ĐHCĐ PVMachino (PVM): Cổ đông đấu tranh tăng cổ tức, thắc mắc hàng loạt nội dung

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phần thảo luận ĐHCĐ Công ty cổ phần Máy Thiết bị Dầu khí ( PVMachino, mã PVM - UPCoM) kéo dài hơn dự kiến khi cổ đông chất vấn hàng loạt nội dung liên quan đến tài chính, đầu tư, đồng thời đề xuất tăng tỷ lệ cổ tức.
ĐHCĐ PVMachino (PVM): Cổ đông đấu tranh tăng cổ tức, thắc mắc hàng loạt nội dung

Tính đến cuối năm 2024, vốn chủ sở hữu của PVM đạt 386 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 147 tỷ đồng. HĐQT đưa ra đề xuất chi trả cổ tức 5%, đồng nghĩa lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại là 123 tỷ đồng.

Với thực tế như vậy, nhiều cổ đông đã đề nghị HĐQT xem xét nâng tỷ lệ chi trả lên 10% để đại hội biểu quyết. Tuy nhiên, Ban chủ tọa từ chối và cho biết, trước khi đại hội diễn ra đã làm việc với cổ đông lớn nhiều lần và thống nhất mức chi trả cổ tức 5% bằng tiền mặt. Lý do đưa ra là Công ty đang ở giai đoạn đầu tư, cần vốn lớn.

Nhiều cổ đông nhỏ tiếp tục đứng lên bảo vệ quan điểm của mình về việc nâng cổ tức, yêu cầu Ban chủ tọa xem xét.

Ngoài ngành nghề lõi là kinh doanh thương mại kim loại màu (kẽm, tôn zam, nhôm), đấu thầu cung cấp vật tư thiết bị cho các dự án, nhà máy trong ngành dầu khí, năng lượng, 2 lĩnh vực mới mà PVM tham gia đều nhận được nhiều thắc mắc của cổ đông.

Thứ nhất là tham gia cung cấp gạo trong nước, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu gạo, các mặt hàng nông nghiệp khác ra thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Cổ đông dẫn chứng trường hợp Vinafood 2 và nhiều công ty kinh doanh gạo có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động không hiệu quả để chất vấn HĐQT vì sao lại tham gia vào lĩnh vực có nhiều rủi ro này, biên lợi nhuận kỳ vọng ở mảng hoạt động này là bao nhiêu, song Ban chủ tọa không trả lời câu hỏi này.

Thứ hai là việc Công ty đẩy mạnh đầu tư bất động sản. Theo báo cáo của HĐQT Công ty, PVM đang đầu tư 5 dự án gồm Dự án nhà ở xã hội tại Đông Anh, Dự án Khu dân cư An Phú, dự án nhà ở tại xã Phú Xuân, dự án nhà ở xã hội tại Phú Xuân (Thái Bình); Dự án Khu đô thị mới Đông Kinh (Lạng Sơn). Cổ đông chất vấn tại sao Công ty lại tập trung vào các dự án tại Thái Bình và dự án nhà ở xã hội vốn có lợi nhuận định mức 10%, nếu không có kinh nghiệm phát triển dự án có thể lỗ?

Ông Phạm Văn Hiệp, Tổng giám đốc Công ty trả lời: “Tôi quê ở Thái Bình. Thái Bình có dân số đứng trong nhóm đầu miền Bắc gần 2 triệu người, riêng dân Thái Bình không ở quê lên tới tầm 2 triệu người nữa, nên từ trước đến nay không có dự án nào ế cả”. Còn dự án nhà ở xã hội ở Đông Anh, do PVM triển khai trên khu đất 23.600 m2 đất lâu nay Công ty thuê đất trả tiền hàng năm nên thủ tục pháp lý sẽ nhanh chóng hơn.

Cổ đông chất vấn tiếp, PVM làm dự án NOXH có phải do sức ép nào không và lợi nhuận kỳ vọng là bao nhiêu, ban chủ tọa không trả lời câu hỏi này của cổ đông.

Báo cáo tài chính của PVM cho thấy, Công ty có 188 tỷ đồng nợ xấu cần thu hồi, trong đó riêng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tân Hồng chiếm 96 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar chiếm 33,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Máy Thiết bị Dầu khí Sài Gòn chiếm 28 tỷ đồng. PVM đã khởi kiện Ngân hàng Seabank là bên bảo lãnh thực hiện thanh toán cho Megastar tại Tòa án quận Hoàn Kiếm.

Cổ đông đề nghị Ban chủ tọa cập nhật về khả năng thu hồi bớt các khoản nợ xấu này nhưng Lãnh đạo PVM không trả lời.

Có cổ đông đề nghị Ban điều hành xem xét lại kế hoạch kinh doanh vì từ 2 năm nay liên tục giảm dần đều trong khi Công ty có khoản lợi nhuận tới 300 tỷ đồng từ thoái vốn 2 liên doanh vào năm 2022.

Đại hội đã bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó đáng chú ý có rất nhiều nhân sự có liên quan với Ngân hàng SHB. Cụ thể, ông Đặng Văn Thân, Giám đốc SHB chi nhánh Hàn Thuyên, hiện đảm nhận Chủ tịch HĐQT Công ty PVM.

Ông Vương Hoàng Thăng, từ 2010-2016, là Phó giám đốc Ban Đầu tư & Xây dựng cơ bản SHB, phụ trách các hoạt động đầu tư và xây dựng cơ bản PVM.

Ứng viên cho chức danh Thành viên HĐQT độc lập là bà Nguyễn Thị Hoài Thanh có kinh nghiệm làm việc từ tháng 11/2021 đến nay tại Khối ngân hàng doanh nghiệp – ngân hàng SHB, Phó giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, trực tiếp quản lý chỉ đạo điều hành giám sát kiểm tra về việc thực hiện kế hoạch công việc và chịu trách nhiệm về hoạt động của các Trung tâm thuộc khối KHDN.

Bà Nguyễn Lệ Thuỳ, ứng viên tham gia Ban Kiểm soát cũng công tác tại Ngân hàng SHB với kinh nghiệm phó phụ trách Phòng Kiểm toán nội bộ/Phòng kiểm soát nội bộ. Từ 2022-nay, bà Thùy làm trợ lý, tham mưu giúp việc Phó tổng giám đốc SHB.

Với sự đấu tranh quyết liệt của cổ đông, Đại hội đã thông qua phương án chia cổ tức 6% bằng tiền mặt, tăng 1% so với đề xuất ban đầu của HĐQT. Đại hội thông qua kế hoạch 2025 với doanh thu 2.049 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 41 tỷ đồng.

Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục