Tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam do Euromoney Conferences cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức, đại diện General Electric (GE) đã đưa ra câu hỏi này và trả lời luôn: Vì Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố mà NĐT nước ngoài tìm kiếm, vượt trội so với nhiều nước trong khu vực.
9 tháng, giải ngân FDI tăng mạnh
Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam (Global Investment in Vietnam) diễn ra ngày 30/9/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cập nhật con số khá ấn tượng về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
“Tính đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài đạt 270 tỷ USD với 19.000 dự án đang hoạt động của các nhà đầu tư đến từ 105 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân đạt 135 tỷ USD. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, tổng vốn đăng ký mới các dự án đầu tư trực tiếp đạt hơn 17 tỷ USD, tăng 53%; số vốn giải ngân mới đạt gần 10 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Với nền kinh tế 93 triệu dân, quy mô GDP cuối năm 2014 đạt 184 tỷ USD, con số 135 tỷ USD giải ngân thực tế trên tổng mức đăng ký 270 tỷ USD có thể là chưa lớn, nhưng cũng phản ánh thực tế, Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, chú ý của các nhà đầu tư trên toàn cầu. Dòng vốn đầu tư trực tiếp trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh, lớn hơn nhiều so với tổng mức vốn đầu tư nước ngoài đã thực giải ngân của giai đoạn trước.
Việt Nam: Câu chuyện của tăng trưởng
Để trả lời cho câu hỏi vì sao Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua và hứa hẹn sẽ thu hút mạnh hơn dòng vốn ngoại trong giai đoạn tới, vấn đề đầu tiên chính là tăng trưởng kinh tế.
Giai đoạn sau mở cửa kinh tế 1986-2010, Việt Nam liên tục đạt tăng trưởng GDP cao, với mức tăng bình quân lên tới 7%/năm, dù khởi điểm giai đoạn tăng trưởng này, nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân đạt trên 6%/năm, theo hướng tăng dần qua từng năm. Riêng năm 2015, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt trên 6,5%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, ước cả năm tối thiểu tăng 6,53% - theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Là nền kinh tế được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là có tốc độ tăng trưởng GDP cao thứ 2 thế giới trong suốt 20 năm qua, Việt Nam đã mở ra cơ hội đầu tư cho hàng loạt lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, điện.
Tính đến nay, Việt Nam đã có hệ thống giao thông tương đối đầy đủ, bao gồm đường thủy, đường bộ, hàng không… nhưng nhu cầu vốn cho lĩnh vực này vẫn còn rất lớn. Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông thời gian tới lên đến 50 tỷ USD, nhưng tổng nguồn vốn đến từ ngân sách nhà nước và ODA chỉ đáp ứng được khoảng 28%; 72% nhu cầu vốn còn lại, tương đương với con số khoảng 36 tỷ USD sẽ cần huy động vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước. Đây là cơ hội lớn cho các NĐT tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Trường cho hay, để thu hút NĐT tham gia vào lĩnh vực này, Bộ sẵn sàng bán tới 80% vốn tại các dự án cảng biển, công khai thông tin và tạo điều kiện để NĐT tham gia đầu tư vào các dự án.
Tăng trưởng kinh tế cũng dẫn theo nhu cầu về năng lượng, đặc biệt là điện để phục vụ nền kinh tế. Với mức tăng trưởng GDP dự kiến có thể lên tới 7,5% trong giai đoạn tới, nhu cầu tiêu thụ điện ước tăng khoảng 7-8% mỗi năm. Hiện nay, Việt Nam vẫn nhập khẩu điện từ các nước lân cận, nên cơ hội đầu tư vào lĩnh vực điện cũng rất lớn.
Sức hút vốn ngoại vào ngành này đã thể hiện rõ, khi gần đây nhất, chỉ tính riêng tại Quảng Trị, 2 nhà đầu tư đến từ Thái Lan là One Asian và EGATI đã lên kế hoạch đầu tư 2 dự án nhiệt điện với tổng mức đầu tư lên tới 4,66 tỷ USD, hay các nhà đầu tư lớn khác như: Posco, Samsung C&T, Tata Power… cũng đã lên kế hoạch đầu tư các dự án điện lên tới hàng tỷ USD vào Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ điện lớn, ngày một gia tăng, trong khi Việt Nam đang dần hình thành thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh chính là cơ hội cho các NĐT, không chỉ NĐT trong nước, mà cả NĐT ngoại tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Hội nhập kinh tế: sức hấp dẫn của Việt Nam
Với hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đã và sắp được ký cũng như tham gia Cộng đồng kinh tế chung ASEAN, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ đón đầu cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ do mở rộng thị trường với ưu đãi lớn về thuế quan. Đây là lý do khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam trong thời gian gần đây. Đặc biệt, việc các nhà đầu tư lớn như Samsung đầu tư vào Việt Nam cũng là yếu tố góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ, không chỉ cho các NĐT trong nước và quốc tế.
Thêm vào đó, việc hoàn thành các văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư, chuẩn mực chế độ kế toán cũng như quy định cho phép NĐT được sở hữu tới 100% các doanh nghiệp nếu ngành nghề kinh doanh không bị hạn chế tại Nghị định 60/2015/ND-CP… cũng mở ra cơ hội đầu tư lớn cho các nhà đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực.
Tất nhiên, liên quan đến vấn đề mở room, NĐT vẫn tỏ ra băn khoăn về việc khi nào nới room mới thực sự có hiệu lực trong cuộc sống.
“Chúng ta thấy rằng, ít nhất, môi trường đầu tư ở Việt Nam ổn định trong các năm vừa rồi. Rủi ro có, nhưng không đáng ngại, trong khi tình hình tại các nước trong khu vực như Thái Lan vừa qua rất đáng ngại. Indonesia thì năm nay bầu cử cũng khiến nhà đầu tư lo ngại, Philippines thì có ổn định nhưng chưa có cải cách. Vì thế, Việt Nam là môi trường lý tưởng để dòng vốn tìm đến trong khu vực ASEAN. Nhưng chúng tôi vẫn chờ những quy định cụ thể hơn. Có tới 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong khi chỉ có khoảng 30 ngành nghề không bị giới hạn. Điều này có nghĩa là chúng tôi vẫn phải chờ đợi, để được tiếp tục đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam” ông Kevin Snowball, Giám đốc Công ty Quản lý tài sản PXP nói.
Nhân khẩu học: sức hút đặc biệt
Với 93 triệu dân, trong đó lượng lớn là dân số trẻ, đang trong độ tuổi lao động, Việt Nam mang trong mình sức hút đặc biệt cho các NĐT.
Người dân Việt Nam rất cần cù, chăm chỉ, ham học, có kiến thức cơ bản tốt, nhanh tiếp xúc với khoa học kỹ thuật. Trong 2,5 năm qua, tôi thấy rằng, lựa chọn Việt Nam là một quyết định đúng đắn. Tôi tin rằng, người dân Việt Nam chính là yếu tố làm tăng khả năng thu hút vốn FDI” ông Petrus Ng, Tổng giám đốc BASF Vietnam nhận xét.
Đồng quan điểm này, ông Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah và Tập đoàn VinaCapital nói về một trong những lý do đến với Việt Nam, ngoài các yếu tố về môi trường kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, điều kiện tự nhiên: “Việt Nam có nguồn lao động trẻ, có kỹ năng, tôn trọng lao động nữ. Điều này rất hợp với lựa chọn đầu tư của chúng tôi”.
Trong khi đó, nhìn ở góc độ thị trường, đại diện Tập đoàn Đầu tư Nam Long và CP Việt Nam cho rằng, dân số đông của Việt Nam mang lại cơ hội tuyệt vời để phát triển kinh doanh.
“Với dân số đông và tốc độ đô thị hóa cao, mỗi năm có tới hàng trăm nghìn người lao động đổ về các thành phố lớn, đây là cơ hội tuyệt vời cho chúng tôi phát triển sản phẩm bất động sản. Nam Long đã hướng đến phân khúc nhà ở với mức giá trung bình thấp với hàng loạt dự án tại TP. HCM và các vùng phụ cận. Nhu cầu nhà ở luôn lớn, nhất là những người lao động trẻ, nên không bao giờ lo thiếu thị trường”, ông Steven Chu, Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Nam Long nói.
Ở lĩnh vực thực phẩm, ông Chamnan Wangakkarangkul, Phó tổng giám đốc CP Việt Nam cho rằng: “93 triệu dân là một thị trường khổng lồ cho ngành thực phẩm. Thu nhập của người dân ngày một tăng cũng là yếu tố giúp cho ngành thực phẩm lên ngôi, đặc biệt là thực phẩm chế biến, khi con người ngày một bận rộn hơn với công việc. Kéo theo đó sẽ là cơ hội đầu tư vào các sản phẩm thuộc chuỗi giá trị của ngành. Đây là thị trường rất lớn, quan trọng là chúng ta phải làm tốt”, ông Chamnan Wangakkarangkul, Phó tổng giám đốc CP Việt Nam nhận xét. Đây cũng chính là một trong những lý do CP đầu tư vào Việt Nam. Ngành nông nghiệp Việt, với những điều kiện tuyệt vời về thiên nhiên, nhưng đang thiếu về giống và kỹ thuật, sẽ là điểm đến hấp dẫn của NĐT toàn cầu trong thời gian tới.
Cổ phần hóa: cú hích vốn ngoại và sức bật TTCK
Cổ phần hóa là câu chuyện được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ không chỉ giúp thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại vào Việt Nam, mà còn là nhân tố thúc đẩy nền kinh tế.
“Đây là cơ hội rất tốt để các nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư vào Việt Nam. TTCK đang èo uột, mà kế hoạch cổ phần hóa đang ở giai đoạn nước rút, nên Chính phủ sẽ mở rộng cửa, tạo mọi điều kiện để NĐT nước ngoài tham gia vào. Có những đơn vị IPO bán cổ phần với giá gấp 2 lần mệnh giá, nhưng giá bán cho NĐT chiến lược chỉ bằng mệnh giá. NĐT nước ngoài đang có cơ hội, nên nghiên cứu kỹ và có thể mặc cả với Chính phủ”, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Tastco, Phó chủ tịch Tổng công ty Thăng Long - CTCP nói.
Về vấn đề cổ phần hóa, Bộ trưởng Vinh cho biết, trong thời gian tới, việc cổ phần hóa các tổng công ty, doanh nghiệp lớn cũng như tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa cùng với nới room sẽ tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, tham gia vào M&A doanh nghiệp.
“Rất nhiều mã như Vinamilk, nhà đầu tư nào cũng muốn đầu tư. Nhiều doanh nghiệp chúng tôi cũng muốn tham gia, nhưng tỷ lệ bán ra bên ngoài chỉ rất nhỏ, không đủ để tham gia đầu tư. Việt Nam bây giờ đã có nhiều yếu tố để trở thành thị trường mới nổi, nhưng quy mô thị trường vẫn còn quá nhỏ.
Nguồn vốn cho các thị trường mới nổi hiện lên tới 3.000 tỷ USD, chỉ cần phân bổ 0,5% cho Việt Nam thì đã là 15 tỷ USD. Vì thế, chúng tôi hy vọng những bước tiến trong cổ phần hóa tới đây sẽ cải thiện vấn đề này. Khi đó, TTCK Việt Nam sẽ thực sự bùng nổ”, ông Kevin Snowball nói.