Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Chuyên viên Tư vấn quản trị doanh nghiệp phụ trách EzGSM (Đại hội đồng cổ đông trực tuyến), Công ty Chứng khoán FPT:
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 114, Luật Doanh nghiệp 2014, cổ đông có quyền tham dự và phát biểu trong các ĐHCĐ và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2014 - Giải thích từ ngữ: “Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần”.
Như vậy, mỗi cổ đông, dù chỉ sở hữu 1 cổ phần cũng có quyền tham dự và biểu quyết tại ĐHCĐ. Trong trường hợp bạn hỏi, Công ty A quy định như vậy là trái với quy định của pháp luật.
Các cổ đông đều được pháp luật bảo vệ quyền, nếu bị vi phạm, họ hoàn toàn được đòi hỏi quyền lợi của mình. Đến ngày họp ĐHCĐ, cổ đông có quyền đến, yêu cầu ban tổ chức cho dự họp và biểu quyết theo đúng quy định của pháp luật. Nếu ban tổ chức không cho vào tham dự, biểu quyết tại đại hội thì cổ đông có thể tập hợp nhau lại trao đổi, kiến nghị với hội đồng quản trị.
Trường hợp khác, cổ đông có thể tập hợp nhau lại để khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên hội đồng quản trị theo quy định tại Điều 161, Luật Doanh nghiệp 2014 - Quyền khởi kiện đối với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc.
Cổ đông cũng có thể khởi kiện yêu cầu tòa án, trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết, hoặc một phần nội dung nghị quyết của ĐHCĐ do trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHCĐ không thực hiện đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty theo quy định tại Khoản 1, Điều 147, Luật Doanh nghiệp 2014 - Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHCĐ.