Thị trường ô tô nhộn nhịp hơn
Cùng với việc kiểm soát tốt hơn dịch Covid-19, các hoạt động đi lại, kinh doanh đã trở lại trạng thái “bình thường mới” ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Tiêu thụ ô tô tăng trưởng mạnh trong tháng 10 sau quý III trầm lắng vì dịch bệnh. Tiếp đà tăng doanh số 52% ở tháng 9, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố doanh số bán hàng tháng 10/2021 với mức tăng trưởng 120% so với tháng trước, đạt 29.797 xe.
Thông tin đáng chú ý trên thị trường xe ô tô là Chính phủ vừa chấp thuận với đề xuất của Bộ Tài chính về việc giảm 50% lệ phí trước bạ với xe ô tô trong vòng 6 tháng. Chính sách này có thể sẽ được áp dụng từ ngày 1/12/2021, kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu mua sắm xe của người dân.
Còn nhớ, hồi cuối năm ngoái, chính sách giảm phí trước bạ 50% với ô tô lắp ráp trong nước đã giúp hàng loạt hãng ô tô tăng tốc tiêu thụ xe trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, sản lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu trong giai đoạn này là 209.584 xe, bình quân 34.930 xe/tháng, tăng gấp hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.
Ngoài yếu tố chính sách và nhu cầu hồi phục sau đại dịch, thị trường ô tô trong nước dự báo sẽ sôi động hơn khi Vinfast ra mắt dòng ô tô điện e35, e36. Trong dịp ra mắt mẫu xe mới, hãng xe này đã tặng 30.000 voucher trị giá 10 triệu đồng cho cư dân tại các dự án của Vingroup sử dụng để mua xe điện Vinfast, thời hạn sử dụng là tới hết ngày 30/4/2022.
Với những diễn biến mới trên thị trường ô tô, công ty bảo hiểm phi nhân thọ kỳ vọng bức tranh kinh doanh của mảng bảo hiểm xe cơ giới – mảng nghiệp vụ chính của khối phi nhân thọ, sẽ khởi sắc trong những tháng cuối năm và năm sau. 9 tháng đầu năm nay, theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng âm tới hơn 7% so với cùng kỳ.
Vinfast đã mời một số công ty bảo hiểm như BSH, MIC, PJICO, BIC… tham gia đấu thầu bảo hiểm với dòng sản phẩm xe điện .
Trên thực tế, hầu hết các xe mua mới đều tham gia bảo hiểm, do bên bán xe thường tặng gói bảo hiểm cho khách hàng. Trong trường hợp khách hàng vay vốn ngân hàng mua xe, việc mua bảo hiểm xe tự nguyện (trong đó có bảo hiểm vật chất xe) sẽ là yêu cầu bắt buộc từ bên cấp vốn.
Trở lại với động thái ra mắt xe điện cả Vinfast, dòng xe ô tô điện này có giá cả và các tính năng đều vượt trội so với xe xăng, trong khi chi phí vận hành, gồm thuê pin và sạc điện tương đương với xe xăng. Do là sản phẩm xe mới, còn trong giai đoạn thăm dò nên giá trị đóng góp về mặt con số đối với doanh thu bảo hiểm xe trên thị trường chắc chắn chưa thể lớn trong ngắn hạn. Tuy vậy, các công ty bảo hiểm kỳ vọng từ đây sẽ khơi gợi nhu cầu đối với loại xe mới này cũng như bảo hiểm cho các thiết bị, phụ kiện hỗ trợ lái xe. Với xe ô tô điện, pin vẫn là cấu phần đắt nhất, chiếm khoảng 30 - 40% giá thành một chiếc xe.
Theo nguồn tin riêng, Vinfast đã mời một số công ty bảo hiểm như BSH, MIC, PJICO, BIC… tham gia đấu thầu bảo hiểm với dòng sản phẩm xe điện và đang chờ kết quả công bố cuối cùng.
Công ty bảo hiểm linh hoạt hơn để “hút” doanh thu
Dưới góc nhìn của một chuyên gia bảo hiểm, có nhiều lý do để kỳ vọng bảo hiểm xe cơ giới sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong năm sau. Bên cạnh chuyển động về chính sách lệ phí trước bạ, thì nhu cầu sử dụng xe cá nhân vẫn cao do hệ thống xe công cộng chưa đáp ứng, và quan trọng là đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát, vắc-xin đạt độ phủ rộng nên Chính phủ không còn áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên diện rộng để phòng chống dịch, nền kinh tế mở cửa và hồi phục.
Yếu tố không kém phần quan trọng nữa là, các doanh nghiệp bảo hiểm đang tích cực thay đổi về sản phẩm, dịch vụ, chế độ chăm sóc/bồi thường tốt sẽ giúp cải thiện doanh số bán bảo hiểm xe.
Theo vị chuyên gia này, việc cho ra đời các sản phẩm bảo hiểm xe được “cá nhân hóa” theo yêu cầu khách hàng, như bảo hiểm xe theo quãng đường đáp ứng nhu cầu đa dạng của chủ xe. Trong giai đoạn bùng phát đại dịch vừa qua, việc “ai ở đâu ở yên đó” khiến nhiều xe ô tô nằm yên một chỗ trong thời gian dài, nhưng phí bảo hiểm vẫn phải chịu. Việc áp dụng bảo hiểm theo quãng đường được xem như là một giải pháp hỗ trợ khách hàng bớt khó khăn trong mùa dịch.
Sản phẩm bảo hiểm theo dặm từng bị các doanh nghiệp bảo hiểm e ngại triển khai trong thực tế, bởi cho rằng đòi hỏi phải trang bị phần mềm ghi nhận thời gian hoạt động của xe cũng như có khung pháp lý…
Tháng 9 vừa qua, BSH đã ra mắt sản phẩm bảo hiểm vật chất ô tô “Ngày bình an”. Đây là sản phẩm có thời hạn bảo hiểm linh hoạt, khách hàng có thể mua theo ngày, tối thiểu là 1 ngày, với phí bảo hiểm siêu tiết kiệm chỉ từ 20.000 đồng/ngày. Sản phẩm này cũng không yêu cầu phải đánh giá rủi ro, không yêu cầu chụp ảnh trước khi cấp đơn đăng ký mua qua online, với 3 gói bảo hiểm thay mới, bảo hiểm lựa chọn cơ sở sửa chữa, bảo hiểm tổn thất của động cơ khi xe hoạt động trong khu vực ngập nước
Việc nhà bảo hiểm đưa ra sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị trường sẽ giúp tăng sức cạnh tranh, thu hút khách hàng. Về khung pháp lý, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã cho phép các công ty bảo hiểm chủ động thiết kế, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản phẩm.
Trong khi theo quy định hiện hành, các sản phẩm bảo hiểm chỉ được thiết kế theo khuôn mẫu có sẵn, chưa được cá nhân hóa theo yêu cầu khách hàng nên việc trao quyền cho nhà bảo hiểm được chủ động sẽ tạo động lực sáng tạo, cho ra các sản phẩm bảo hiểm mới về xe nói riêng, sản phẩm bảo hiểm mới nói chung cho khách hàng.