Cổ đông ngân hàng “rủng rỉnh”

(ĐTCK) Nhiều ngân hàng tiếp tục công bố phương án chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu, với mục tiêu lớn nhất là tăng vốn điều lệ, tạo nền tảng tài chính cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, điều khiến cổ đông “hạnh phúc” nhất thời điểm này có lẽ là cổ tức bằng tiền mặt.
Tỷ lệ cổ tức tiền mặt của các ngân hàng từ 5 - 15%

Tin vui với cổ đông

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank (mã chứng khoán TCB) cho biết, sau 10 năm không chia cổ tức bằng tiền mặt, Ngân hàng sẽ trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 15%, mức cao nhất trong số các ngân hàng đã công bố. Thời điểm chi trả cổ tức trong quý II hoặc quý III/2024, tổng cộng khoảng 5.284 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông của VPBank (mã chứng khoán VPB) đã thông qua phương án sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2023. Theo đó, trong quý II hoặc quý III/2024, Ngân hàng dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tổng cộng hơn 7.900 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông VIB cũng đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 29,5%. Trong đó, cổ tức bằng tiền mặt là 12,5%, cổ tức bằng cổ phiếu là 17%. Bên cạnh đó, Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ - nhân viên với tỷ lệ 0,44%. Cổ tức tiền mặt sẽ được VIB chi trả thành hai đợt: lần thứ nhất 6% và lần thứ hai 6,5%.

Hội đồng quản trị ACB dự kiến chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt (tổng giá trị cổ tức tiền mặt là 9.710 tỷ đồng).

Không ít ngân hàng chia cổ tức năm 2023 bằng cả cổ phiếu và tiền mặt.

Đại hội đồng cổ đông MB đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ là 20%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Theo đó, Ban lãnh đạo MB dự kiến chi hơn 2.600 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt.

Một số ngân hàng khác dự kiến chia cổ tức năm 2023 bằng cả cổ phiếu và tiền mặt như SHB, với 11% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt (tổng giá trị cổ tức bằng tiền mặt khoảng 1.800 tỷ đồng); tỷ lệ này tại HDBank là 15% và 10%. Tại TPBank, ngân hàng này dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.

Thực tế, phương án chia cổ tức bằng tiền mặt đã được các ngân hàng thực hiện rải rác từ các năm trước, nhưng được nêu bật trong hai năm trở lại đây.

Chẳng hạn, trong cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2023, ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank chia sẻ: “Tôi không nhớ được chính xác lần cuối VPBank chia cổ tức bằng tiền mặt là khi nào, nhưng chắc cũng phải hơn 10 năm. Năm nay, sau hơn 10 năm, VPBank đã tiến hành chia cổ tức tiền mặt. Tôi chúc quý vị cổ đông năm nay và nhiều năm sau đều sẽ có tờ trình như thế này trong bộ hồ sơ trình Đại hội đồng cổ đông”.

Đáng lưu ý, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank Ngô Chí Dũng cam kết, Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Theo đó, năm 2023, VPBank chia cổ tức 10% bằng tiền mặt. Với vốn điều lệ 67.434 tỷ đồng, Ngân hàng đã chi 6.743,4 tỷ đồng để trả cổ tức.

Cũng trong năm 2023, VIB tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng tổng số tiền gần 2.108 tỷ đồng. Trước đó, thực hiện hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, VIB và nhiều nhà băng khác không chia cổ tức tiền mặt trong 3 năm (2020 - 2022).

Tháng 4/2023, TPBank đã chi gần 4.000 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 25%.

Rủng rỉnh tiền mặt nhờ cổ tức

Tính đến 31/12/2023, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank nắm giữ hơn 39 triệu cổ phiếu TCB, tương đương với tỷ lệ sở hữu hơn 1,12% và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vợ ông Hồ Hùng Anh sở hữu hơn 174 triệu cổ phiếu TCB. Những ngày cuối năm 2023, Hồ Minh Anh, con gái ông Hồ Hùng Anh đã hoàn tất mua vào gần 72,1 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 2,05% vốn điều lệ Techcombank.

Trước đó, Hồ Thủy Anh, con gái ông Hồ Hùng Anh mua vào hơn 67,68 triệu cổ phiếu TCB, nâng khối lượng nắm từ 104,66 triệu đơn vị lên 172,34 triệu đơn vị, tương ứng 4,9% vốn điều lệ Techcombank. Con trai ông Hồ Hùng Anh là Hồ Anh Minh mua thêm hơn 34,38 triệu cổ phiếu TCB, nâng khối lượng nắm giữ lên 172,34 triệu đơn vị, tương đương 4,9% vốn điều lệ Ngân hàng.

Tại VPBank, tính đến ngày 31/12/2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngô Chí Dũng nắm giữ gần 328 triệu cổ phiếu, tương ứng sở hữu 4,14% Ngân hàng. Bà Hoàng Anh Minh, vợ ông Ngô Chí Dũng nắm giữ xấp xỉ 327 triệu cổ phiếu và bà Vũ Thị Quyên, mẹ ruột ông Ngô Chí Dũng nắm giữ gần 326 triệu cổ phiếu. Ông Ngô Chí Trung Johnny, con trai ông Ngô Chí Dũng mua 70 triệu cổ phiếu vào cuối năm 2023, sở hữu 0,88% VPBank. Ông Trần Ngọc Bê, anh rể ông Ngô Chí Dũng sở hữu gần 52 triệu cổ phiếu và con gái Ngô Minh Phương sở hữu khoảng 11 triệu cổ phiếu.

Theo báo cáo quản trị năm 2023 của SHB, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Quang Hiển và những cá nhân, doanh nghiệp có liên quan nắm giữ tổng cộng hơn 757 triệu cổ phiếu, tương ứng 23,6% vốn điều lệ Ngân hàng. Cụ thể, ông Đỗ Quang Hiển sở hữu hơn 99,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,75% vốn điều lệ Ngân hàng. Đỗ Quang Vinh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc SHB, con trai cả của ông Hiển nắm giữ gần 940.000 cổ phiếu. Vừa qua, ông Vinh đăng ký mua hơn 100 triệu cổ phiếu SHB trong thời gian từ ngày 19/4 đến 17/5/2024. Tổng giá trị đăng ký mua vào ước tính hơn 1.000 tỷ đồng. Nếu giao dịch thành công, ông Vinh sẽ tăng sở hữu lên trên 101 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,79% vốn điều lệ Ngân hàng.

Con trai thứ hai của ông Đỗ Quang Hiển là ông Đỗ Vinh Quang không nắm chức vụ nào tại SHB, nhưng sở hữu 107,25 triệu cổ phiếu, tương đương gần 3% vốn điều lệ Ngân hàng và bà Đỗ Mỹ Linh, vợ ông Đỗ Quang Vinh sở hữu 7.517 cổ phiếu Ngân hàng. Bà Đỗ Thị Thu Hà và bà Đỗ Thị Minh Nguyệt, hai chị gái của ông Hiển đang nắm lượng lớn cổ phiếu SHB, lần lượt là 74,4 triệu đơn vị (2,057%) và 25,7 triệu đơn vị (0,711%).

Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, tổ chức có liên quan đến Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB Đỗ Quang Hiển đang là cổ đông lớn của SHB khi sở hữu gần 361,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 9,999% vốn điều lệ Ngân hàng. Tương tự, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS - nơi ông Đỗ Quang Vinh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc SHB giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị SHS), nắm giữ gần 53,6 triệu cổ phiếu SHB, tương đương tỷ lệ sở hữu 1,48%.

Ở VIB, đến cuối năm 2023, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị nắm giữ khoảng 126 triệu cổ phiếu, tương đương 4,949% vốn điều lệ Ngân hàng và bà Trần Thị Thảo Hiền, vợ ông Vỹ nắm giữ 125,01 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,928%.

Trước đó, cuối tháng 6/2023, con trai ông Đặng Khắc Vỹ là Đặng Quang Tuấn nắm giữ 124,7 triệu cổ phiếu VIB (4,91% vốn điều lệ), nhưng sau đó đã bán hết trong tháng 8/2023. Cùng thời gian trên và với phương thức giao dịch tương tự, trong tháng 7/2023, Công ty cổ phần Funderra, tổ chức có liên quan đến ông Đặng Khắc Vỹ đăng ký mua 124,7 triệu cổ phiếu VIB. Như vậy, nhiều khả năng giao dịch đã diễn ra giữa ông Đặng Quang Tuấn và Funderra. Trong đó, cả ông Tuấn và Funderra đều là người có liên quan tới ông Đặng Khắc Vỹ.

Với kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt, các các nhân, tổ chức nêu trên sẽ “rủng rỉnh” hầu bao.

Chẳng hạn, với quyết định chi cổ tức bằng tiền mặt là 15% tại Techcombank, ông Hồ Hùng Anh và người có liên quan nắm khoảng 780 triệu cổ phiếu, tương đương 22% vốn điều lệ, số tiền thu về ước tính xấp xỉ 1.170 tỷ đồng.

Tại VPBank, với quyết định chi cổ tức bằng tiền mặt là 10%, ông Ngô Chí Dũng và người có liên quan nắm giữ khoảng 1.550 triệu cổ phiếu, tương đương gần 19,5 vốn điều lệ, số tiền thu về ước tính là 1.550 tỷ đồng.

Tương tự, tại VIB, với quyết định chi cổ tức bằng tiền mặt là 12,5%, ông Đặng Khắc Vỹ và người có liên quan nắm giữ gần 619 triệu cổ phiếu, tương đương 27% vốn điều lệ, số tiền thu về ước tính khoảng 773 tỷ đồng.

Ở SHB, ông Đỗ Quang Hiển và người có liên quan nắm giữ trên 757 triệu cổ phiếu, tương đương 23,6% vốn điều lệ, với quyết định chi cổ tức bằng tiền mặt là 5%, số tiền ước tính thu về gần 380 tỷ đồng.

Một chuyên gia kinh tế nhận xét: “Trong nền kinh tế, về cơ bản, có sẵn tiền mặt vẫn là vua”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục