội với diện tích 276 m2 và thửa đất tại số 164 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội với diện tích 536 m2. Năm 2014, vụ đấu giá đất vàng 120 Quán Thánh và 164 Trần Quang Khải bất thành do những ồn ào xung quanh quy trình thực hiện không minh bạch. Hiện doanh nghiệp đang thực hiện thuê đất và trả tiền thuê hàng năm.