Xin ông cho biết nhận định của mình về mặt bằng lãi suất hiện nay và khả năng trong thời gian tới?
Năm 2023, bức tranh kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng được dự báo có khó khăn nhất định, nhưng chúng ta cũng có thể nhìn thấy được rằng, lạm phát của Mỹ đang có chiều hướng giảm, lộ trình tăng lãi suất USD của Fed để kiểm soát lạm phát cũng được đưa ra, song trong chiều hướng giảm so với năm rồi.
Đối với Việt Nam, các vấn đề khó khăn nội tại trong ngành ngân hàng cũng đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốt. Trong đó, có cả vấn đề về thanh khoản, kể cả khi vụ việc xảy ra liên quan đến một số ngân hàng. Đồng thời, tỷ giá cũng đang chiều hướng giảm dần và dự báo giảm trong năm 2023. Vì thế, các nhận định được đưa ra, lãi suất hiện nay được cho là đã đạt “đỉnh”, kỳ vọng giảm nhiệt dần từ quý II/2023 và sau đó lãi suất cũng sẽ giảm thêm.
Có nghĩa, lãi suất giảm dần ở quý II và giảm thêm trong quý tiếp theo?
Chúng ta cũng có thể hình dung được rằng, lộ trình tăng lãi suất của Fed đang giảm dần, đồng thời thị trường cũng đã phần nào nhận biết được về lộ trình tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ trước thời gian tăng lãi suất từ 6 tháng đến 1 năm. Vì thế, một khi Fed giảm dần lộ trình tăng lãi suất thì lãi suất của các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng sẽ giảm.
Riêng với Việt Nam được xem là thị trường còn quy mô nhỏ nên cũng có tác động từ Fed, nhưng không quá nhiều. Vả lại, hiện các tổ chức, định chế tài chính nước ngoài cũng đang chào các ngân hàng trong nước gói vay tín dụng, với mức lãi suất hấp dẫn. Bởi các tổ chức tài chính cũng nhận ra rằng, lãi suất sẽ dần đi xuống trong thời gian tới.
Một khi lãi suất cho vay của các tổ chức tài chính nước ngoài đi xuống cũng sẽ kéo theo nhu cầu vốn của doanh nghiệp và ngân hàng trong nước để có được khoản tín dụng lãi suất ưu đãi. Do vậy, các nhà băng sẽ không còn chạy đua huy động tiền tiết kiệm ở thị trường một với mức lãi suất cao như hiện nay để giảm chi phí.
Nhưng thực tế cho thấy, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang tiếp tục tăng?
Lãi suất tiền gửi được nâng lên mức cao cũng chỉ cá biệt ở một số ngân hàng, nhất là đối với những ngân hàng nhỏ, chứ không phải tăng cao phổ biến ở tất cả các ngân hàng. Đáng chú ý là ở những ngân hàng chưa đáp ứng được các quy định về quản lý rủi ro hoặc chưa tiệm cận được các chuẩn mực quốc tế, chỉ số an toàn vốn (CAR) thấp...
Điều này cũng được chứng minh thực tế trong thời gian gần đây cho thấy, lãi suất ở các nhà băng quy mô vừa và lớn ổn định hơn. Bản thân các ngân hàng hiện nay cũng rất muốn giảm lãi suất huy động, vì không thể đẩy mạnh cho vay. Một phần room tín dụng hạn chế, đồng thời thị trường có khó khăn, doanh nghiệp và cá nhân cũng không muốn sử dụng vốn vay lãi suất cao, ngân hàng cũng kiểm soát rủi ro.
Đáng chú ý là trước bối cảnh thị trường bất động sản đang có khó khăn. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng cũng không muốn tăng mạnh lãi suất, kể cả với lãi suất kỳ hạn dài. Bởi nếu trong thời hạn 3 - 6 tháng nữa, mặt bằng lãi suất đầu vào giảm, trong khi tín dụng khó đẩy mạnh thì ngân hàng đối mặt chi phí tăng.
Áp lực lạm phát trong năm 2023 có đáng lo ngại lên mặt bằng lãi suất, thưa ông?
Lạm phát trong năm nay được kiểm soát 4 - 4,5%, như vậy so với mặt bằng lãi suất hiện nay đang tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 thì người gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất thực dương cao. Vì thế, dù lạm phát có tăng hơn mức trên thì mặt bằng lãi suất cũng khó tăng mạnh theo trong thời gian tới đây.
Đồng thời, để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ; sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.