Ðộng lực thúc đẩy tăng trưởng của PME đến từ kỹ thuật sản xuất dược phẩm thuộc hàng bậc nhất Việt Nam với 2 nhà máy thuốc viên Betalactam và thuốc tiêm kháng sinh Cephalosporin đạt tiêu chuẩn GMP châu Âu (EU-GMP). Bên cạnh đó, nhà máy mới sản xuất thuốc viên Non-Betalactam cũng theo tiêu chuẩn EU-GMP, công suất 1,2 tỷ viên/năm, dự kiến sẽ vận hành chạy thử vào tháng 7/2019.
Ông Huỳnh Tấn Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc PME nhận định, sau khoảng 1 năm chạy thử, nhà máy mới có thể đạt 50% công suất, vì công suất các nhà máy hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Cổ đông lớn Stada có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kỹ thuật cho PME tại 2 nhà máy thuốc viên và thuốc tiêm kháng sinh Cephalosporin đạt được tiêu chuẩn EU-GMP. Với nhà máy mới, cổ đông này đang giúp PME đẩy nhanh tiến độ đạt tiêu chuẩn EU-GMP vào thời điểm cuối năm 2019, hoặc đầu năm 2020. Bên cạnh đó, Stada sẽ tiếp tục chuyển giao công nghệ nhiều sản phẩm cho PME.
Bối cảnh các nhà máy hiện tại đều chạy hết công suất nhưng nhu cầu còn rất lớn, thậm chí nhà máy Non-betalactam có công suất thiết kế 500 triệu viên/năm, nhưng chạy với công suất 800 triệu viên/năm, đã đặt ra bài toán đầu tư mở rộng công suất của PME. Ðây vừa là yêu cầu khách quan, vừa hoà chung với xu hướng vận động trên thế giới, buộc các nhà máy trong nước phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn như EU-GMP mới có thể cạnh tranh. Ðó cũng chính là cơ hội cho những doanh nghiệp tiên phong đầu tư sản phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Nam chia sẻ, trong vài năm qua, bên cạnh ghi nhận sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên đã không kể ngày đêm dốc sức, thì PME cũng cảm ơn sự “hi sinh” của các cổ đông, qua đó giúp Công ty đầu tư nhà máy hoàn toàn bằng nguồn lực sẵn có, không phải đi vay vốn ngân hàng. Chính vì vậy, Hội đồng quản trị PME đã đề xuất Ðại hội đồng cổ đông kế hoạch cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt. Năm 2019, dự kiến mức cổ tức tối thiểu là 20%.
Theo đại diện Stada, trong năm 2018, Tập đoàn đã nâng tỷ lệ sở hữu trực tiếp tại PME từ 49% lên 62% và gián tiếp là 72% vốn điều lệ. Tập đoàn quyết định nâng tỷ lệ sở hữu tại PME là bởi có niềm tin vào sự thành công của PME, niềm tin vào thị trường tiềm năng của Việt Nam. Ðồng thời, Stada có chung tầm nhìn với PME về việc đưa sản phẩm của Công ty vươn ra khỏi biên giới Việt Nam, trước mắt tập trung vào các thị trường trong khu vực Ðông Nam Á, sau đó sẽ là Châu Âu. Năm 2019, PME sẽ có hoạt động truyền thông, quảng cáo tại thị trường Philippines để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này.
Năm nay, với tỷ lệ sở hữu cao hơn, Stada sẽ góp phần giúp PME thúc đẩy thâm nhập thị trường Ðức nói riêng, Châu Âu nói chung. Thực tế, Tập đoàn đang sử dụng một số sản phẩm sản xuất ở các nước Ðông Âu, trong đó có một số sản phẩm mà PME có thể sản xuất. Thay vì phải nhập khẩu “gián tiếp” thì sản phẩm của PME sẽ trực tiếp đi vào thị trường Ðức.
Ðại diện Stada khẳng định, Stada không phải là nhà đầu tư mang tính chất như một ngân hàng, nhưng là nhà đầu tư thì luôn mong muốn giá trị khoản đầu tư tăng lên. Tập đoàn hỗ trợ cho PME ở nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt đạt và duy trì chứng nhận tiêu chuẩn EU-GMP cho các nhà máy. Ðây là yếu tố quan trọng, đảm bảo vé thông hành cho sản phẩm của PME vào nhiều thị trường xuất khẩu.
Hiện tại, danh mục sản phẩm của PME rất đa dạng. Ðược biết, PME đang nghiên cứu 31 sản phẩm đều ở giai đoạn chín muồi. Công tác nghiên cứu bổ sung sản phẩm mới vào danh mục là chiến lược lớn được Công ty chú trọng. Ngoài ra, theo kế hoạch, Stada sẽ xem xét nhượng quyền thêm một số sản phẩm cho PME để tiếp tục mở rộng sản phẩm, qua đó hỗ trợ Công ty tăng trưởng.
Năm 2018, PME ghi nhận doanh thu thuần gần 1.675 tỷ đồng, tăng 3,24% và lợi nhuận trước thuế 386,5 tỷ đồng, tăng 7,68% so với năm 2017, thuộc Top đầu về doanh thu, lợi nhuận trong các doanh nghiệp niêm yết sản xuất dược phẩm.
Kết thúc quý I/2019, PME đạt doanh thu thuần 409,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 87 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2019 của Công ty là doanh thu thuần 1.910,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 401 tỷ đồng.