Cổ đông ngoại muốn “ẵm trọn” Pymepharco

0:00 / 0:00
0:00

Việt Nam được coi là thị trường có thời gian hoàn vốn ngắn nhất, ít rủi ro nhất để ông lớn trên ngành dược phẩm đến từ Đức rốt ráo chốt các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A).

Ba quý đầu năm, Pymepharco đạt doanh thu thuần 1.307 tỷ đồng và lãi ròng 218 tỷ đồng, chỉ giảm 2% và 3% so với cùng kỳ. Ba quý đầu năm, Pymepharco đạt doanh thu thuần 1.307 tỷ đồng và lãi ròng 218 tỷ đồng, chỉ giảm 2% và 3% so với cùng kỳ.

Quốc tế hóa với cổ đông ngoại

Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 của Công ty cổ phần Pymepharco (mã: PME) sẽ được tổ chức vào ngày 7/12 tới. Nội dung nhằm cho phép cổ đông lớn Stada Service Holding B.V và người có liên quan nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 100% vốn điều lệ của Công ty mà không cần thực hiện chào mua công khai.

Stada Service Holding B.V là công ty con của Tập đoàn dược phẩm STADA Arzneimittel AG (STADA - Đức), hiện diện tại Pymepharco từ năm 2008 và đang là cổ đông chiến lược nắm giữ 61,99% vốn. Mới đây, tập đoàn này đăng ký mua thêm gần 6 triệu cổ phiếu PME (tỷ lệ 8%) để tăng nắm giữ lên gần 70% vốn điều lệ.

Thực tế, trên Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), Stada Service Holding B.V đã nhận chuyển nhượng số cổ phần đăng ký mua từ 9 cá nhân và Công ty TNHH Sài Gòn 3 Jean. Giao dịch được thực hiện vào ngày 3/11.

Hiện Pymepharco vẫn còn 2 cổ đông lớn khác là thành viên HĐQT Trương Viết Vũ, nắm giữ hơn 10% vốn và Công ty cổ phần Đầu tư Well Light có 8,7% vốn. Đơn vị này cũng liên quan tới STADA.

Trên thị trường, cổ phiếu PME đang giao dịch tại vùng giá 75.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa thị trường 5.625 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu Stada Service có thể mua thêm tối đa 22,5 triệu đơn vị, giá thị trường là 1.687 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 10/2018, cổ đông Pymepharco đã thông qua việc nới room ngoại từ 49% lên tối đa 100%, nhằm quốc tế hóa công ty, thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài.

Công ty cổ phần Pymepharco (tiền thân là Công ty Dược và Vật tư y tế Phú Yên) được thành lập vào ngày 23/7/1989. Trải qua 30 năm, từ một công ty dược địa phương chuyên phân phối vật tư, trang thiết bị y tế nhỏ lẻ, Pymepharco đã vươn lên trở thành một trong những nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam và khu vực với hệ thống nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn EU-GMP, hệ thống phân phối với 19 chi nhánh rộng khắp cả nước, các văn phòng đại diện, cửa hàng chuyên doanh.

Đầu năm 2018, Pymepharco khởi công xây dựng Nhà máy Dược phẩm PME II, có tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng trên diện tích hơn 30.000 m2 tại địa chỉ 189 - Hoàng Văn Thụ (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Nhà máy dược phẩm PME II được đầu tư theo tiêu chuẩn kỹ thuật EU - GMP.

Năm 2017, khi niêm yết lần đầu trên sàn HOSE, Pymepharco đã đứng vị trí thứ hai trong các doanh nghiệp dược niêm yết trên sàn (sau Dược Hậu Giang và trên Traphaco). Sự xuất hiện của Pymepharco được nhận định làm thay đổi bộ mặt nhóm cổ phiếu dược trên sàn chứng khoán.

Năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid-19, nhưng kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm, Pymepharco đạt doanh thu thuần 1.307 tỷ đồng và lãi ròng 218 tỷ đồng, chỉ giảm 2% và 3% so cùng kỳ. Tính tới cuối quý III, Công ty có tổng tài sản gần 2.485 tỷ đồng, tăng 8% so với hồi đầu năm.

Tham vọng mở rộng địa bàn kinh doanh toàn cầu

Về phía cổ đông chiến lược Stada Service Holding B.V, việc muốn “ẵm trọn” Pymepharco không nằm ngoài tham vọng mở rộng địa bàn kinh doanh ra thị trường quốc tế của Tập đoàn STADA. Các giao dịch M&A giúp kế hoạch này linh hoạt hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, STADA đã thực hiện một số giao dịch.

Tháng 11/2019, họ đã công bố việc mua lại Walmark, nhà sản xuất các thương hiệu chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng hàng đầu tại khu vực Trung Âu; mua lại mảng kinh doanh sản phẩm Biopharma - một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất tại Ukraine và mua lại công ty dược phẩm sinh học Alvotech của Iceland.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid-19, nhưng kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm, Pymepharco đạt doanh thu thuần 1.307 tỷ đồng và lãi ròng 218 tỷ đồng, chỉ giảm 2% và 3% so với cùng kỳ 2019.

Với việc mua lại Walmark, Biopharma và Takeda, STADA đã ngay lập tức củng cố danh mục sản phẩm mang nhãn hiệu toàn cầu của họ và giúp họ được biết đến nhiều hơn tại khu vực Trung Âu, Đông Âu, Nga, Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS)…

Đặc biệt, mối quan hệ đối tác chiến lược với Alvotech chính là cơ hội tốt để STADA đẩy nhanh việc mở rộng danh mục đầu tư chế phẩm sinh học tương tự và củng cố vị thế của mình trên thị trường trong phân khúc này. Hiện các sản phẩm này tạo doanh thu 50 tỷ USD trên toàn cầu. STADA sẽ độc quyền thương mại hóa sản phẩm tại tất cả các thị trường chính ở châu Âu, cũng như các thị trường được lựa chọn ngoài châu Âu.

Trong khi đó, việc mua lại danh mục sản phẩm của Takeda tại thị trường Nga/CIS được coi là thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử của STADA (trị giá 660 triệu USD).

Chiến lược giai đoạn 2019 - 2023 của STADA là tập trung đầu tư dài hạn vào thị trường châu Âu và Nga/CIS. Thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, được coi là thị trường có thời gian hoàn vốn ngắn nhất, ít rủi ro nhất sẽ được đầu tư mạnh mẽ. Nhằm tìm kiếm nguồn cung sản phẩm và có sức mạnh tổng hợp, các thương vụ M&A sẽ được STADA rốt ráo thực hiện. Thương vụ muốn sở hữu 100% cổ phần tại Pymepharco ở Việt Nam là ví dụ.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục