Cổ đông nhiều ngân hàng sắp được nhận cổ tức bằng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng chuẩn bị trình đại hội cổ đông (ĐHCĐ) kế hoạch kinh doanh 2024 và chia lợi tức năm 2023. 
Cổ đông nhiều ngân hàng sắp được nhận cổ tức bằng tiền

Cụ thể, Techcombank dự kiến sẽ trình cổ đông phương án chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20% tổng lợi nhuận sau thuế. Điều này đồng nghĩa với việc cổ đông có thể nhận được khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024. Nếu được thông qua, cổ đông Techcombank sẽ lần đầu nhận được cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chờ đợi.

ACB cũng lên kế hoạch chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia, với 19.886 tỷ đồng. Theo đó, HĐQT ACB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.

Với mức chia cổ tức này, ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 44.666 tỷ đồng, tăng thêm 5.800 tỷ đồng, tương ứng với hơn 582 triệu cổ phần phát hành thêm. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2024.

Tương tự, MB cũng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt song song với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Tại Hội thảo nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái cho biết, dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024 nhưng tỷ lệ bao nhiêu thì chưa chốt. Trước đó, MB đã thực hiện tăng vốn điều lệ trong năm 2023 từ mức 45.000 tỷ đồng lên hơn 52.100 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Cũng liên quan đến kế hoạch tăng vốn, lãnh đạo MB cho biết, hiện MB đang thực hiện phát hành riêng lẻ cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), thông tin đã công bố trong ngày 5 - 6/3 và dự kiến sẽ hoàn tất giao dịch này trong quý I/2024.

Theo đó, MB chào bán riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho 2 nhà đầu tư là Viettel và SCIC; trong đó, Viettel được quyền mua 43 triệu cổ phiếu MBB và SCIC được quyền mua 30 triệu cổ phiếu MBB. Thời gian hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Sau chào bán, vốn điều lệ của MBB sẽ tăng lên mức 52.871 tỷ đồng.

MB cũng đang triển khai các phương án tăng vốn, tiếp tục trình phương án tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, đặc biệt khi MB thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (OceanBank).

VIB vừa công bố loạt tài liệu cho ĐHĐCĐ thường niên 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 2/4. ĐHĐCĐ dự kiến sẽ nghe các báo cáo, thảo luận thông qua báo cáo và đề xuất của HĐQT và Ban Kiểm soát. Theo đề xuất của HĐQT, VIB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17%.

VIB sẽ chia cổ tức theo hai đợt, lần thứ nhất tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 6% và lần thứ hai là chi trả cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 6,5%. Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức là 3.171 tỷ đồng. Việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt lần 1 đã được ĐHĐCĐ VIB phê duyệt vào cuối năm 2023 và đã chi trả vào ngày 21/2/2024. Hiện vẫn chưa có đề xuất về thời điểm cụ thể chi trả cổ tức lần 2. Sau khi trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền, lợi nhuận còn lại của VIB là hơn 4.483 tỷ đồng.

Ngoài việc chia cổ tức bằng tiền mặt, HĐQT VIB cũng đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và cán bộ, nhân viên Ngân hàng. Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành 431,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 17%, giúp vốn điều lệ của ngân hàng tăng thêm 4.312,6 tỷ đồng. Ngoài ra, VIB cũng phát hành 11,1 triệu cổ phiếu thưởng cho CBNV tương ứng tỷ lệ 0,44%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 110,6 tỷ đồng, nâng vốn từ 25.368 tỷ đồng lên 29.791 tỷ đồng.

Ngoài các nhà băng trên, HDBank và VPBank là những nhà băng tích cực chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông các năm vừa qua. Trong đó VPBank cho biết, Ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp và đủ để được phép chia cổ tức 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho cổ đông.

Trong khi đó, LPBank và Nam A Bank lại muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn năm nay. Tại LPBank, sau khi tăng vốn điều lệ thêm gần 8.300 tỷ đồng trong năm 2023, ngân hàng này dự kiến tiếp tục trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 và phát hành cổ phiếu năm 2024 để tăng vốn điều lệ từ 20.576 tỷ lên hơn 25.576 tỷ đồng.

Nam A Bank cũng dự định phát hành thêm 264,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 25%, từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước. Vốn điều lệ sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng sau phát hành. Đồng thời, Nam A Bank còn có kế hoạch phát hành 50 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng. Như vậy trong năm 2024, Nam A Bank sẽ tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.145 tỷ đồng, lên mức 13.725 tỷ đồng.

Nam A Bank đại hội cổ đông sớm nhất, vào ngày 29/3. VIB ngày 2/4; ACB ngày 4/4; ABBank; MSB ngày 10/4; NCB ngày 13/4; MB ngày 19/4; SHB ngày 25/4; Eximbank ngày 26/4; Vietcombank, BIDV, VietinBank và LPBank cùng diễn ra ngày 27/4...

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục