Cổ đông, hãy lên tiếng!

(ĐTCK) Những nghi vấn liên quan đến một số doanh nghiệp niêm yết, như nghi vấn giả Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của CTCP Đầu tư và Thương mại VNN (VNN), Báo cáo tài chính của Dược Cửu Long không trung thực… mà ĐTCK đã phản ánh gần đây đang đặt ra câu hỏi: quyền lực nào đủ sức buộc doanh nghiệp phải minh bạch?
Cổ đông, hãy lên tiếng!

Việc công bố thông tin của DN niêm yết tuân thủ theo Thông tư 52/TT-BTC, Thông tư 121/TT-BTC và một số văn bản khác ban hành từ năm 2012. Tuy nhiên, khi thực tế phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi bổ sung, sửa đổi, nâng cấp hành lang pháp lý là tất yếu phải đặt ra.

Tìm hiểu của ĐTCK được biết, UBCK đã dự liệu sửa đổi Thông tư 52 từ khá lâu, dự kiến cuối năm 2014, cơ quan này sẽ đưa ra “trưng cầu dân ý” để sửa lại Thông tư phù hợp hơn với tình hình thực tế. Theo lãnh đạo UBCK, việc sửa đổi sẽ theo hướng thắt chặt hoạt động công bố thông tin, nâng cao tính kịp thời, tính minh bạch hơn nữa.

Cùng với việc sửa đổi quy định về công bố thông tin, sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các chế tài xử phạt hành vi vi phạm theo hướng nặng hơn và có tính răng đe hơn. Các tổ chức, cá nhân vi phạm công bố thông tin, nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính, nhưng nếu nghiêm trọng, có thể sẽ bị truy vào tội hình sự. Cùng với đó, UBCK sẽ yêu cầu các Sở GDCK tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các vi phạm của thành viên thị trường, để có biện pháp xử lý thích đáng.

Mong muốn của UBCK về việc nâng cao kỷ cương minh bạch là rất rõ, nhưng với nền tảng pháp lý hiện nay, phải ứng xử thế nào trước những hiện tượng như VNN, như Dược Cửu Long? Các DN này có nghi vấn giả mạo thông tin, nghi vấn đó được đưa ra bởi cơ quan công luận, nhưng công luận thì không có thẩm quyền kết luận DN sai hay không sai, chỉ có thể nêu vấn đề để cơ quan chức năng xem xét.

Trước những nghi vấn trên, thẩm quyền của Sở GDCK hiện mới chỉ ở mức buộc DN giải trình. Tuy nhiên, giải trình của DN quá né tránh, bao biện thì phải ứng xử tiếp ra sao? Đây là câu hỏi mà thị trường đặt ra với nhà quản lý, bởi nếu nhà quản lý chỉ có quyền buộc DN giải trình, còn giải trình thế nào là việc của DN, thì tình trạng khập khễnh thông tin sẽ còn tiếp diễn, tính minh bạch và hiệu lực pháp lý còn bị che mờ.

Báo chí có quyền nêu nghi vấn, nhưng cổ đông có quyền khiếu nại, nếu DN có dấu hiệu sai phạm. Cái khó của nhà quản lý là đại đa số cổ đông dường như không nắm sâu về hiện trạng DN, để có thể lên tiếng, phản ánh với nhà quản lý. Khi không có căn cứ khiếu nại, khởi kiện rõ ràng, trách nhiệm thanh tra, giám sát của nhà quản lý cũng dường như bỏ ngỏ.

Thực tế, trách nhiệm của cơ quan quản lý là đưa ra các quy định và chế tài xử phạt rõ ràng, nhưng dù chế tài nào cũng không thể kiểm soát trọn vẹn những DN cố tình “lách luật”. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất để thực thi sự minh bạch trước hết phải xuất phát từ ý thức và trách nhiệm của DN đối với cổ đông và từ sự giám sát, lên tiếng của chính cổ đông. 

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục