Cơ hội lớn cho doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ

(ĐTCK) Hàng loạt dự án lớn cho sản xuất công nghiệp phụ trợ đã và đang được các tập đoàn công nghiệp hàng đầu cấp tập triển khai, mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng lớn của khu vực và thế giới.  
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco cho biết, Tập đoàn đang triển khai kế hoạch tiếp theo hình thành trung tâm cơ khí miền Trung, sản xuất linh kiện phụ tùng.

Trung tâm này sẽ kêu gọi doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam và nước ngoài đến để sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, sản phẩm sử dụng trong nông nghiệp như cơ khí nông nghiệp cùng nhiều lĩnh vực sản xuất sản phẩm xuất khẩu khác.

Ngoài việc đầu tư thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển chuỗi cung ứng linh kiện, Thaco cũng đã xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện quy mô lớn, đồng thời trao đổi với các nhà sản xuất khu vực nhằm chia sẻ chi phí.

Nhà sản xuất ô tô mới nổi trên thị trường Việt Nam là Vinfast (thuộc Tập đoàn Vingroup) cũng không giấu tham vọng xây dựng thành công một tổ hợp sản xuất công nghiệp phụ trợ, thu hút các tập đoàn công nghiệp hàng đầu trên thế giới cho tới những doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên về sản xuất công nghiệp phụ trợ.

Mục tiêu của Vingroup là tạo chuỗi cung ứng đồng bộ nhằm phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô trở thành lĩnh vực dẫn dắt cho phát triển công nghiệp trong nước.

“Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, sẵn sàng ký kết nhiều liên doanh và hợp tác với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới cũng như trong nước để thành lập liên doanh sản xuất, trong đó đặc biệt ưu tiên các nhà sản xuất đã có mặt tại Việt Nam và các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam”, ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách Vinfast nhấn mạnh.

Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy tương lai phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã bắt đầu định hình khá rõ nét, có sự định hướng dẫn dắt bài bản bởi những tập đoàn công nghiệp lớn trong nước.

Nếu chiến lược này thành công sẽ khắc phục được gốc rễ của sự yếu kém trong ngành phát triển công nghiệp hỗ trợ lâu nay của Việt Nam, đó là thiếu định hướng dẫn dắt của những đầu tàu lớn, như Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vừa diễn ra.

“Cần có doanh nghiệp hạt nhân đóng vai trò cốt lõi của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thông qua tăng cường vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp đầu đàn, kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với vai trò doanh nghiệp đầu tàu thì chuyện gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để duy trì sự tăng trưởng bền vững của các ngành công nghiệp trong nước, tránh phụ thuộc vào nhập khẩu cũng như hướng tới gia tăng tỷ lệ xuất xứ để khai thác tối đa các lợi thế của quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do cũng là bài toán lớn đặt ra đối với chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Câu chuyện của ngành dệt may là một ví dụ điển hình, khi đã trở thành một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn quốc gia, song toàn ngành vẫn phụ thuộc nặng nề vào nguồn vải nhập khẩu, khiến doanh nghiệp mất đi tính chủ động trong kinh doanh, khó nâng cao giá trị sản xuất.

Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOS), dù năm nay xuất khẩu tới 35 tỷ USD hàng dệt may, nhưng có tới 65% tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI.

Chưa kể, sản xuất của ngành vẫn phụ thuộc lớn vào vải nhập khẩu nên quy mô ngành lớn, nhưng không mạnh và dễ bị tổn thương, trong khi giá trị gia tăng vẫn không tăng đáng kể trong thời gian qua.

Việc phát triển mạnh ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may thông qua tăng tỷ lệ nội địa hóa với sự tham gia của các nhà cung ứng Việt Nam, trong đó chú trọng nhất là ngành sợi và nhuộm nếu được thực hiện sẽ tháo gỡ nút thắt lâu nay, mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong ngành.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Cần làm rõ hơn vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu, doanh nghiệp lắp ráp sản xuất ô tô, máy tính, điện thoại di động, dệt may, da giày trong hỗ trợ, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Doanh nghiệp lớn đi đầu rất quan trọng, tạo nền tảng cho cả ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Đây cũng là nền tảng để phát triển vững mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng năng lực doanh nghiệp trong nước để tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco - Trần Bá Dương: Để khuyến khích các doanh nghiệp phụ trợ trong nước phát triển, có cơ hội tham gia vào các chuỗi ung ứng, cần miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước; đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi sản xuất nhằm hợp tác, phân công sản xuất, tận dụng các nguồn lực, tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau để cùng phát triển.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục