Cơ hội giảm lãi suất có khả thi?

0:00 / 0:00
0:00
Nếu lãi suất dài hạn trên 10%/năm, thì doanh nghiệp không có cửa để đầu tư, vì vậy, cần kéo giảm lãi suất dài hạn xuống trong 6 tháng tới để kích thích đầu tư.
Cơ hội giảm lãi suất có khả thi?

Áp lực lãi vay quá cao

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng cần có giải pháp rõ ràng hơn để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Nếu lãi suất dài hạn trên 10%/năm, thì doanh nghiệp không có cửa để đầu tư. Vì vậy, cần kéo giảm lãi suất dài hạn xuống và vạch rõ lộ trình cụ thể trong 6 tháng tới để kích thích đầu tư.

“Chúng ta đều biết, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cần có lợi nhuận để bảo đảm quyền lợi của ngân hàng và cổ đông, nhưng cũng nên có sự chia sẻ với doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp để vay vốn. Tuy nhiên, giá bất động sản đang giảm, tỷ lệ giải ngân trên giá trị tài sản giảm, tạo thêm áp lực cho người vay”, ông Hòa nói.

Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, nền kinh tế năm nay được dự báo rất khó khăn. Nếu lãi suất cao 15-16%/năm như hiện nay, thì doanh nghiệp không thể sống được. Trong khi đó, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất, ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Chưa kể, đây là giai đoạn tiền khó, nên các doanh nghiệp và nền kinh tế cũng phải tính đến để có thể vượt qua thời kỳ khó khăn.

Lạm phát Việt Nam năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15%, định hướng năm 2023 dưới 4,5%. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng từ 9,5 - 13%/năm kể từ giữa quý IV/2022 đến nay - cao gấp đôi, gấp ba so với lạm phát. Điều này đẩy lãi vay đối với khách hàng lên 12 - 15%/năm, thậm chí cao hơn.

Vì thế, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia thẳng thắn cho rằng, mặt bằng lãi suất đang ở mức quá cao. Nếu lạm phát ở mức khoảng 4%, thì lãi tiết kiệm khoảng 6 - 7%/năm là phù hợp và giúp lãi vay không ở mức quá sức chịu đựng của doanh nghiệp như hiện nay.

Cơ hội giảm lãi suất

USD dần yếu đi sau quyết định tăng lãi suất của Fed mới đây, nhưng áp lực lên VND như thế nào trong thời gian sắp tới vẫn là bài toán.

Xu hướng đi lên của lãi suất VND thời gian qua do tác động từ các yếu tố bên ngoài, nhất là khi lãi suất USD được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng, tác động tích cực lên USD và ảnh hưởng đến tỷ giá. USD dần yếu đi sau quyết định tăng lãi suất của Fed mới đây, nhưng áp lực lên VND như thế nào trong thời gian sắp tới vẫn là bài toán.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, Fed sẽ còn 2 lần tăng lãi suất nữa vào tháng 3 và tháng 5/2023, sau đó lãi suất sẽ duy trì ở mức đỉnh 5 - 5,25% đến cuối năm 2023. Đây là thời điểm để thay đổi chính sách, ổn định vĩ mô, cũng là cơ hội để NHNN giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp do áp lực tỷ giá qua đi.

Ổn định vĩ mô không thể đạt được khi lãi suất thực rất cao, nếu duy trì cả năm thì sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì thế, theo TS. Nguyễn Xuân Thành, chính sách tiền tệ cần vượt qua thách thức trong quý I và quý II/2023, khi Fed dừng tăng lãi suất, hết áp lực tỷ giá thì phải chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng, mạnh tay hạ lãi suất.

FiinGroup nhận định, khả năng tăng lãi suất của NHNN trong quý I/2023 đã giảm. Trước đó, các chuyên gia kinh tế đều thống nhất rằng, việc tăng lãi suất của Mỹ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, những quốc gia nhỏ như Việt Nam có độ trễ khoảng 1 - 2 quý.

Theo dự báo của Ngân hàng HSBC, NHNN sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ sở trong 2 quý đầu năm, nâng lãi suất tái cấp vốn lên mức 7,0% vào giữa năm 2023 trong bối cảnh áp lực lạm phát mạnh hơn. Trong khi đó, UOB cho rằng, khả năng NHNN thực hiện một đợt tăng lãi suất 100 điểm cơ bản khác vào đầu năm 2023 và có thể tạm ngừng, phù hợp với lộ trình tăng lãi suất của Fed.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục