Cơ hội cho chứng khoán Việt Nam đi lên

(ĐTCK) Bức tranh kinh tế vĩ mô được dự báo sáng sủa hơn là tiền đề cho sự tăng trưởng của TTCK trong năm 2015. Cùng với đó, việc hình thành khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh được lãnh đạo các CTCK kỳ vọng sẽ đưa TTCK Việt Nam lên một bước phát triển mới.

“Kinh tế vĩ mô 2015 tiếp tục cải thiện tốt hơn, làm tiền đề tăng trưởng cho TTCK”

Ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK MaritimeBank (MSBS)
 
Tôi tin tưởng, kinh tế vĩ mô 2015 sẽ tiếp tục được cải thiện tốt hơn, làm tiền đề tăng trưởng cho TTCK.

Với việc thị trường điều chỉnh mạnh trong những tháng cuối năm 2014, đưa định giá cổ phiếu về mức hấp dẫn thì cơ hội tích lũy cho đợt tăng trưởng ngay những ngày đầu tháng 1 này rất cao. Tuy nhiên, yếu tố dòng tiền hiện chi phối nhiều bởi yếu tố tâm lý cũng như hạn chế theo Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước. Để thị trường tăng trưởng bền vững, cần có dòng tiền bền vững, song thực tế, chúng ta chỉ mới nhìn vào dòng tiền nhà đầu tư nội. Nếu không có những giải pháp đột phá thu hút dòng vốn ngoại cũng như giảm thiểu tác động của Thông tư 36, thì TTCK khó có thể bứt phá trong năm 2015. Các mục tiêu về cổ phần hóa và thoái vốn của các DNNN cũng như sở hữu chéo ngân hàng e rằng khó có thể đạt được.

MSBS đã có những bước phát triển mạnh về quy mô trong năm 2014 và hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững trong năm 2015. Chúng tôi xác định sẽ tham gia đầy đủ các nghiệp vụ của thị trường, trong đó có các sản phẩm phái sinh, nhằm cung cấp các sản phẩm đa dạng cho các khách hàng. MSBS đang thực hiện lúc này là tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng yêu cầu tham gia vào môi giới và tự doanh chứng khoán phái sinh.

“Năm 2015, lực mua ròng khối ngoại xấp xỉ năm 2014”

Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCK MayBank Kim Eng (MBKE)

Việc Fed kết thúc các gói QE và nhiều khả năng sẽ sớm tăng lãi suất USD lên mức cao hơn, điều này chắc chắn tạo ra ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam. Dù vậy, xét về yếu tố nội tại, nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng đang hội tụ nhiều yếu tố để hấp dẫn dòng tiền từ khối ngoại, các yếu tố cần kể đến là sự phục hồi trong tăng trưởng, sự ổn định của tỷ giá và mặt bằng định giá của TTCK Việt Nam đang tốt hơn trung bình của châu Á.

Chúng tôi tin tưởng vào khả năng duy trì mua ròng của khối ngoại trong năm 2015, lực mua có thể xấp xỉ năm 2014 vừa qua. Nhìn vào giao dịch của khối ngoại trong năm 2014, có thể thấy, họ vẫn dành sự ưu ái nhất cho nhóm các cổ phiếu vốn hóa cao khi phần lớn hoạt động giao dịch của khối ngoại tập trung tại nhóm này. Dù vậy, năm 2014, cũng đánh dấu sự thay đổi khẩu vị của NĐT nước ngoài khi họ chuyển một phần vốn sang nắm giữ nhóm midcap trên thị trường, đặc biệt là các cổ phiếu nằm trong các nhóm ngành được hưởng lợi từ chính sách vĩ mô như bất động sản và vật liệu xây dựng. Chúng tôi cho rằng, điều tương tự sẽ xảy ra trong năm 2015.

Nếu giá dầu vẫn không có cải thiện nào trong năm 2015 và USD tiếp tục lên giá cao hơn thì không loại trừ khả năng xu hướng dòng vốn ngoại trên toàn cầu sẽ tìm nơi trú ẩn ở những tài sản được định giá bằng USD.

“Dòng tiền của NĐT tổ chức quốc tế sẽ quan tâm nhiều hơn đến TTCK Việt Nam”

Ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc CTCK ACBS
Giá dầu mỏ đang ở mức thấp kỷ lục trong 4 trở lại đây, sẽ có ảnh hưởng tốt tới tăng trưởng kinh tế (tăng từ 0,5 – 1,5%), giảm lạm phát (-1%) và có điều kiện để giảm lãi suất trần (- 1%/năm). Đây là điều kiện lý tưởng để TTCK tăng điểm. Các dòng tiền thông minh của nhà đầu tư tổ chức quốc tế sẽ quan tâm nhiêu hơn đến TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức, đơn cử như Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước sẽ làm giảm đáng kể dòng tiền đòn bẩy vào TTCK. Các CTCK sẽ phải tìm những nguồn tài chính mới để cho vay giao dịch ký quỹ và đây là thách thức không nhỏ để giữ được dư nợ cao như năm 2014 và tìm được các nhà đầu tư mới.

Năm 2015 được xem là năm bản lề của kế hoạch xây dựng TTCK phái sinh. Để đón đầu cơ hội này, chúng tôi cũng có đã có những đầu tư cơ bản từ năm 2014 cho hạ tầng công nghệ thông tin. Hệ thống phần mềm giao dịch mới của ACBS do công ty IT hàng đầu Lotte Network Solution cung cấp sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2015, giúp nhà đầu tư có thể giao dịch ở mọi nơi, quản lý tài khoản hiệu quả, tiến tới giao dịch các sản phẩm phái sinh dễ dàng khi thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động. Đồng thời, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch đào tạo cho đội ngũ môi giới về các sản phẩm phái sinh.

