Lãi suất liên ngân hàng giảm nhưng vẫn ở mức cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi tăng mạnh lên 13%/năm, lãi suất liên ngân hàng (các nhà băng vay mượn lẫn nhau trên thị trường 2) đã giảm xuống 9,61%, song các nhà phân tích cho rằng, khả năng lãi suất liên ngân hàng khó giảm mạnh.
Lãi suất liên ngân hàng giảm nhưng vẫn ở mức cao

Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng đã giảm về lại mức 9,61%, doanh số cũng sụt giảm từ 200 tỷ đồng xuống 120 tỷ đồng.

Trước đó, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước cập nhật, ngày 2/2, ở kỳ hạn 9 tháng, lãi suất liên ngân hàng bất ngờ tăng từ 9,61%/năm lên 13%/năm với doanh số 200 tỷ đồng. Mức lãi suất này cao hơn so với trước Tết Nguyên đán và tăng đáng kể so với cuối năm ngoái, nhưng doanh số không lớn, chỉ chiếm chưa tới 0,1% khối lượng vay mượn giữa các nhà băng.

Lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm trên 95% khối giao dịch giữa các nhà băng) ở mức 6,26%/năm, cũng tăng thêm 0,17%/năm so với mức ghi nhận vào trước kỳ nghỉ Tết và cao hơn khoảng 1,7%/năm so với cuối năm 2022.

Lãi suất liên ngân hàng tăng cao dù Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm thanh khoản trong 5 phiên giao dịch sau dịp Tết với tổng khối lượng cung ứng ròng gần 78.400 tỷ đồng.

Đến ngày 3/2, nhà điều hành mới mở lại hoạt động tín phiếu hút 15.000 tỷ đồng từ 3 thành viên với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 5,69% một năm. Ngày 6/2, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút về gần 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày lãi suất 5,49% một năm.

Theo giới phân tích, lãi suất liên ngân hàng khó hạ nhiệt sớm trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu vẫn có thể tiếp diễn. Lãi suất huy động được dự báo đạt đỉnh vào giữa năm 2023 trước khi hạ nhiệt vào giai đoạn sau đó.

VCBS cho rằng, với giả định mức lãi suất mục tiêu mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hướng đến quanh 5% trong năm 2023, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục cao hơn đáng kể so với năm ngoái, neo quanh 7% đối với các kỳ hạn 1 - 3 tháng.

Các thời điểm căng thẳng thanh khoản dự báo rơi nhiều hơn vào nửa đầu năm. Đối với các kỳ hạn ngắn có thể dao động ở mức thấp hơn trong điều kiện dòng vốn đầu tư có những diễn biến thuận lợi hơn so với kỳ vọng.

Trong khi đó, một nhà phân tích tài chính cho rằng, mức lãi suất liên ngân hàng được quan tâm nhiều là các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần, chiếm 95% tổng giá trị giao dịch. Tại các kỳ hạn dài thường không có thanh khoản và lãi suất cũng thường không mang nhiều ý nghĩa.

Thực tế ghi nhận tại ngày 6/2, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng đã giảm về 9,61% (mức tham chiếu ngày 26/12/2022). Lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 6,05%/năm; tại các kỳ hạn 1 tuần - tháng dao động từ 6 - 7%/năm.

Thông thường lãi suất liên ngân hàng sẽ biến động tại kỳ hạn qua đêm và 1 tuần, cũng là những kỳ hạn chính chiếm trên 95% khối lượng giao dịch. Vì thế, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng tăng vọt lên 13% nhiều khả năng do một đột biến ngắn hạn trên thị trường, sau đó lãi suất sẽ có xu hướng hạ nhiệt trở lại.

Tuy nhiên, áp lực lãi suất vẫn lớn. Các chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định, lạm phát Việt Nam năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15%, định hướng năm 2023 dưới 4,5%.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng từ 9,5 - 13%/năm kể từ giữa quý IV/2022 đến nay. Có thể thấy, lãi suất huy động vốn ở thị trường một đang cao gấp đôi, gấp ba so với lạm phát. Điều này đẩy lãi vay đối với khách hàng lên 12 - 15%/năm, thậm chí cao hơn.

Do đó, nhận định được đưa ra từ chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, rằng mặt bằng lãi suất hiện nay đang ở mức quá cao.

Nếu lạm phát ở mức khoảng 4% thì lãi tiết kiệm vào khoảng 6 - 7%/năm là phù hợp và giúp cho lãi vay không ở mức quá sức chịu đựng của doanh nghiệp như hiện nay.

Lãi suất liên ngân hàng là lãi suất vay vốn của các ngân hàng với nhau thông qua thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) khi các nhà băng thiếu lượng tiền dự trữ tại Ngân hàng Nhà nước (mỗi ngân hàng đều phải duy trì một tỷ lệ tiền dự trữ bắt buộc theo quy định).

Mức lãi suất này duy trì ở ngưỡng cao phản ánh thanh khoản của hệ thống khá hạn chế, điều này có thể gây áp lực lên lãi suất huy động và cho vay tại thị trường dân cư (thị trường 1).

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục