Cơ hội mang tên “bảo hiểm sức khỏe”

(ĐTCK) Các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đi sau phải có những điểm khác biệt, hấp dẫn hơn nếu muốn tìm được chỗ đứng.
Cơ hội mang tên “bảo hiểm sức khỏe”

Trong khi các nghiệp vụ bảo hiểm như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển…, việc khai thác ngày càng khó khăn và tăng trưởng èo uột thì bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và đứng thứ 3 về doanh thu với hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2012. Mức độ hấp dẫn về doanh thu của những sản phẩm bảo hiểm có liên quan đến sức khỏe và bệnh tật thậm chí còn lấn át cả nỗi lo về vấn nạn trục lợi bảo hiểm đang khá phổ biến tại nghiệp vụ này.

Cơ hội mang tên “bảo hiểm sức khỏe” ảnh 1

Các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của Generali Việt Nam khá hút khách

Thực tế, trong một vài năm gần đây, không chỉ có DN khối phi nhân thọ mà nhiều DN bảo hiểm nhân thọ đã chú trọng và thành công trong việc phát triển sản phẩm bảo hiểm mới có quyền lợi về chăm sóc y tế, thương tật, tử vong cao hơn, hấp dẫn với đối tượng khách hàng có thu nhập cao nói riêng và nhu cầu của toàn xã hội nói chung.

Từ những sản phẩm chỉ bảo hiểm hơn chục bệnh hiểm nghèo, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã nâng số bệnh được bảo hiểm lên đến hơn 30 bệnh. Dấu ấn đầu tiên là việc Prudential Việt Nam đưa ra thị trường sản phẩm “Phú-An Lộc” vào năm 2012. Phú-An Lộc trở thành sản phẩm lần đầu tiên trên thị trường không chỉ bảo vệ cho khách hàng trước rủi ro 37 bệnh hiểm nghèo, mà còn chi trả quyền lợi bảo hiểm 2 lần khi khách hàng mắc bệnh hiểm nghèo khác nhau trong suốt thời hạn hợp đồng với tổng quyền lợi bảo hiểm lên tới 200% số tiền bảo hiểm…

Chưa đầy 1 tháng sau khi đưa ra thị trường, sản phẩm Phú-An Lộc của Prudential đã thu hút được hàng ngàn khách hàng tham gia và hiện vẫn đang là sản phẩm bán chạy số 1 của Công ty. Đại diện Prudential Việt Nam cho biết, sự thành công vượt trội của Phú-An Lộc đã đặt ra những tiêu chuẩn mới cho các sản phẩm đi sau, cho phép Prudential nhìn nhận lại các sản phẩm hiện hữu và cải tiến mới thú vị cho các sản phẩm này trong thời gian tới.

Mới đây nhất, Generali Việt Nam cũng đã nghiên cứu và phát triển để đưa ra thị trường sản phẩm bảo hiểm bổ trợ “Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo”. Với sản phẩm này, người bệnh được bảo hiểm tới 38 bệnh hiểm nghèo, trong đó có một số căn bệnh nan y đang khá phổ biến như ung thư, suy thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Bên cạnh đó, Generali Việt Nam cũng đưa ra thị trường sản phẩm bảo hiểm bổ trợ “Bảo hiểm miễn đóng phí bệnh hiểm nghèo”, miễn toàn bộ phí bảo hiểm phải đóng trong tương lai của Hợp đồng bảo hiểm chính và các bảo hiểm bổ trợ khác đính kèm theo Hợp đồng bảo hiểm chính (nếu có) khi người bệnh chẳng may bị chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo.

Đối với khối phi nhân thọ, năm 2012 bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người đạt doanh thu 4.011 tỷ đồng, tăng trưởng 22,25%. Nhiều DN đã chú trọng và thành công trong việc phát triển sản phẩm bảo hiểm mới có quyền lợi về chăm sóc y tế, thương tật, tử vong cao hơn, hấp dẫn hơn. Các DN bảo hiểm như PTI, PVI, Liberty đều cho biết, bảo hiểm sức khỏe là một trong những sản phẩm chiến lược của mảng bán lẻ trong năm 2013 của công ty.

Phát triển những sản phẩm bảo hiểm có liên quan đến sức khỏe được nhận định sẽ là xu thế phổ biến trong những năm tới. Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong năm 2013, thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng, cùng với việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm truyền thống và bảo hiểm dành cho người nghèo, các DN bảo hiểm sẽ chú trọng hơn đến phát triển sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm hưu trí... Và cùng với việc bán những sản phẩm này cho khách hàng cá nhân, các công ty bảo hiểm sẽ sử dụng các kênh phân phối khác như môi giới và tập trung vào các bên mua bảo hiểm là tổ chức. Generali Việt Nam cho biết, khách hàng DN mua bảo hiểm cho nhân viên ngày càng tăng vì sự tiện lợi mà các sản phẩm này mang lại. Những sản phẩm này được thiết kế khá nhiều quyền lợi về bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân viên trong DN...

Theo đánh giá của Hiệp hội Bảo hiểm, tiềm năng của sản phẩm này còn rất nhiều, bởi có những phân khúc khách hàng mà các DN chưa hề chạm tới như bán bảo hiểm cho các khu vui chơi giải trí, du lịch nước ngoài, cần phải tiếp cận các công ty tổ chức những sự kiện này… Tất nhiên, dù dư địa còn lớn nhưng sức ép cạnh tranh cũng sẽ ngày càng tăng đòi hỏi các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đi sau phải có những điểm khác biệt, hấp dẫn hơn nếu muốn tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Nguyễn Ngọc
Nguyễn Ngọc

Tin cùng chuyên mục