“TTCK phái sinh hình thành sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường”

Ông Vũ Quang Đông, Tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS)
TTCK năm 2015 sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh. Những ngành là động lực cho sự phục hồi của nền kinh tế như xuất khẩu, xây dựng cơ sở hạ tầng, kho vận, hoặc một số ngành được hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào giảm như vận tải, vật liệu xây dựng, hóa chất… được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá nhất định. Bên cạnh đó, sự phân hóa được dự báo cũng sẽ thể hiện rõ trong từng ngành cụ thể với dự báo các doanh nghiệp đầu ngành sẽ tiếp tục vươn lên chiếm lĩnh thị trường và có kết quả kinh doanh tốt.

Cùng với sự phát triển của TTCK Việt Nam, việc hoàn thiện khung pháp lý và tiến tới giao dịch các sản phẩm chứng khoán phái sinh là thiết yếu. Điều này không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường mà còn đáp ứng nhu cầu phòng ngừa rủi ro và gia tăng lợi nhuận của các NĐT.

VCBS đã và đang có những bước chuẩn bị tích cực cho việc tham gia TTCK phái sinh. Chúng tôi luôn tăng cường và đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự. Bên cạnh đó, VCBS cũng không ngừng củng cố năng lực tài chính vững mạnh của mình. Trong năm 2015, chúng tôi dự kiến tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng. Đồng thời, VCBS sẽ phát hành thêm trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân và duy trì số dư trái phiếu trung bình khoảng 500 tỷ đồng. Ngoài ra, VCBS luôn chú trọng nâng cấp và cải tiến công nghệ, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường cũng như cung cấp cho khách hàng những tiện ích và dịch vụ tối ưu nhất. Cụ thể, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai hệ thống quản lý hoạt động và kinh doanh chứng khoán (hệ thống Core) mới với nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

“Nhiều cơ hội cho TTCK đi lên trong trung và dài hạn”

Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC)
Nhịp giảm điểm khá mạnh của thị trường trong 4 tháng cuối năm 2014 đang mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư trong năm 2015. Nhìn từ góc độ đầu tư giá trị, nhịp điều chỉnh vừa qua đã đẩy giá cổ phiếu quay lại mặt bằng thấp tương đối và được xem là rất hấp dẫn nếu so với triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự bình ổn của các yếu tố kinh tế vĩ mô, đặc biệt là xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất, sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ cho việc thu hút dòng tiền của kênh đầu tư chứng khoán. Lộ trình tham gia các hiệp định thương mại tự do TPP, AEC, ASEAN +6 và VN EU FTA sẽ tạo động lực tái cơ cấu, tạo ra những thay đổi về chất cho toàn bộ nền kinh tế và các doanh nghiệp cũng sẽ phải chuyển mình để hoạt động hiệu quả hơn. Đây cũng sẽ là yếu tố cơ hội, tạo nền tảng cho sự đi lên của TTCK trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, NĐT cần lưu ý, hai vấn đề có phần mang tính khách quan là yếu tố xung đột địa chính trị và áp lực rút vốn FII khi FED chấm dứt gói QE3 và tăng lãi suất đồng USD có thể sẽ gây áp lực nhất định đến thị trường khi có những diễn biến mới. Bên cạnh đó, những vấn đề thuộc về nội tại của TTCK Việt Nam trong năm sau còn có rủi ro liên quan đến thâm hụt ngân sách, rủi ro nợ xấu lớn hơn dự kiến tại các thời điểm tiếp tục áp dụng theo lộ trình Thông tư 09/2014 của NHNN bên cạnh đó là tính hiệu quả hoạt động thực tế của VAMC và cuối cùng là những tác động ngắn hạn của Thông tư 36/2014 đến nguồn vốn cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu kể từ tháng 2 tới.

Hiện BVSC đã và đang chuẩn bị cho việc giao dịch của TTCK phái sinh với 3 yếu tố chính: tài chính, con người và công nghệ.

“Khung pháp lý cho thị trường phái sinh là điều kiện cần để TTCK lên bậc cao hơn”

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc CTCK VNDirect
Năm 2015, TTCK có nhiều cơ hội khi kinh tế tăng trưởng với chỉ tiêu hơn 6%, lạm phát kỳ vọng ổn định và Việt Nam tham gia Hiệp định TPP. Tuy nhiên, NĐT phải cẩn trọng theo dõi dòng tiền vào thị trường khi bị giới hạn bởi Thông tư 36/2014 của NHNN. Do vậy, thị trường sẽ phân hoá và cơ hội sẽ nằm ở những cổ phiếu giảm sâu cuối năm 2014 và các ngành được hưởng lợi từ chu kỳ kinh tế như tài chính ngân hàng, bất động sản, kho bãi vận chuyển.

Việc ban hành khung pháp lý cho thị trường phái sinh là điều kiện cần để phát triển TTCK lên một bước cao hơn. Tuy nhiên, để một thị trường hoạt động hiệu quả thì cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng về kiến thức cũng như cơ sở hạ tầng của các thành viên tham gia thị trường. Về phía VNDirect, Công ty sẽ tập trung chuẩn bị về không những nhân sự, hạ tầng công nghệ mà cả vốn, Công ty vừa hoàn tất đợt tăng vốn điều lệ 1.550 tỷ đồng. Sự chuẩn bị này sẽ là nên tảng để chúng tôi có thể tham gia một cách tích cực vào việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh trong tương lai.

Hải Vân - Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục