Góp vốn bằng... tiền của người khác
Năm 2007, Cty TNHH nhà nước MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị đàm phán với Cty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và thương mại, Cty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình (Cty Ba Đình), Cty cổ phần Điện chiếu sáng và Cty cổ phần Hội chợ quảng cáo thương mại Việt-Mỹ cùng đầu tư Dự án đầu xây dựng, kinh doanh Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp Hapulico tại số 1, đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 999, các doanh nghiệp trên sẽ góp vốn thành lập Cty CP đầu tư bất động sản Hapulico (Cty Hapulico). Trong đó, Nhà nước nắm giữ 35% vốn điều lệ thông qua việc góp vốn bằng tài sản trên đất, lợi thế thương mại và tiền đền bù về thiệt hại kinh doanh của Cty TNHH nhà nước MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị.
Các doanh nghiệp khác góp vốn bằng tiền, trong đó Cty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Thương mại góp 26%, Cty Ba Đình góp 24% vốn điều lệ. Số vốn góp còn lại là của Cty CP điện chiếu sáng và Cty CP quảng cáo thương mại Việt - Mỹ. Ngoài số tiền vốn góp, các doanh nghiệp tham gia dự án còn phải nộp một khoản tiền đề bù thiệt hại về kinh doanh cho Cty TNHH nhà nước MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị.
Theo thỏa thuận, số vốn góp của các cổ đông phải chuyển vào tài khoản của Cty TNHH nhà nước MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị để hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh cho Cty Hapulico tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Hầu hết cổ đông sáng lập của Cty CP Hapulico đều thực hiện việc góp vốn đúng thời hạn theo thỏa thuận, còn Cty cổ Ba Đình do ông Nguyễn Tiến Trung nắm giữ 98% vốn điều lệ và nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc đã chậm góp vốn.
Trước khi Cty CP Hapulico được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Cty Ba Đình góp được 21 tỷ bằng tiền vay của Cty Đầu tư phát triển đô thị và Thương mại, còn thiếu 20 tỷ đồng mới đảm bảo mức vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Mặc dù chưa nộp đủ vốn góp nhưng ông Trung vẫn được các cổ đông ưu ái bầu làm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Cty Hapulico.
Để có số tiền nộp nốt 20 tỷ đồng tiền vốn góp vào Cty Haplico, ông Trung với tư cách là Chủ tịch HĐQT Cty Ba Đình đã vay của ngân hàng Habubank 20 tỷ đồng. Điều đáng nói là, để vay được số tiền này, ông Trung lại lấy tư cách Cty Hapulico để bảo lãnh khoản vay trên cho Cty Ba Đình.
Văn bản giấy tờ liên quan đến vụ việc Cty Hapulico
Rút vốn bất hợp pháp
Không dừng lại ở việc lấy tiền của Cty Hapulico để bảo lãnh cho cổ đông vay tiền để góp vốn, khi giữ chức Tổng Giám đốc Cty Hapulico, ông Trung bổ nhiệm và Phạm Thị Ngọc Trâm làm thủ quỹ, đồng thời giao chức Quyền Giám đốc Cty Ba Đình cho bà Trâm. Như vậy, ông Trung kiểm soát cả hai Cty và dễ dàng thực hiện kế hoạch “đầu tư không vốn” tại dự án Hapulico.
Ngày 19/6/2008, sau gần 1 tháng thành lập Cty Haluplico, ông Trung với tư cách là TGĐ Cty Hapulico đã ký “hợp đồng tín dụng” với công ty riêng của ông là Cty Ba Đình do nhân viên dưới quyền là bà Trâm là đại diện. Theo đó, Cty Hapulico cho Cty Ba Đình vay 34 tỷ đồng. Tiếp theo, ngày 19/8 và ngày 30/9/2008, ông Trung ký 2 “hợp đồng tín dụng” nữa để chuyển 11 tỷ đồng từ Cty Hapulico về Cty Ba Đình. Như vậy, bằng các hợp đồng vay tiền, ông Trung đã chuyển 45 tỷ đồng từ công ty “chung” về công ty của ông để trả 41 tỷ đồng đã vay sử dụng làm vốn góp vào Cty Hapulico.
Với cách làm này, ông Trung không phải bỏ ra đồng vốn nào nhưng Cty Ba Đình của ông Trung vẫn có 41 tỷ đồng góp vào Cty Hapulico và có chức Tổng Giám đốc của Cty Hapulico.
Khi việc làm này của ông Trung bị phát hiện, HĐQT Cty Hapulico yêu cầu ông Trung phải trả tiền lại cho Cty Hapulico trước 30/62009, nhưng ông Trung không thực hiện. Vì thế, HĐQT Cty Hapulico đã miễn nhiệm chức TGĐ của ông Trung, đồng thời Đại hội đồng cổ đông của Hapulico đã loại bỏ tư cách cổ đông của Cty Ba Đình.
Ông Trung không đồng ý nên khởi kiện ra tòa. TAND TP Hà Nội xử sơ thẩm xác định, việc ông Trung lấy danh nghĩa TGĐ Cty Hapulico để chuyển tiền về Cty Ba Đình bằng “hợp đồng tín dụng” là hành vi rút vốn bất hợp pháp. Vì thế, Tòa chấp nhận các quyết định của Đại hội đồng cổ đông Cty Hapulico.
Tại Bản án giám đốc thẩm ngày 14/9/2011, TANDTC nhận định, việc lấy vốn góp để trả tiền vay của ông Trung là rút vốn bất hợp pháp. Cuối cùng, chiêu đầu tư không vốn kiểu “tay không bắt giặc” của Cty Ba Đình đã bất thành.
Việc bãi miễn tư cách cổ đông của Cty Ba Đình có hợp lý hay không, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Đạo về vấn đề này:
Thưa Luật sư, có ý kiến cho rằng việc ông Trung cho lấy tiền của Cty “chung” để cho công ty “riêng” vay là một quan hệ dân sự, không liên quan đến thỏa thuận góp vốn, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Nếu xét ở hai quan hệ này độc lập và không liên quan đến cá nhân ông Trung thì có thể coi đây là hai việc quan hệ pháp luật làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ khác nhau. Nhưng ông Trung lại là trọng tâm của quan hệ góp vốn và quan hệ vay tiền giữa Cty Ba Đình và Cty Hapulico. Vì thế, cần xem xét hai quan hệ này tương quan với nhau. Vì thế, tôi đồng ý với ý kiến của Tòa án và các cơ quan liên quan khi đánh giá các hợp đồng vay tiền giữa Cty Ba Đình và Cty Hapulico là thủ thuật rút vốn tại Cty Hapulico.
Nếu Tòa không công nhận Cty Ba Đình là cổ đông của Cty Hapulico thì có gây thiệt hại cho cá nhân và tổ chức nào không, thưa ông?
Vốn góp của cổ đông có thể là vốn tự có hoặc vốn vay. Cty Ba Đình sử dụng vốn vay để góp vào Cty Hapulico. Nhưng họ lại dùng chính tiền của Hapulico để trả nợ vay nên xét cho cùng thì Cty Ba Đình cũng không mất gì, Cty Hapulico cũng chưa được lợi gì từ cổ đông này. Do đó, việc không công nhận Cty Ba Đình là cổ đông cũng không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các bên. Không có vốn góp mà là cổ đông thì mới là điều khó chấp nhận.
Xin cảm ơn ông! |