Cổ đông Sacombank (STB) có sớm được nhận cổ tức?

(ĐTCK) Sacombank cho biết, đã sẵn sàng cả về trách nhiệm và nghĩa vụ, chờ NHNN phê duyệt Đề án tái cơ cấu, nếu được chấp thuận, sẽ tiến hành xử lý cổ phiếu của ông Trầm Bê và những người có liên quan, hoàn tất các nghĩa vụ, trình thủ tục để thực hiện chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu tăng vốn.
Tại các kỳ ĐHĐCĐ, cổ đông Sacombank luôn bức xúc vì sau nhiều năm chưa nhận được cổ tức

Sẽ chia cổ tức sau khi được NHNN phê duyệt Đề án tái cơ cấu

Trước thềm ĐHĐCĐ ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB - sàn HOSE) bất ngờ bổ sung 2 tờ trình vào tài liệu đại hội là chia cổ tức bằng cổ phiếu và mua lại công ty chứng khoán.

Theo HĐQT Sacombank, để nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động cũng như đáp ứng lợi ích của cổ đông, HĐQT Ngân hàng trình ĐHĐCĐ chủ trương tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên có lựa chọn.

Nguồn vốn sử dụng từ nguồn lợi nhuận hợp nhất chưa phân phối lũy kế đến năm 2024. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 12.720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, Ngân hàng này còn hơn 7.013 tỷ đồng. Cộng với 18.339 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại năm trước, Sacombank có hơn 25.352 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.

Lãnh đạo Sacombank cho biết, nếu được NHNN phê duyệt Đề án tái cơ cấu, Ngân hàng sẽ tiến hành xử lý cổ phiếu của ông Trầm Bê và những người có liên quan, hoàn tất các nghĩa vụ và sau đó trình thủ tục để thực hiện chia cổ tức.

Giới đầu tư đánh giá, hành động trình chủ trương tăng vốn điều lệ của Sacombank là dấu hiệu tích cực, cho thấy nhà băng này rất tự tin với năng lực của mình và đã sẵn sàng cho các chiến lược phát triển quy mô hơn. Giá cổ phiếu STB đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/04 tăng mạnh, vượt mốc 40.000 đồng/cổ phiếu.

Đề án tái cơ cấu Sacombank (sau sáp nhập Southern Bank) được phê duyệt từ năm 2016. Suốt 9 năm qua, Sacombank đã ráo riết xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, đồng thời tăng cường phục hồi lợi nhuận. Năm 2024, Sacombank đã thu hồi, xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng lũy kế lên 103.988 tỷ đồng, trong đó thuộc Đề án 76.695 tỷ đồng. Nhờ đó, các khoản tồn đọng thuộc Đề án giảm 80,5% về quy mô và 25,7% về tỷ trọng so với thời điểm bắt đầu triển khai, hiện chỉ còn chiếm 2,4% tổng tài sản.

Trong đó, đối với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán là 7.934 tỷ đồng, cao hơn so với nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Sacombank đã thực thu 1.587 tỷ đồng và còn lại sẽ thu theo tiến độ pháp lý dự án (dự kiến thu thêm 30 - 40% trong năm 2025 và phần còn lại sẽ thu dứt điểm trong năm 2026).

Về trích lập dự phòng rủi ro, năm 2024, Sacombank đã trích lập 2.623 tỷ đồng dự phòng rủi ro; hoàn thành trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng chưa xử lý, nâng quy mô bộ đệm dự phòng lên 25.689 tỷ đồng.

Mục tiêu lợi nhuận 14.650 tỷ đồng trước thuế có khả thi?

Tại đại hội tới đây, HĐQT Sacombank sẽ trình kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu tổng tài sản đạt 819.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2024. Dự kiến nguồn vốn huy động tăng 9% lên 736.300 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 14% lên 614.400 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát dưới 2%. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15%.

Với mục tiêu lợi nhuận trên, đứng trước bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước năm 2025 diễn biến phức tạp, không chỉ riêng Sacombank mà các ngân hàng đều đứng trước những thách thức lớn..

Một lãnh đạo Sacombank cho biết, nếu Mỹ tăng thuế hoặc siết chính sách thương mại với Trung Quốc và các đối tác, dòng vốn FDI và xuất nhập khẩu tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, làm giảm cầu tín dụng từ doanh nghiệp xuất khẩu. Chính sách tài khóa mở rộng của Mỹ có thể khiến lãi suất toàn cầu tăng và thực tế đã tăng (lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ), từ đó tạo áp lực lên tỷ giá, lãi suất huy động trong nước.

Nguy cơ rút vốn ngoại khỏi thị trường tài chính Việt Nam để trở về các thị trường an toàn, làm gia tăng áp lực tỷ giá và thanh khoản. Các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam và FDI tại Việt Nam. Điều này cũng sẽ tác động đến hoạt động và lợi nhuận của các ngân hàng.

Đứng trước bối cảnh đầy thách thức trên, vị lãnh đạo này cho biết, Sacombank sẽ phải nỗ lực hơn với mục tiêu lợi nhuận đã được ĐHĐCĐ giao phó. Tuy nhiên, với những thế mạnh sẵn có kết hợp các định hướng chiến lược đúng đắn sẽ giúp Sacombank đạt được mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm nay.

Quý I/2025, Sacombank tăng trưởng quy mô khá tốt, cụ thể: huy động vốn thị trường 1 tăng 3,3% so với đầu năm, đạt 33% kế hoạch tăng trưởng năm; cho vay tăng 4,6% so với đầu năm, đạt 33% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 3.674 tỷ đồng, hoàn thành 25% kế hoạch năm, tăng 38,4% so với quý cùng kỳ năm trước.

Với chỉ tiêu tín dụng đưa ra cho 2025 ở mức 14%, vị lãnh đạo Sacombank này cho biết, Ngân hàng sẽ tập trung mạnh vốn vào các phân khúc như: Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, NHNN; các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu; lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đang được nhà nước ưu tiên phát triển nhằm tăng tỷ lệ nội địa hoá các sản phẩm thiết yếu.

Ngoài ra, Sacombank cũng tập trung vào ngành Logistics, lĩnh vực y tế - dược - giáo dục, doanh nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ, đầu tư thu hút phân khúc khách hàng SME, vốn có nền tảng hoạt động ổn định.

Đồng thời, khách hàng cá nhân trung lưu có thu nhập tốt; khách hàng Gen Z sẽ chiếm số đông trong tương lai. Trong khi đó, Sacombank tiếp tục hạn chế đối với các ngành có rủi ro cao như đầu tư kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh bổ sung tờ trình chia cổ tức, Sacombank còn bổ sung thêm tờ trình mua lại công ty chứng khoán. Theo đánh giá của HĐQT và Ban điều hành Sacombank, hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng toàn cầu và Việt Nam. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm tài chính toàn diện của khách hàng doanh nghiệp và cá nhân cao cấp, một số ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang triển khai sở hữu các công ty chứng khoán.

Do đó, với mong muốn gia tăng nguồn thu dịch vụ và năng lực cạnh tranh cho Sacombank, Ngân hàng trình ĐHĐCĐ chủ trương góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán để trở thành công ty con của Sacombank. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ/cổ phần tại công ty chứng khoán trên 50%.

Lãnh đạo Sacombank cho biết, Ngân hàng sẽ tìm chọn các công ty chứng khoán đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản như: báo cáo tài chính rõ ràng minh bạch, đánh giá được rõ ràng chất lượng tài sản; đầy đủ các nghiệp vụ cung ứng cho nhà đầu tư; quy mô vốn phù hợp. Hệ thống vận hành ổn định, có khả năng kết nối với các đối tác; ưu tiên công ty chứng khoán đang niêm yết.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục