Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022 diễn ra từ ngày 16-18/11/2022 tại Bangkok, Thái Lan, với sự tham dự của hơn 850 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực, và đại diện của các tổ chức quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Tổng thống Indonesia Widodo, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris là các diễn giả chính tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022.
Ngày 17/11, các bộ trưởng APEC đã trao đổi quan điểm về cách thức khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể duy trì động lực để mở cửa thương mại, đầu tư và nối lại du lịch bất chấp sự gián đoạn, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Thái Lan.
Các bên cũng đã ký một số thỏa thuận hợp tác như Kế hoạch hành động chung 5 năm giữa Nhật Bản và Thái Lan, 5 văn kiện hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam gồm: Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường từ nay đến năm 2027; Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khỏn-kèn; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ủy ban Thương mại Thái Lan; và Thỏa thuận thúc đẩy hợp tác Thương mại và Đầu tư song phương giữa Vietcombank và Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Thái Lan.
Theo chương trình nghị sự, hôm nay 18/11 là ngày cuối cùng diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, còn cuộc họp của các nhà lãnh đạo kinh tế khu vực sẽ kéo dài đến ngày 19/11. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng sau đó.
Trong một bài phát biểu quan trọng (bằng văn bản) vào ngày 17/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo cần ngăn cản việc "vũ khí hóa" các mối quan hệ kinh tế và biến khu vực châu Á-Thái Bình Dương thành một cuộc đua tranh quyền lực.
"Mọi nỗ lực nhằm chính trị hóa và vũ khí hóa các mối quan hệ kinh tế và thương mại nên bị loại bỏ", Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh, đồng thời cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương không nên trở thành "đấu trường tranh giành quyền lực lớn".
Ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc cam kết thúc đẩy "sự ổn định và thịnh vượng" của khu vực. Chủ tịch Trung Quốc đánh giá rằng các nền kinh tế đang phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như các vấn đề nguồn cung thực phẩm và năng lượng.
"Mở cửa giúp mang lại những tiến bộ, còn đóng cửa có thể bị bỏ lại phía sau. Bất kỳ nỗ lực nào làm gián đoạn hoặc thậm chí phá vỡ chuỗi cung ứng và sản xuất công nghiệp đã hình thành nhiều năm qua ở châu Á - Thái Bình Dương, sẽ chỉ đẩy hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đi vào ngõ cụt”, Chủ tịch Trung Quốc lưu ý.