Nở rộ app cho thuê xe ô tô tự lái
Nhờ sự phát triển như vũ bão của các nền tảng công nghệ, ngày càng nở rộ các app cho thuê xe ô tô tự lái tiện lợi với giao diện thân thiện, khiến dịch vụ này được nhiều người đón đợi.
Các start-up trong nước cũng như quốc tế chạy đua ra mắt dịch vụ cho thuê xe tự lái qua ứng dụng. Theo đó, hàng loạt ứng dụng cho thuê xe như BongTrip, Chungxe, Mioto, ExBook, Sigo, Aleka, TripX... ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Người dân không chỉ thuê xe ô tô tự lái đi du lịch, về quê... ngắn ngày, mà còn thuê dài hạn theo tháng hay năm để phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày.
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), ngành ô tô Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong năm 2022 cũng như giai đoạn tới. Một số báo cáo phân tích thị trường chỉ ra rằng, thị trường cho thuê ô tô tại Việt Nam ước đạt quy mô 550 triệu USD trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ước đạt 10,9% cho thấy nhu cầu thuê xe ô tô tự lái tại Việt Nam là rất lớn.
Các nền tảng công nghệ chia sẻ ô tô được quan tâm bởi lợi ích mang lại cho các bên liên quan, thủ tục thuê nhanh gọn. Người thuê xe sẽ chủ động về hành trình của mình, dễ dàng lựa chọn thuê xe phù hợp với nhu cầu, các mẫu xe cũng rất đa dạng. Còn người cho thuê xe có thể tối đa hóa thu nhập trong thời gian xe nhàn rỗi và giảm thiểu gánh nặng tài chính khi sở hữu xe.
Thực tế, dịch vụ cho thuê xe tự lái theo cách truyền thống (không thông qua app) đã xuất hiện từ lâu, nhưng chỉ thực sự nở rộ trong vài năm gần đây nhờ sự xuất hiện của các ứng dụng chia sẻ xe nhàn rỗi tự lái.
Tiềm năng là vậy, song đi liền với đó là những rủi ro phát sinh cho cả chủ xe và người thuê xe khi lưu thông trên đường (đâm va, hỏa hoạn, cháy nổ, mất cắp…) và điều này tạo cơ hội cho các nhà bảo hiểm tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm đính kèm.
Dẫn chiếu khảo sát gần đây của Ken Research, đại diện Global Care - đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp chuyển đổi số ngành bảo hiểm (Insurtech) cho biết, thị trường cho thuê xe tự lái ở Việt Nam có nhiều tiềm năng khi còn phân mảnh và non trẻ. Theo vị này, với sự đầu tư bài bản hơn trong thời gian tới, ứng dụng cho thuê xe ô tô tự lái được kỳ vọng sẽ đến gần hơn với người dân và đây là cơ hội để dịch vụ bảo hiểm dành cho xe ô tô cho thuê tự lái tăng doanh thu, giúp người lái lẫn người cho thuê xe thêm an tâm.
Như vậy, có thể thấy, ngoài mang lại lợi ích cho cả bên đi thuê lẫn cho thuê, các nền tảng công nghệ chia sẻ ô tô còn hứa hẹn tạo ra cơ hội cho các công ty bảo hiểm tăng doanh thu bảo hiểm xe. Hiện tại, một số ứng dụng cho thuê xe tự lái đã kết hợp với một số công ty bảo hiểm để đưa sản phẩm ra thị trường.
Đơn cử, ứng dụng Mioto kết hợp với Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) triển khai sản phẩm bảo hiểm chuyến đi (tức bảo hiểm thân vỏ cho xe được thuê) dành riêng cho các giao dịch thuê xe tự lái trên ứng dụng này (bảo hiểm vật chất xe như xe bị đâm va, bị cháy, bị mất cắp phụ tùng, bị mất nguyên chiếc…). Theo đó, với chi phí bỏ ra để thuê xe khoảng 500.000 đồng/ngày, khách hàng chỉ cần bỏ thêm khoảng 42.000 đồng tiền phí đóng bảo hiểm cho 1 ngày. Về quyền lợi được hưởng, với trường hợp này, trong thời gian thuê xe, nếu xảy ra các sự cố va chạm ngoài ý muốn dẫn đến tổn thất, khách thuê sẽ chỉ bồi thường số tiền tối đa 2 triệu đồng để sửa chữa xe (mức khấu trừ), nhà bảo hiểm sẽ hỗ trợ cho các chi phí phát sinh vượt mức khấu trừ.
Băn khoăn nào?
