Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU), gồm các nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã chính thức được phê chuẩn vào tháng 8 vừa qua. Nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Uỷ ban Kinh tế Á - Âu (EEC) tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu”.
Trong Diễn đàn kinh tế lần đầu tiên giữa EEU và Việt Nam được tổ chức để bàn về EEUV-FTA, nhà chức trách hai bên đều đánh giá tiềm năng và cơ hội hợp tác phát triển của hai phía là rất lớn và kỳ vọng tác động của Hiệp định sẽ giúp kim ngạch thương mại hai bên đạt mục tiêu hai con số (tỷ USD) trong thời gian tới.
Cam kết của EEU đối với các nhóm hàng quan trọng của Việt Nam như thủy sản, 95% số dòng thuế được xóa bỏ theo lộ trình 10 năm, trong đó 71% được giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; với dệt may, 95% số dòng thuế được giảm và xóa bỏ, trong đó 42% giảm về 0% theo lộ trình 10 năm. Đối với các sản phẩm giày dép, 77% số dòng thuế sẽ được cắt giảm và xóa bỏ thuế nhập khẩu, trong đó 73% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ theo lộ trình 5 năm.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước EEU tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm trong giai đoạn 2009 - 2014, kim ngạch xuất khẩu song phương năm 2014 đạt xấp xỉ 4,2 tỷ USD.
“Tuy nhiên, khi so với tổng giá trị ngoại thương của Việt Nam ở mức 300 tỷ USD và 900 tỷ USD của Liên minh trong cùng năm, rõ ràng, đây là con số hết sức khiêm tốn”, Thứ trưởng Vượng nhấn mạnh.
Về những lợi ích cụ thể khi tham gia EEUV-FTA, ông Dương Hoàng Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công thương cho biết, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, gần 90% dòng thuế của hai bên sẽ được cắt giảm về 0%, tương đương 90% kim ngạch thương mại song phương hiện nay. Trong đó, Việt Nam đồng ý cắt giảm thuế quan đối với 87,7% tổng số dòng thuế, tương đương với 94,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước EEU, trong đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan ngay là 52,4%. Nhiều mặt hàng thế mạnh của EEU sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định, bao gồm sữa, rỉ đường, hạt lanh, phân kali, xăng dầu, ô tô, thịt gia cầm…Trong đó, sữa giảm từ 20% về 0%; rỉ đường, hạt lanh giảm từ 10% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng khác sẽ được giảm thuế theo lộ trình 5-10 năm.
Liên minh EEU cam kết mở cửa thị trường ở các mức độ khác nhau đối với 87,4% tổng số dòng thuế, tương đương 90,5% tổng kim ngạch nhập khẩu trung bình từ Việt Nam trong 3 năm từ 2010 - 2012. Trong đó, 84,7% số dòng thuế được cam kết xóa bỏ hoàn toàn theo lộ trình, tối đa trong 10 năm, 2,7% số dòng thuế được cắt giảm một phần.
Cụ thể, cam kết của EEU đối với các nhóm hàng quan trọng của Việt Nam như thủy sản, 95% số dòng thuế được xóa bỏ theo lộ trình 10 năm, trong đó 71% được giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; với dệt may, 95% số dòng thuế được giảm và xóa bỏ, trong đó 42% giảm về 0% theo lộ trình 10 năm. Đối với các sản phẩm giày dép, 77% số dòng thuế sẽ được cắt giảm và xóa bỏ thuế nhập khẩu, trong đó 73% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ theo lộ trình 5 năm.
Ông Minh khuyến nghị, DN trong nước cần nghiên cứu kỹ các cam kết tại Hiệp định cũng như quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa vào thị trường EEU. Đây là thị trường có yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để khai thác thành công thị trường này, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, doanh nghiệp tập trung giải quyết các trở ngai về khoảng cách địa lý, vận tải, kho bãi, khó khăn trong khâu thanh toán song phương. Việc nâng cao trình độ tiếng Nga cũng là một yêu cầu cần thiết để xúc tiến thị trường.
Đánh giá chung về triển vọng hợp tác giữa hai bên, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, khi hợp tác với Việt Nam, EEU không chỉ dừng lại hợp tác ở thị trường nội khối mà có thể hướng tới thị trường rộng lớn hơn, thông qua việc tích hợp các thế mạnh trong việc chuỗi giá trị sản phẩm và dịch vụ toàn cầu. Đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN, khu vực 600 triệu dân với GDP trên 2.000 tỷ USD và TPP - chương trình hợp tác kinh tế lớn nhất thế giới với quy mô khoảng 40% GDP toàn cầu và thị trường 800 triệu dân.
Trong khuôn khổ diễn đàn, hơn 100 doanh nghiệp các lĩnh vực như tiêu dùng, năng lượng, khoáng sản, dịch vụ và tài chính, chế tạo máy, sản xuất ô tô của Việt Nam và EEU đã có buổi giao lưu, tìm hiểu cơ hội hợp tác. Được biết, các doanh nghiệp EEU đã mang sang Việt Nam 10 dự án cụ thể để giới thiệu tại diễn đàn lần này.