Cổ đông ngân hàng mong đổi khẩu vị cổ tức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như nhiều đại hội đồng cổ đông năm trước cổ đông gay gắt với lãnh đạo ngân hàng vì cổ tức bằng cổ phiếu, thì năm nay đã khác...
Cổ phiếu OCB kỳ vọng vào “sóng tăng” khi chính thức giao dịch trên sàn HOSE từ ngày 28/1/2021. Ảnh: Dũng Minh Cổ phiếu OCB kỳ vọng vào “sóng tăng” khi chính thức giao dịch trên sàn HOSE từ ngày 28/1/2021. Ảnh: Dũng Minh

Kỳ vọng cổ tức năm 2020 tương đương năm 2019

Chị Minh Tâm, một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường cổ phiếu cho hay, chị mong năm nay ACB tiếp tục chia cổ tức ở mức cao như năm rồi, ở mức 30% bằng cổ phiếu. Một mặt do ACB đã về đích lợi nhuận năm 2020 trước 1 tháng, mặt khác quan trọng hơn là cổ phiếu ngân hàng đang trong xu hướng tăng, nếu nhận cổ phiếu bằng cổ tức lúc này sẽ có lợi hơn là bằng tiền mặt. Thực tế, từ đầu năm 2020 đến nay, cổ phiếu ACB đã tăng hơn 60%.

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB cho hay, do kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn hàng năm nên ACB thường xuyên trả cổ tức cao cho các cổ đông. Với kết quả đạt được trong năm 2020, ACB sẽ cân nhắc chia ở mức phù hợp và ưu tiên chia cổ tức bằng cổ phiếu để vừa có thể tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, vừa đáp ứng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là không chia cổ tức bằng tiền mặt để dành nguồn lực hỗ trợ khách hàng, cũng như mong muốn của cổ đông.

Bà Hồng Anh, một cổ đông của OCB từ nhiều năm nay cũng kỳ vọng nhận được cổ tức năm 2020 tương đương những năm qua, ở mức khoảng 20% bằng cổ phiếu để đón đầu “sóng tăng” khi cổ phiếu OCB sẽ giao dịch trên sàn HOSE từ ngày 28/1 tới sau nhiều năm chờ đợi.

Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán về cổ tức năm 2020, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, Ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay nên sẽ chia cổ tức ở mức khoảng 25%. Hiện vốn điều lệ của OCB ở mức xấp xỉ 11.000 tỷ đồng sau khi thực hiện chia cổ tức năm 2019 và bán cổ phần cho Aozora. Năm 2020, OCB đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra khi đạt 4.414 tỷ đồng trước thuế.

Tại MSB, một lãnh đạo cấp cao ngân hàng này cho hay, lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến đạt 2.500 tỷ đồng, hoàn thành 174% kế hoạch cả năm và tăng hơn 94% so với năm 2019. Với kết quả tích cực này, Hội đồng quản trị sẽ trình phương án chia cổ tức tối thiểu 15% tại Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến tổ chức trong quý I/2021.

Với nhà đầu tư rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng, tỷ lệ cổ tức nhận được năm nay ở quanh mức 15-20%, thậm chí cao hơn ở một số ngân hàng, được xem là món hời lớn nếu so với mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm ở quanh mức 5% như hiện nay. Hơn nữa, do giá cổ phiếu “vua” trong xu hướng tăng thời gian qua nên việc chia cổ tức bằng cổ phiếu theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước cũng được cổ đông đón nhận.

Ông T.N đang làm việc tại một ngân hàng có trụ sở tại quận 1, TP.HCM chia sẻ, niềm vui của ông cũng như nhiều nhà đầu tư, cổ đông khác dường như được nhân đôi khi được nhận cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao và thị giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong năm 2020. Bản thân ông ngoài cổ phiếu của ngân hàng mình, trong năm qua cũng mua thêm “kha khá” cổ phiếu của ngân hàng khác như VIB, HDB… và tất cả đều tăng giá mạnh.

“Cổ phiếu VIB đã tăng hơn 60% trước khi chuyển từ UPCoM sang HOSE vào đầu tháng 11/2020 và hiện vẫn trong xu hướng này, còn cổ phiếu HDB cũng tăng tới hơn 52% từ đầu năm 2020 đến nay. Về cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2019, VIB chia ở mức gần 30%, còn HDBank lên đến 65%”, ông T.N cho biết.

Ngân hàng cũng khó chia cổ tức tiền mặt ở mức cao

Với mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp nhất nhiều năm như hiện nay, việc mua cổ phiếu của ngân hàng có chính sách cổ tức cao cùng với việc giá cổ phiếu tăng rõ ràng đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho nhà đầu tư.

Giá cổ phiếu “vua” trong xu hướng tăng thời gian qua nên việc chia cổ tức bằng cổ phiếu theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước được cổ đông đón nhận

Mặt khác, không như những ngành nghề khác, ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên phải tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, kể cả chính sách cổ tức. Cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí khác, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ lấy chỉ tiêu giảm lãi suất là một trong những yếu tố đánh giá ngân hàng làm tốt hay chưa. Phó thống đốc nhấn mạnh, các ngân hàng cần chủ động xem xét lại khoản vay cũ để điều chỉnh lãi suất về mức thấp hơn.

Trước đó, từ tháng 4/2020, theo yêu cầu từ Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đã giảm khoảng 40% lợi nhuận năm 2020, tương đương khoảng 4.000-6.000 tỷ đồng để hạ lãi suất cho vay. Vì thế, khả năng các ngân hàng này chia cổ tức 2020 ở mức cao là không nhiều.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, Ngân hàng đã trả cổ tức năm 2019 bằng tiền tỷ lệ 8% vào đầu tháng 1/2021, còn cổ tức năm 2020 sẽ được trình tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021.

Vietcombank là ngân hàng thứ 2 trong hệ thống các ngân hàng niêm trả cổ tức bằng tiền. Trước đó, VietinBank cũng thông báo trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 5%, thời gian thanh toán là ngày 21/1/2021.

Trong khi cổ đông nhiều ngân hàng hồ hởi chờ nhận cổ tức cao, thì những nhà băng đang tái cơ cấu vẫn “nói không” với cổ tức do phải tập trung nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo ổn định hoạt động kinh doanh.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà H.T - một cổ đông của Sacombank hy vọng năm nay sẽ được nhận cổ tức sau nhiều năm không được chia. Tuy nhiên, hy vọng của cổ đông này sẽ khó thành hiện thực bởi theo lời ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, việc chia cổ tức phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận do Sacombank vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc sau khi nhận sáp nhập SouthernBank năm 2015, cho dù đã có hơn 4.000 tỷ đồng lợi nhuận tích lũy tính đến giữa năm 2020.

“Hy vọng sau khi thực hiện xong đề án tái cơ cấu vào năm 2023, Sacombank sẽ được chia cổ tức và các cổ đông sẽ không phải nói nhiều về vấn đề này nữa”, ông Minh nói.

Nhiều năm qua, Eximbank cũng không chia cổ tức cho cổ đông, vì ngân hàng phải tăng trích dự phòng cho khoản nợ xấu bán cho VAMC gần 2.000 tỷ đồng và đến nay chưa thể tất toán. Thêm vào đó, tác động của dịch bệnh buộc Eximbank phải tăng trích lập dự phòng rủi ro để tăng tỷ lệ bao nợ xấu nên việc chi trả cổ tức cần được cân nhắc.

Sau hơn 1 thập kỷ hợp nhất, đến nay, SCB vẫn đang nỗ lực xử lý nợ xấu thời kỳ hậu M&A và tăng trích lập dự phòng bao nợ xấu. Hiện tại, quỹ dự phòng rủi ro của SCB đã tăng lên mức 14.000 tỷ đồng, nhưng nợ xấu tại VAMC còn gần 20.000 tỷ đồng nên chưa chia được cổ tức cho cổ đông, cho dù đang có 1.234 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục