Bán thêm 10% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư, Tổng giám đốc OCB cho hay, hiện tại Ngân hàng có 19,5% tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài và còn khoảng hơn 10%.
Trong đó, Aozora Bank - một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất tại Nhật Bản, đầu tư 15% vốn cổ phần tại OCB và trở thành đối tác chiến lược lâu dài. Thương vụ trên hoàn tất vào cuối tháng 6/2020.
Nhưng tại đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020, HĐQT đã thông qua tiếp tục tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài.
OCB cũng dự tính sẽ bán tiếp cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết trên sàn HOSE. Tuy nhiên, do việc đàm phán chưa kết thúc nên ngân hàng muốn niêm yết trước và câu chuyện này sẽ lại khởi động triển khai và kết quả sẽ được công bố.
"Quan điểm của OCB hiện nay, phần sở hữu nước ngoài sắp tới sẽ không gò bó trong đối tượng nhà đầu tư nước ngoài nào. Quan trọng nhất là vấn đề giá, còn lại các vấn đề kỹ thuật, hỗ trợ, chiến lược không phải là vấn đề. Có thể sau khi niêm yết xong, các câu chuyện này sẽ lại khởi động triển khai và kết quả sẽ được công bố", lãnh đạo OCB chia sẻ.
Mục tiêu lợi nhuận tăng 20-25%/năm
Chia sẻ về tầm nhìn cho giai đoạn 5 năm tới 2021-2025, Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn kỳ vọng, ngân hàng tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận, tổng tài sản và vốn điều lệ từ 20 - 25%/năm. Đặt mục tiêu đưa OCB trở thành ngân hàng trong Top 5 các ngân hàng thương mại tư nhân tốt nhất Việt Nam.
Khi được hỏi về kế hoạch chia cổ tức bằng tiền trong thời gian tới, lãnh đạo OCB cho biết, OCB chắc chắn sẽ chia cổ tức cho cổ đông, nhưng vấn đề chia bằng tiền còn phải cân nhắc trong từng hoàn cảnh cụ thể của từng năm.
Tính đến hết 31/12/2020, tổng tài sản OCB đạt 152.848 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2019. Huy động vốn đạt 108.614 tỷ đồng, tăng 27%; tổng dư nợ cho vay đạt 90.128 tỷ đồng, tăng 24% so với 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.414 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2019.
Xét về các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động thì OCB là một ngân hàng hoạt động hiệu quả với mức sinh lời tốt khi chỉ số ROAA từ 0,47% năm 2015 lên 2,61% vào năm 2020, còn ROAE từ 5,1% lên gần 25% trong cùng giai đoạn.
Năm 2017, OCB là ngân hàng đầu tiên hoàn tất việc triển khai Basel II tại Việt Nam. Năm 2018, OCB trở thành ngân hàng hợp kênh đầu tiên tại Việt Nam với ứng dụng OCB OMNI.
Theo đó, đánh giá về mức độ phát triển theo định hướng Ngân hàng số, OCB OMNI đạt mức 51% vào năm 2020, cao hơn mức trung bình của ngành ngân hàng (32%).
Năm 2021, Ngân hàng đặt ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khoảng 15%,chỉ số chi phí trên thu nhập CIR dưới 35%, tỷ lệ ROE trên 20%, ROA trên 2%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2% và hệ số CAR trên 11%.
"Kỳ vọng tăng trưởng bancassurance trong 3-5 năm tới, tăng trưởng doanh thu mỗi năm 25%/năm và đạt 1.800 tỷ đồng vào cuối năm 2025", Tổng giám đốc OCB nói.
Ngày 28/1 tới đây, gần 1,1 tỷ đơn vị cổ phiếu của OCB sẽ giao dịch trên sàn HOSE, với giá tham chiếu là 22.900 đồng. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% so với giá tham chiếu.
Trước đó vào ngày 29/12/2020, HOSE đã chấp thuận hồ sơ niêm yết của OCB, với mã chứng khoán OCB. Số lượng cổ phiếu niêm yết của ngân hàng là hơn 1.096 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ là 10.959 tỷ đồng.
Tạm tính theo giá chào sàn là 22.900 đồng/cổ phiếu, thì mức vốn hóa thị trường của OCB là 25.096 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD), nằm trong Top 30 tại HOSE (tính vào ngày 21/01/2021).