Không chỉ người thuê, mà người cho thuê xe cũng quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm đính kèm dịch vụ thuê xe. Anh Đỗ Mạnh Trung (trú tại Hoài Đức, Hà Nội) kể, chiếc ô tô của anh gần như để không vì anh chủ yếu đi làm bằng xe máy nên anh tính cho thuê xe tự lái để tăng thêm thu nhập cũng như giảm chi phí “nuôi” xe, nhưng anh cũng lo xe bị va quệt… nên muốn mua bảo hiểm cho an tâm.
Thực tế, do bán bảo hiểm cho thuê xe ô tô qua app là dịch vụ mới nên có nhiều băn khoăn từ phía nhà cung cấp dịch vụ như cách tính phí bảo hiểm, cách bán và chi trả bảo hiểm, có những hạn chế nào...
Các công ty bảo hiểm cho biết, về cơ bản, cách bán và thủ tục chi trả bảo hiểm cho xe ô tô cho thuê tự lái qua app cũng tương tự như đối với xe ô tô nói chung, xe kinh doanh thông thường (taxi, xe khách...) nói riêng. Cơ sở pháp lý đối với xe cho thuê tự lái cũng được đối xử bình đẳng như các loại hình kinh doanh khác.
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động hơn trong thiết kế, xây dựng và triển khai sản phẩm bảo hiểm, tăng quyền chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp, giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc), thay vì phải được cơ quan này phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm bảo hiểm như trước đây.
Giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030 do Bộ Tài chính trình Chính Phủ cũng nêu rõ, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
“Tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới đạt từ 8-15%/năm trong những năm gần đây cho thấy nhu cầu bảo hiểm xe của người dân ngày càng tăng. Quy định của pháp luật đang chuyển đối theo hướng trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc định hướng và phát triển kinh doanh lành mạnh. Khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Do dó, bảo hiểm cho thuê xe tự lái cũng tương tự các loại hình kinh doanh khác đều không có hạn chế”, ông Hoàng Thanh Bình, Giám đốc Ban Bảo hiểm xe cơ giới, Bảo hiểm Bảo Việt cho biết.
Ông Đỗ Thế Vinh, CEO Bảo hiểm trực tuyến - IBAOHIEM thì cho hay, mức phí bảo hiểm xe ô tô cho thuê tự lái qua app sẽ cao hơn so với xe taxi truyền thống bởi rủi ro phát sinh cao hơn. Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, không chỉ mức phí, mà mức khấu trừ bảo hiểm cũng cần áp cao hơn do người lái xe thuộc đối tượng rủi ro cao hơn (người thuê xe không quen xe, mới lái xe…).
Liên quan tới điểm loại trừ bảo hiểm, ông Vinh cho biết, do đây là xe cho thuê nên rủi ro mất toàn bộ xe trong trường hợp người thuê xe chiếm đoạt, lừa đảo sẽ không được bảo hiểm. Ngoài ra, bên cung cấp dịch vụ cần lựa chọn đội ngũ tư vấn bảo hiểm thực sự chuyên nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho mình khi xảy ra rủi ro.
Trước băn khoăn về thời gian tính phí bảo hiểm theo ngày, tháng, quý hay chỉ được bán bảo hiểm theo năm, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam cho biết, quy định mới cho phép các bên linh hoạt thời gian tính phí bảo hiểm vì đây thuộc dòng sản phẩm bảo hiểm tự nguyện. Bên cho thuê xe có thể ký mua bảo hiểm cả năm, sau đó phân bổ chi phí phải bỏ ra đóng theo ngày, tháng hay quý. Người đi thuê xe nếu không đồng ý mua có thể từ chối, nhưng thông thường sẽ chấp nhận bởi nếu không mua bảo hiểm thì phải chấp nhận mọi rủi ro nếu xe không may xảy ra sự cố sau này.
Còn ông Vinh đưa ra đề xuất, thay vì tính phí bảo hiểm theo năm như thông thường, các công ty bảo hiểm có thể tính phí bảo hiểm theo chuyến đi (thời gian, quãng đường, lái xe....). Do thuê xe qua app nên các dữ liệu về chuyến đi sẽ được quản lý chặt chẽ, điều này giúp chủ xe có thể linh hoạt chọn hình thức mua bảo hiểm.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2022, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện (đã bao gồm bảo hiểm thân vỏ) đạt 8.005 tỷ đồng, tăng 11,4 % so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, doanh số dịch vụ bảo hiểm cho thuê xe ô tô tự lái còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nhưng sự bùng nổ của các app cho thuê xe tự lái cùng dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp hứa hẹn mở ra cơ hội tăng doanh thu cho dịch vụ này cũng như nghiệp vụ bảo hiểm xe nói chung trong tương lai gần.