Cơ hội đón dòng vốn lớn từ APEC

0:00 / 0:00
0:00
Hợp tác kinh tế trong khung khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy dòng vốn đầu tư lớn chảy vào Việt Nam.
Sản xuất tại Nhà máy Ford Hải Dương. Ảnh: Đức Thanh Sản xuất tại Nhà máy Ford Hải Dương. Ảnh: Đức Thanh

Tâm điểm là dòng đầu tư từ Mỹ

Ít ngày trước, Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam đã nhận chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, để tăng vốn đầu tư từ 174 triệu USD hiện tại lên 504 triệu USD. Khoản đầu tư bổ sung 330 triệu USD này sẽ góp phần quan trọng để Luxshare mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Luxshare là một doanh nghiệp của Đài Bắc Trung Hoa, nhưng khoản đầu tư này cũng có thể coi là một phần của dòng chảy đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam, vì Luxshare là một trong những nhà sản xuất của Apple và nhiều khả năng, Luxshare dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam xuất phát từ những yêu cầu của Apple - “ông lớn” của ngành điện tử, công nghệ thông tin của Mỹ và toàn cầu. Những năm gần đây, đặc biệt kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, yêu cầu dịch chuyển sản xuất đã liên tục được Apple đưa ra. Đó cũng là lý do hàng loạt nhà đầu tư lớn, từ Foxconn đến Luxshare, rồi Winston, Pegatron, Compal, Goertek… liên tục tăng vốn đầu tư tại Việt Nam. Đây đều là các nhà sản xuất cho Apple.

Trong khi đó, quỹ đầu tư Warburg Pincus vừa kỷ niệm 10 năm hoạt động tại Việt Nam, với khoản đầu tư lũy kế đến nay lên tới 2 tỷ USD. Warburg Pincus đã ghi dấu ấn với hàng loạt thương vụ đình đám, từ chi 200 triệu USD để mua 20% cổ phần của Vincom Retail, đến khoản đầu tư 370 triệu USD vào Techcombank… Các khoản đầu tư hàng trăm triệu USD cũng đã được Warburg Pincus đổ vào Novaland, Khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm Strip, Momo…

“Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào triển vọng phát triển của Việt Nam trong tương lai và sẽ duy trì cam kết của mình tại thị trường Việt Nam trong thập kỷ tới”, ông Chip Kaye, Giám đốc điều hành toàn cầu của Warburg Pincus nói và cho biết, Việt Nam hiện là một trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu trên toàn cầu của Warburg Pincus.

Đó không phải những khoản đầu tư duy nhất của các nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam. Thời gian gần đây, dòng đầu tư từ Mỹ đã liên tục có những tín hiệu khả quan. Dù 10 tháng qua, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam dừng ở mức trên 512 triệu USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn vào Việt Nam, song nhiều dự báo cho rằng, đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

Việc Việt Nam và Mỹ ra tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, hay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ và hiện tại là chuyến công du tới Mỹ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng để tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC và các hoạt động song phương với Mỹ, hứa hẹn mở ra cơ hội hợp tác song phương Việt - Mỹ, với một trong những tâm điểm chính là phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Sự xuất hiện của Intel trước đây, hay Amkor gần đây, cũng như Synopsys, Marvell, Cadence Design Systems… chính là minh chứng rõ nét cho nhận định này.

Cơ hội đón dòng vốn lớn

Không chỉ mối quan hệ song phương tốt đẹp với Mỹ, mà các hợp tác trong khuôn khổ APEC được thúc đẩy cũng sẽ góp phần quan trọng mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam đón dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Thực tế, trong 21 nền kinh tế thành viên APEC, nhiều nền kinh tế, như Mỹ, Trung Quốc, Đài Bắc Trung Hoa, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… đang là những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.

Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút đầu tư từ nhiều thị trường châu Á khác nhau, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Đài Bắc Trung Hoa, nhưng lại thiếu vắng các khoản đầu tư từ Mỹ, châu Âu.

Tuy nhiên, tới đây, sẽ có nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực chip bán dẫn, bán lẻ, thực phẩm, tài chính - ngân hàng từ Mỹ và châu Âu tìm tới Việt Nam.

- Ông Ivan Alver, đồng sáng lập Global M&A Partners

Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam trên 84 tỷ USD, đứng vị trí thứ nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, trong đó, 10 tháng năm nay là trên 3,9 tỷ USD. Trong khi đó, con số tương ứng với Nhật Bản là 71,4 tỷ USD và 3 tỷ USD; với Singapore là 73,4 tỷ USD và 4,64 tỷ USD; với Đài Bắc Trung Hoa là 38,95 tỷ USD và 2,54 tỷ USD…

Các khoản đầu tư của Foxconn, Luxshare, Goertek, Pegatron… xuất phát từ Đài Bắc Trung Hoa . Tương tự, Samsung, LG, Hana Micron… cũng vẫn không ngừng đổ vốn vào Việt Nam trong thời gian gần đây.

Các nhà đầu tư Trung Quốc, sau Covid-19, cũng đã “bung” ra và đầu tư nhiều dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Greenwich Management Limited, Runergy, Yadea… là những ví dụ điển hình. Kể từ đầu năm tới nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã dốc hơn 3,77 tỷ USD vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư Trung Quốc đang có xu hướng thiết lập cơ sở mới ngoài Trung Quốc để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa và tận dụng các lợi thế về cam kết thương mại của nước chủ nhà.

Tờ South China Morning Post của Trung Quốc gần đây cũng cho biết, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam và điều này xuất phát từ việc nhiều khách hàng Mỹ thúc giục họ phải chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Tất nhiên, không chỉ Trung Quốc, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn, đang khiến Việt Nam trở thành tâm điểm của dòng đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Bắc Trung Hoa... Các nhà sản xuất bán dẫn Đài Bắc Trung Hoa gần đây đã tìm đến Việt Nam như một địa điểm tối ưu trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung.

“Việt Nam đang có nhiều cơ hội thu hút đầu tư từ Mỹ, Anh, châu Âu”, ông Ivan Alver, đồng sáng lập Global M&A Partners chia sẻ với báo giới trước thềm Hội nghị GMAP (Global M&A Partners), do RECOF Việt Nam tổ chức.

Thông tin cho biết, trong khung khổ chuyến công du tại Mỹ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ tham dự, phát biểu và có nhiều cuộc làm việc tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. Sự kiện dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 2.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Tại đây, Chủ tịch nước sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay đóng góp, vượt qua những thách thức trong giai đoạn hiện nay và tận dụng được các cơ hội để thúc đẩy phát triển bền vững của khu vực và từng nền kinh tế, trong đó có Việt Nam”, bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết.

Khi các thông điệp được phát đi, sẽ có những cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư to lớn được mở ra và hiện thực hóa.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục